Chuyện đời trồng quất

.

Không biết từ khi nào cây quất đã trở thành biểu tượng của ngày Tết. Nếu không có quất, Tết sẽ vơi đi phần nào ý nghĩa. Nhưng ít ai biết rằng, để cây quất đơm hoa kết trái đúng vụ Tết, người trồng quất đổ biết bao giọt mồ hôi, phơi nắng, dầm mưa hơn một năm ròng chăm bẵm, nâng niu từng chồi non, lộc biếc...

Những chậu quất  rực rỡ báo hiệu một cái Tết ấm áp, sum vầy. Ảnh: XUÂN SƠN
Những chậu quất rực rỡ báo hiệu một cái Tết ấm áp, sum vầy. Ảnh: XUÂN SƠN

Đại gia đình trồng quất

Nắng chiều dần tàn, trời trở lạnh hơn nhưng vườn quất của ông Nguyễn Viết Ninh (65 tuổi, phường Thanh Hà, thành phố Hội An) vẫn nhộn nhịp người ra vào, tiếng kéo cắt lá tỉa cành vẫn rộn ràng cả một khu vườn rộng 10.000m2. Trước mắt tôi là người đàn ông với dáng vẻ nhỏ nhắn, tay đang nâng niu vài quả quất chín mọng, ông Ninh cho biết, từ ngày xưa gia đình đã có truyền thống trồng quất lấy trái. Từ năm 1999, ông chuyển hướng sang trồng cây quất cảnh vì nhận thấy tiềm năng và lợi ích kinh tế ổn hơn trồng quất lấy trái. Tính đến nay, gia đình ông có đến 7 người theo nghề trồng quất cảnh.

Ông kể, hơn 24 năm gắn bó với cây quất, ông chưa bao giờ cảm thấy chán nản hay muốn bỏ nghề dù có lúc bị thua lỗ nặng. “Từ nhỏ, tôi sớm được cha ướm tay làm quen với cây quất như ngắt lá sâu hay tưới nước, bón phân. Vì thế, trong tôi hình thành tình yêu rất lớn dành cho cây quất, tôi xem cây như con của mình.

Theo dõi từ ngày đầu ươm, tạo dáng, chăm cành… rồi nhìn cây lớn lên hằng ngày giúp tôi xua tan mệt mỏi. Trồng quất mang lại cho tôi nhiều niềm vui và sống một đời ý nghĩa, nhưng nghề này rất vất vả, phải chăm chỉ, chịu khó, nếu người làm nghề không có tình yêu với cây quất thì khó lòng tạo ra những tác phẩm có hồn và bắt mắt”, ông Ninh tâm sự.

Mỗi ngày, từ sáng sớm ông Ninh đã chăm tưới nước cho cây quất. Đến 6 giờ sáng khi nắng lên, ông bắt đầu chăm sóc cây như tỉa cành, bón phân… đến cuối ngày. Lặp đi lặp lại mấy chục năm, ông Ninh coi đó là công việc yêu thích. Có những hôm “trái gió trở trời”, không thể ra thăm quất, ông lại ăn không ngon, ngủ không yên. Tâm sự cùng ông, tôi nhận thấy khóe mắt ông hiện rõ sự vui tươi và niềm tự hào với công việc.

Dường như hương sắc nắng gió của quất đã hòa quyện, ươm mầm vào tim ông những tâm tư, tình cảm rất lớn. Ông Ninh nói, nghề trồng quất thực ra không có Tết, chỉ biết bán Tết cho thiên hạ. Trước Tết thì lo chăm cây, sau Tết lại tất bật chăm sóc cho kịp lứa mới. Thu nhập nghề trồng quất khá bấp bênh vì phụ thuộc nhiều yếu tố như thời tiết, sâu bệnh… Có những năm bội thu nhưng có năm phải bù lỗ, đó là chuyện bình thường của người trồng quất.

