Đà Nẵng cuối tuần
Hơn 80% lao động sau đào tạo có việc làm
Đà Nẵng hiện có 69 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động nông thôn, lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt hơn 80%.
Học viên tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng làm bài kiểm tra kết thúc khóa học. Ảnh: T.Y |
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho hay, nhờ tích cực đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và triển khai có hiệu quả hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, thành phố từng bước nâng cao chất lượng lao động nông thôn, lao động thuộc diện chính sách, diện tái định cư, đền bù, giải tỏa.
* Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thành phố luôn quan tâm đến công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng lao động chính sách, lao động nông thôn, hộ nghèo, hộ di dời, giải tỏa... Những kết quả đạt được thời gian qua trên lĩnh vực này là gì, thưa ông?
Trong định hướng phát triển GDNN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN, chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyển sinh học nghề đối với lao động nông thôn, lao động vùng di dời, giải tỏa, mất đất sản xuất, lao động đặc thù; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo, giải quyết việc làm...
Các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm được duy trì và phát triển, tập trung vào các lĩnh vực nghề nghiệp như: may mặc, giày da, cơ khí, mô hình trồng nấm, trồng hoa, mây tre đan, nuôi cá nước ngọt... trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 3 tháng. Ngoài ra, thành phố thực hiện đầy đủ chính sách miễn, giảm học phí và cho vay qua ngân hàng chính sách xã hội cho đối tượng học nghề.
Từ năm 2012 đến nay, có 28 cơ sở tham gia đào tạo nghề miễn phí cho gần 10.000 học viên lao động nông thôn, lao động diện chính sách, xã hội. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt hơn 80%. Với lao động lĩnh vực phi nông nghiệp, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình đào tạo nhằm chuyển đổi nghề nghiệp, phối hợp doanh nghiệp đào tạo gắn với giải quyết việc làm, nhiều lao động sau khi kết thúc khóa học được doanh nghiệp nhận vào làm với mức lương khởi điểm bình quân 5,5-6 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao như nghề điện, hàn, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí... mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng.
* Tham gia học nghề, học viên là lao động nông thôn, lao động thuộc diện chính sách, diện giải tỏa, thu hồi đất… được hưởng những chính sách nào?
Hằng năm, các cơ sở đào tạo luôn chủ động thực hiện công tác xét duyệt hồ sơ, tổng hợp, dự toán, báo cáo cấp có thẩm quyền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng chính sách theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện chính sách nội trú; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động đặc thù; chính sách tín dụng và hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập... Qua đó, tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 14-8-2017 về việc bổ sung một số điều của quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn. Quyết định này cho phép mở rộng đối tượng được hỗ trợ học nghề, bao gồm người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng.
Việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, học nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân nông thôn. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương liên quan thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để công tác dạy nghề hiệu quả, đúng nhu cầu, sở thích.
* Lao động sau đào tạo sẽ tiếp cận cơ hội việc làm như thế nào?
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, kết nối cung - cầu lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ Sáu hằng tuần, tăng cường mở rộng tổ chức các phiên giao dịch việc làm đồng thời tại 3 địa điểm trực thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố (trước đây chỉ thực hiện luân phiên tại từng địa điểm).
Riêng 9 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức 33 phiên giao dịch việc làm, thu hút 3.789 lượt doanh nghiệp tham gia, trong đó phối hợp với UBND quận Cẩm Lệ, Trường Đại học Kinh tế và Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức các “Ngày hội việc làm” thu hút hơn 3.500 người lao động và học sinh, sinh viên tham gia, kết quả có hơn 200 lao động và hơn 850 sinh viên được kết nối tạo việc làm. Bên cạnh đó, chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố thực hiện, đang quản lý, điều hành hơn 2.555 tỷ đồng; cho vay hơn 827 tỷ đồng với 14.888 dự án; giải quyết việc làm cho 14.929 lao động, bình quân mỗi lao động được vay trên 55 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, các thành phần kinh tế giải quyết việc làm cho 28.360 lao động, trong đó vị trí việc làm tăng thêm 20.890 người…
* Xin ông nói rõ hơn một số giải pháp giải quyết việc làm sau đào tạo địa phương đang áp dụng?
Vấn đề giải quyết việc làm là vấn đề lớn, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, do đó thời gian đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề ra một số giải pháp nhằm giải quyết tốt hơn vấn đề về việc làm, đó là: nắm bắt thông tin và điều tiết cung - cầu lao động, đưa phần mềm kết nối giải quyết việc làm vào hoạt động nhằm phân tích, đánh giá, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài; tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm online, phiên giao dịch việc làm di động tại các quận, huyện và các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Tiếp tục triển khai kế hoạch nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (quy mô từ 100 lao động trở lên), giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, có kế hoạch hỗ trợ người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm chuyển sang tự tạo việc làm, đẩy mạnh công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động; triển khai chính sách giáo dục nghề nghiệp miễn phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đến các đối tượng thuộc gia đình chính sách người có công cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa, không còn đất sản xuất, lao động là người khuyết tật, lao động thất nghiệp…
Cùng với đó, chúng tôi nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, chủ động tăng cường kết nối doanh nghiệp, mở rộng danh mục ngành nghề, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được học nghề, chuyển đổi nghề; khuyến khích học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TIỂU YẾN thực hiện