Đà Nẵng cuối tuần

Indonesia dùng cao lương thay lúa mì

13:30, 01/01/2023 (GMT+7)

Người dân Indonesia hiện xem cao lương là thực phẩm thay thế lúa mì, giúp chính phủ giảm gánh nặng tìm kiếm nguồn lương thực nhập khẩu.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) đến thăm các cánh đồng cao lương ở tỉnh Đông Nusa Tenggara hồi tháng 6-2022. Ảnh: CNA
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) đến thăm các cánh đồng cao lương ở tỉnh Đông Nusa Tenggara hồi tháng 6-2022. Ảnh: CNA

Cao lương, còn gọi là lúa miến hoặc bo bo, được xem là cây ngũ cốc quan trọng thứ năm trên thế giới, sau lúa gạo, lúa mì, ngô và đại mạch. Hạt cao lương nhỏ, tròn, thường có màu trắng hoặc vàng; một số giống có thể cho hạt cao lương đỏ, nâu, đen hoặc tím. Hạt cao lương thường được dùng làm lương thực, nuôi gia súc hoặc sản xuất ethanol.

Năm 2024 sẽ có 200.000ha cao lương

Tại 8 huyện thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia, khoảng 1.000 người, hầu hết là nông dân nữ, đang tham gia trồng cao lương. Trong lúc cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và giá các loại mì ăn liền gia tăng, chính phủ Indonesia đã triển khai chương trình phát triển cây cao lương thay thế lúa mì, tập trung chủ yếu ở tỉnh Đông Nusa Tenggara - nơi có lượng mưa thấp.

Suốt 10 năm qua, bà Mdm Loretha - công dân Indonesia từng học luật tại một trường đại học ở Đông Java - đã đi đến nhiều nơi để đào tạo nông dân cách trồng cao lương. Nhà hoạt động 54 tuổi này được nông dân Đông Nusa Tenggara yêu mến gọi là “Mama Cao lương”. Bà Loretha cho biết, không dễ dàng thuyết phục nông dân trồng và bảo vệ vụ mùa cao lương bởi họ đã quen với lương thực chính là gạo.

Vào những năm 1970, cao lương được trồng và tiêu thụ rộng rãi ở tỉnh Đông Nusa Tenggara. Tuy nhiên, trong 30 năm dưới thời chính phủ Tổng thống Suharto, lúa được xem là cây lương thực chính.

Tính đến hết tháng 6-2022, 6/34 tỉnh, thành của Indonesia đã trồng 4.300ha cao lương, với sản lượng khoảng 15.200 tấn. Trong năm 2022, Indonesia mở rộng diện tích trồng cao lương lên 15.000ha ở tỉnh Đông Nusa Tenggara, đến năm 2024 sẽ là 200.000ha.

Cũng trong tháng 6-2022, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm tỉnh Đông Nusa Tenggara và bày tỏ ấn tượng về cách người dân trồng cao lương. Ông Widodo thậm chí tin rằng, cao lương nên trở thành lương thực chính của quốc gia Đông Nam Á này để giảm sự phụ thuộc vào gạo và lúa mì. “Chúng ta muốn có nhiều lựa chọn thay thế có thể canh tác ngay trên đất nước mình nhằm đa dạng hóa nguồn thực phẩm và nguyên liệu chế biến”, Tổng thống Widodo nói. “Vì vậy, chúng ta không chỉ phụ thuộc vào gạo; thay vào đó, chúng ta có thể có ngô, hạt sago và cao lương - những loại cây trồng truyền thống - để thay thế”, nhà lãnh đạo này nói thêm.

Tháng 8-2022, Tổng thống Widodo chỉ thị các bộ trưởng và các quan chức xây dựng lộ trình sản xuất cao lương cho Indonesia. Các nhà phân tích tin rằng, cao lương có thể là một giải pháp cho đất nước vạn đảo này, giúp chính phủ giảm gánh nặng tìm kiếm nguồn nhập khẩu.

Mang lại lợi ích cho nền kinh tế Indonesia

Là quốc gia nhiệt đới, Indonesia - nơi sinh sống của 276,4 triệu người - không thể trồng lúa mì và phải nhập khẩu hơn 10 triệu tấn lúa mì hằng năm. GS. Muhammad Azrai, chuyên gia về cây ngũ cốc tại Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, cây cao lương có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu vì nó có thể phát triển rộng rãi trên cả vùng đất màu mỡ lẫn đất bạc màu. “Trồng cao lương nhiều vụ mùa có thể làm đất đai màu mỡ hơn”, GS. Azrai nói.

Ông Laksana Tri Handoko, đứng đầu Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) cũng cho rằng, sự thích nghi của cây cao lương với khí hậu hoàn toàn trái ngược với lúa mì - loại cây không phù hợp ở vùng nhiệt đới.

Ông Moeldoko - Chánh Văn phòng tổng thống Indonesia, người đã cùng Tổng thống Widodo đến những cánh đồng cao lương ở tỉnh Đông Nusa Tenggara - dự đoán hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện thường xuyên vào năm 2023 làm thời tiết càng khô hạn hơn. Vì vậy, nếu trồng lúa, ngô sẽ dễ dẫn đến mất mùa, nhưng cây cao lương lại phù hợp. Ông Moeldoko phân tích: “Cao lương khá kiên cường với điều kiện thời tiết vì nó không cần nước liên tục để phát triển như cây lúa. Hơn nữa, việc chế biến cao lương sau khi thu hoạch không đòi hỏi công nghệ cao”.

Theo GS. Muhammad Azrai, xét về giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe, cao lương chứa protein, carbohydrate và canxi, phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, ông Azrai ủng hộ chương trình phát triển cây cao lương thay thế lúa mì, đồng thời cho rằng việc gia tăng sản lượng cao lương sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế của Indonesia.

Tuy nhiên, ông Handoko nói với đài Channel News Asia (CNA) rằng, người dân Indonesia đã quen với lương thực chính là gạo và lúa mì nên không dễ chấp nhận cao lương. Tổ chức phi chính phủ Kehati có trụ sở tại Jakarta cũng mong muốn cao lương là một nguồn thực phẩm nên đã trao Giải thưởng Kehati cho nhà hoạt động Mdm Loretha vì những nỗ lực của bà trong việc hỗ trợ nông dân phát triển cây cao lương. Bản thân bà Loretha lạc quan rằng tỉnh Đông Nusa Tenggara sẽ trở thành hình mẫu trồng, phát triển và tiêu thụ cao lương thành công.

KHÁNH LINH (theo CNA, Reuters)

.