“Chúng tôi coi nghề trồng quất như đánh bạc, có may có rủi. Nhưng nhờ tình yêu với quất, tôi không hối hận khi chọn nghề này và chục năm qua tôi luôn cố gắng làm việc, chia sẻ sự hiểu biết của mình cho những người mới chạm nghề. Làm đẹp đời, đẹp lòng Tết, đối với tôi đã quá trọn vẹn. Chỉ mong sao tôi có đủ sức khỏe để tiếp tục nối nghề truyền thống của cha ông”, ông Ninh xúc động nói.

Ông Nguyễn Viết Ninh đang tỉa cành cây quất. Ảnh: T.V
Ông Nguyễn Viết Ninh đang tỉa cành cây quất. Ảnh: T.V

Từ những ngày đầu canh tác, vườn nhà ông Ninh trồng khoảng 100 gốc quất mỗi năm. Đến nay, vườn nhà ông đạt số lượng hơn 1.000 cây vào dịp Tết, chưa kể quất cảnh chậu nhỏ để bàn. Cây quất vườn ông đa dạng kích thước từ 1 mét đến 5 mét, có giá từ 1 triệu đến 30 triệu đồng. Theo ông Ninh để có một cây quất “hình dáng” khỏe và đẹp, ngoài kỹ thuật chăm sóc, người trồng phải có con mắt chọn cây giống. Cây giống phải mướt và xanh thẫm, rễ sai, nhiều nhánh càng tốt. Đồng thời, người trồng phải nắm vững quy trình chăm quất, mùa mưa không nên để ngập, mùa hanh phải liên tục tưới nước. Trồng quất đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 (âm lịch) phải “đảo quất”, đánh gốc và thay đất, bón phân rồi trồng lại như mới. Sau khi cây ra hoa, phải tỉa bỏ hoa nhỏ. Đến khi đã có một cây quất sai cành xanh lá, quả sum suê thì đến công đoạn tạo dáng gọi là “gò quất”.

Để gò quất đạt chuẩn, người làm phải có bàn tay và con mắt nhạy bén, biết chuyển cây từ chỗ quả rải rác và tập trung chúng lại, bắt quả phải phô diễn ra hết bên ngoài, trải đều từ gốc tới ngọn, vừa có quả xanh, quả chín và lộc non… “Quất là loại cây cho ra quả quanh năm, để điều chỉnh quất có quả đúng vào dịp Tết thì cần có kỹ thuật và kinh nghiệm. Đây là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng làm được.

Có tay nghề nhưng không biết cách gò thì cây quất sẽ không nâng được giá trị. Quan trọng hơn, từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch, nếu phát hiện cây nào có quả người trồng cần phải cắt bỏ kịp thời. Giai đoạn cây quất đậu quả đẹp nhất nên là tháng 7 âm lịch, vì thời điểm này sẽ giúp quả chín vào đúng dịp Tết, không bị sớm cũng không quá muộn”, ông Ninh chia sẻ bí quyết.

Chia tay ông Ninh, trên đường về, trước mặt tôi là nhiều xe tải xếp nối dài của thương lái đang chờ đưa quất lên xe đi các tỉnh. Dù mệt mỏi, nhưng trên gương mặt những người trồng quất ấy luôn nở nụ cười bởi mỗi chuyến xe lăn bánh sẽ giúp họ có cái Tết thêm phần ấm áp sau một năm trời khó nhọc.

Người trồng quất cảnh quy mô đầu tiên ở Đà Nẵng

Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, đến tổ 1, thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) hỏi anh Nguyễn Bá Minh (40 tuổi) trồng cây quất cảnh quy mô đầu tiên ở Đà Nẵng thì ai cũng biết. Gặp anh Minh khi tay anh đang cắt dây nhựa buộc vòng quanh cây quất, anh kể, trước đây, thu nhập dựa vào nghề thợ sơn.

