Đà Nẵng cuối tuần

Lăng kính đa chiều

13:25, 05/11/2022 (GMT+7)

Cuối tuần, ngồi xem phim hoạt hình Công chúa tóc mây cùng bé con 5 tuổi của tôi, đến đoạn phù thủy bắt cóc công chúa từ lúc mới sinh đem về tòa tháp nuôi dưỡng, chải tóc mỗi ngày, bé con có vẻ trầm ngâm rồi nói: “Mẹ ơi, con thấy phù thủy chăm em bé, nuôi em bé lớn, chứng tỏ phù thủy đâu phải lúc nào cũng độc ác”.

Thoáng chút ngạc nhiên, tôi nhìn con mỉm cười và cảm thấy khấp khởi trong lòng khi bé biết cảm nhận nhiều khía cạnh trong một vấn đề. Bởi lẽ, đến lúc này, tôi thấm thía rõ, trong cuộc sống, bất kỳ sự vật - hiện tượng nào cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phương diện khác nhau.

Sinh ra và hiện hữu trên cõi đời, chắc chắn mỗi người trong chúng ta đều có hai phần thiện và ác. Phần thiện là lương tâm và sự thiện lành trong ứng xử với chính mình, với mọi người xung quanh; phần ác là những cái xấu, nhỏ nhen le lói trong nhân cách mỗi người. Hai mặt này tương ứng với phần “con” và phần “Người”. Tôi tin rằng, khi chúng ta đối xử với người khác bằng tấm chân tình, nhiệt thành và trung thực, phần thiện trong mỗi người sẽ được “đánh thức” và lất lướt phần ác, để con người gắn bó, kết nối với nhau hơn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Không chỉ con người mà mỗi sự vật, sự việc trong cuộc sống cũng luôn tồn tại những mặt đối lập khi song hành cùng nhau. Bản thân sự vật luôn biến đổi không ngừng nghỉ, ẩn sâu bên trong cái khô héo không ai ngăn trở được là những biến đổi vận động không ngừng để nảy sinh ra sự sống. Nhớ những dòng thơ Hán Việt ngày nào của Mãn Giác Thiền sư:“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

Trong cái giá rét của đêm đông ấy, trên cái cành khô mà tưởng như hoa đã “lạc tận” ấy vẫn bừng lên vẻ đẹp của “nhất chi mai”. Hình ảnh cành mai dẫu đơn độc nhưng thật cứng cỏi như tạc vào đêm tối chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự sống ở giữa cái nơi mà vạn vật tưởng đã úa tàn. Trên thực tế, đã rất nhiều lần, hình ảnh những em bé sơ sinh chào đời giữa chiến trường đầy máu lửa, súng đạn đã gây xúc động mạnh cho độc giả khắp nơi.

Trong tác phẩm “Mùa lạc”, nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ”. Trong vất vả, đớn đau, hạnh phúc vẫn có thể hiện hình. Khi một biến cố lớn xảy đến với mỗi người, nó tất nhiên sẽ mang theo khổ đau, nước mắt. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, biến cố đó có thể trở thành một “khóa huấn luyện đặc biệt” bởi ở đó, con người được rèn luyện sự chịu đựng, khả năng tự vực dậy bản thân, biết nhìn vào mặt tốt của vấn đề để học cách chấp nhận và trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn. Nhờ đó, mỗi khi đối diện khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, thậm chí là những hiểm nguy rình rập, mỗi người sẽ bình tĩnh suy xét để tìm ra hướng giải quyết thay vì xoáy sâu vào những suy nghĩ tiêu cực và gục ngã.

Người thành đạt trong cuộc sống, chắc hẳn không tránh khỏi những lần thất bại. Và sau mỗi thất bại, họ rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu để trưởng thành. Vì vậy, cảm ơn chính những thất bại mà mình đã trải qua - cũng là khi con người hiểu cuộc sống cần được nhìn ngắm dưới lăng kính đa chiều. Có thể chúng ta không thay đổi được hoàn cảnh, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được cách mình phản ứng với hoàn cảnh đó. Tương tự như vậy, đôi khi việc bản thân đánh mất một điều gì đó lại mở ra những khả năng, những lựa chọn mới, cơ hội mới mà bình thường có lẽ mỗi người sẽ không để ý tới.

Giống như hoa sen sống trong bùn lầy vẫn tỏa ngát hương thơm. Như bé con của tôi khi ngắm nhìn nàng công chúa Tóc mây lúc trưởng thành đã mường tượng ra hình ảnh bà phù thủy chăm sóc nàng lúc nhỏ… chứ không chỉ là hình ảnh một bà phù thủy cưỡi chổi đáng sợ và làm những việc xấu xa. Cuộc sống vốn dĩ muôn màu, tất yếu phải được phản chiếu qua một lăng kính đa chiều để có thể khai thác và nhìn nhận toàn diện từng vấn đề, giúp mỗi người có khả năng biến khó khăn thành đòn bẩy, khơi dậy bản tính thiện lương và học được cách chung sống với chính mình và với xã hội.

ĐỖ LAN HƯƠNG

.