Đà Nẵng cuối tuần
Nghĩ về chuyện công chức, viên chức rời công sở
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, tính từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, số lượng công chức, viên chức cả nước nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao, trong đó tỷ lệ công chức, viên chức ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành Trung ương và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức cũng chiếm tỷ lệ áp đảo - 89,8%, tập trung vào hai lĩnh vực cực kỳ quan trọng của đời sống xã hội là giáo dục và y tế.
Cán bộ phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (bên phải) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Chắc không một đại biểu Quốc hội và không một cử tri nào xem đây là chuyện bình thường, mặc dầu báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần nhìn nhận vấn đề ở cả hai góc độ nguy và cơ, qua đó cần thấy việc dịch chuyển lao động - từ nông thôn ra thành thị, xuất khẩu lao động, từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại - là xu thế phát triển, vận động kinh tế - xã hội bình thường của một quốc gia, là sự “phân công lao động” đáp ứng cung - cầu của thị trường lao động và đây chính là cơ hội để khu vực công tuyển dụng mới, cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Đương nhiên ở góc độ thứ hai, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, ra đi tìm bến đỗ mới cần sớm được khắc phục một cách hiệu quả: Tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; tinh giản biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn, tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế, đặc biệt trong thời gian phải căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19; môi trường làm việc của một số cơ quan, đơn vị trong khu vực công thiếu năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và chưa có cơ chế tạo động lực cần thiết để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công vụ - thậm chí một số công chức, viên chức còn phải đối mặt với rủi ro trong thực thi công vụ do hệ thống pháp luật vẫn chưa phù hợp với thực tiễn… Nhiều bài báo gần đây khi phân tích nguyên nhân chủ quan của câu chuyện thời sự này cũng nhấn mạnh hệ lụy về tiền lương và thu nhập, hệ lụy về cơ hội thăng tiến, hệ lụy về áp lực công vụ - và thực chất hệ lụy sau cùng cũng liên quan đến hai hệ lụy trước…
Một khía cạnh khác được quan tâm là những công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc, ra đi tìm bến đỗ mới là ai? Và làm sao có thể xem đây là chuyện bình thường khi trong số họ có một phần không nhỏ là những người có năng lực thực sự, từng đóng góp đáng kể cho khu vực công? Bởi nếu đúng như vậy thì việc họ nghỉ việc, thôi việc không chỉ tạo nên chỗ trống về số lượng biên chế theo kiểu cơ học tương ứng một - một mà còn và chủ yếu là tạo nên khoảng trống về vị trí việc làm...
Theo tôi, trong các nỗ lực khắc phục tình trạng hàng vạn công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc thời gian qua và có nguy cơ lây lan trong thời gian tới, cần hết sức tránh xu hướng đánh đồng những người đang ở lại trong khu vực công, cho rằng sở dĩ họ chưa ra đi vì không còn con đường nào khác, rằng sở dĩ họ còn ở lại vì không đủ khả năng tìm được bến đỗ mới. Đúng là trong số những người đang tiếp tục gắn bó với khu vực công, có không ít người lẽ ra phải là đích ngắm đầu tiên của tinh giản biên chế, nhưng vẫn có rất nhiều người thực sự có năng lực, thực sự có đóng góp cho khu vực công đã chọn ở lại đơn giản vì… muốn ở lại, và họ phải là đối tượng chủ yếu của các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về cải thiện chính sách tiền lương và thu nhập, về đổi mới quản lý nhân sự nhằm tạo cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc mang tính động lực nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo và ý thức cống hiến trong công vụ.
Trên kia có nói hệ lụy về áp lực công vụ thực ra cũng liên quan đến hệ lụy về tiền lương, thu nhập và hệ lụy về cơ hội thăng tiến. Cho dầu tinh giản biên chế đạt được hiệu quả như mong đợi, xác định đúng đích ngắm là những người “sáng vác ô đi tối vác về”, hạn chế và yếu về năng lực, nhưng nếu những người trụ lại sau - tinh - giản vẫn chỉ được hưởng ngần ấy tiền lương và thu nhập giống như trước - tinh -giản thì chắc chắn với họ áp lực công vụ sẽ tăng lên đáng kể.
Cũng như vậy, cơ hội thăng tiến không công bằng, người làm được thì không được làm, người được làm thì làm không được sẽ dẫn đến áp lực công vụ cho những người làm được, cho những người thực sự có năng lực, thực sự có đóng góp cho khu vực công nhưng cứ phải… dẫm chân tại chỗ. Nói như vậy để thấy các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về cải thiện chính sách tiền lương và thu nhập, về đổi mới quản lý nhân sự nhằm tạo cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc cần phải được tiến hành đồng bộ - thậm chí tăng lương phải đi đôi với kiềm chế lạm phát, chứ lương tăng một mà giá tăng gấp đôi thì mọi nỗ lực cũng trở thành vô nghĩa...
Các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm ngăn chặn “làn sóng” công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc chủ yếu dành cho những người ở lại - điều đó là đương nhiên - nhưng theo tôi cũng nên nghĩ tới những người vừa chia tay với khu vực công. Tôi còn nhớ người Trung Quốc từng gọi những người du học nước ngoài thành tài về nước phục vụ là ái quốc/yêu nước; đồng thời gọi những người du học nước ngoài chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước - thực chất là bằng tiền thuế của người dân - là vị quốc/vì nước. Kiểu tư duy phân biệt ái quốc và vị quốc như vậy thể hiện quan điểm của người Trung Quốc cho rằng dẫu không được như mong đợi vẫn chưa phải là mất!
Chính vì thế, cũng nên rà soát chính sách dành cho công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc theo nguyện vọng, bao gồm những chính sách về quyền lợi chính trị nhằm tạo điều kiện cho những người ra đi có thể tiếp tục đóng góp tài năng và tâm huyết của mình vào quá trình phát triển chung của địa phương/đất nước ở ngoài khu vực công không chỉ với tư cách công dân mà còn với tinh thần tiên phong gương mẫu của người đảng viên cộng sản.
BÙI VĂN TIẾNG