Năm 2017, anh nhận thấy thị trường tiêu thụ cây quất ở Đà Nẵng khá lớn nhưng quất cảnh chưa có nhiều và hầu như không có ai trồng. Nghĩ vậy, anh quyết định vào nhà anh rể ở xã Cẩm Hà (thành phố Hội An), một trong những “thủ phủ” trồng quất lâu đời của miền Trung, đặc biệt là cây quất cảnh để vừa học vừa làm. Học hơn 1 năm, anh lại khăn gói trở về quê nhà mang theo niềm tin và hy vọng “khởi nghiệp” với nghề trồng quất.

“Tôi vốn nghiện cây cảnh, nhưng sau này vì nhiều lý do nên tôi đi theo hướng khác. Đến năm 35 tuổi, nhận thấy công việc thợ sơn lớn tuổi sẽ khó bám trụ nên tôi muốn chuyển sang một nghề mới. Nghĩ mãi chưa biết mình phải làm gì thì chợt nhớ đến trong gia đình có người “gạo cội” trồng quất hơn 20 năm, nên tôi mạnh dạn học hỏi để thay đổi”, anh Minh chia sẻ.

Anh Nguyễn Bá Minh bên cạnh những cây quất cao hơn 3m được chăm sóc hơn một năm qua.  Ảnh: T.V
Anh Nguyễn Bá Minh bên cạnh những cây quất cao hơn 3m được chăm sóc hơn một năm qua. Ảnh: T.V

Những năm đầu trồng quất cảnh, vì chưa có kinh nghiệm nên anh gặp nhiều khó khăn. Mãi đến năm thứ hai, khi đã quen với quá trình phát triển của cây quất nên dần thuận lợi. Cây quất của anh lúc này đạt chuẩn, dáng cây đẹp, quả vàng xen lẫn xanh và nhiều lộc. Anh Minh cho biết, trồng quất cảnh phải chăm sóc quanh năm, mất khá nhiều công sức.

Để có cây quất đẹp, người trồng phải trải qua nhiều công đoạn quan trọng từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, tỉa cành và tưới nước đều đặn mỗi ngày. Thời điểm giữa hoặc cuối tháng 8 (âm lịch), cây quất chuẩn bị ra hoa, kết quả thì cần cung cấp cho quất đầy đủ phân bón, nước sẽ giúp cây xanh tốt, cho quả nhiều và bảo đảm quả to, chín vàng vào đúng dịp Tết.

Ngoài ra trong quá trình trồng quất Tết, cần chú ý khi quất bắt đầu cho quả bằng đầu ngón tay thì nên phun thuốc phòng ngừa nấm để hạn chế quất bị nhiễm nấm gây bệnh, rụng trái. Khi trồng phải uốn nắn các cành cây từ khi còn non để làm sao tạo ra được những cây có thế lạ, dáng đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Trồng quất nên trồng trực tiếp trên đất, khi quất phát triển khỏe thì mới đưa vào chậu. Đất trồng cần lên luống cao, có rãnh thoát nước xung quanh tránh ngập úng, bởi quất úng nước sẽ ngừng phát triển và thậm chí có thể chết.

“Qua mỗi lần làm là một lần rút ra kinh nghiệm, nói chung phải yêu cây, mến cây thì mới không nản lòng khi cây bị sâu bệnh, phát triển kém. Trồng quất không chỉ đơn giản là trồng và chăm sóc cây, mà người làm nghề phải dành hết tâm huyết, thả hồn vào cây quất để uốn nắn như những đứa con của mình. Có những lúc vì chăm sai, vài cây quất bị héo và chết, cả ngày đó tôi cũng không buồn ăn uống”, anh Minh bày tỏ.

Trải qua vui buồn với vườn quất hơn 5 năm, đến nay, khu vườn của anh rộng hơn 3.000m2, mỗi vụ anh trồng hơn 100 gốc quất với độ cao từ 1m đến 3m, có giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng một gốc. “Nghề này niềm vui thì ít mà vất vả thì nhiều. Vui ngày Tết bội thu, nếu không sẽ buồn cả năm. Nhưng đã chọn nghề thì tôi chấp nhận rủi ro nên không nản chí và chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nghề. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu là nơi cung cấp quất cho thị trường Đà Nẵng”, anh Minh vui vẻ nói.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.