CHUYỂN ĐỘNG VĂN HÓA CƠ SỞ

Phát triển văn hóa từ xã hội hóa

.

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa không chỉ góp phần huy động kinh phí, mà còn phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân. Nhờ đó, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Trường THCS Nguyễn Văn Linh triển lãm lưu động “Ký họa chiến trường khu V”. Ảnh: Đ.H.L
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Trường THCS Nguyễn Văn Linh triển lãm lưu động “Ký họa chiến trường khu V”. Ảnh: Đ.H.L

Chung tay tạo ra giá trị tốt đẹp

Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng cho biết, bảo tàng thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa ngay từ khi mới thành lập. Ngoài kinh phí Nhà nước cấp, bảo tàng chủ động kêu gọi xã hội hóa các hoạt động triển lãm của các họa sĩ có tên tuổi ở hai đầu đất nước và triển lãm có yếu tố nước ngoài. “Trong năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật thực hiện hơn 50% số lượng triển lãm thông qua hình thức xã hội hóa, bao gồm xã hội hóa một phần và xã hội hóa hoàn toàn. Đặc biệt, đối với xã hội hóa hoàn toàn, bảo tàng chỉ hỗ trợ mặt bằng và công tác tổ chức, còn các đơn vị tài trợ sẽ hỗ trợ kinh phí hoạt động”, bà Nguyễn Thị Trinh giải thích.

Mặc dù ảnh hưởng Covid-19 nhưng nhờ kêu gọi xã hội hóa mà Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức nhiều chương trình triển lãm có chất lượng phục vụ công chúng. Điển hình như triển lãm mỹ thuật “Con giống”, triển lãm tranh trực họa - kết quả trại sáng tác “Caravan - Hội họa xuyên Việt”, triển lãm tranh thiếu nhi chủ đề “Thế giới qua ánh mắt trẻ thơ Việt - Nhật”, triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam”…

Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật phối hợp với các cá nhân, đơn vị tổ chức các cuộc triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội”, triển lãm “Chân dung phụ nữ”, triển lãm lưu động “Ký họa chiến trường khu V”, triển lãm mỹ thuật “Hội tụ sắc màu”, “Mỹ thuật Đà Nẵng 2022”… Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật còn xã hội hóa trong công tác bảo tồn, giữ gìn hiện vật thông qua việc gửi thư kêu gọi hiến tặng tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị hàng tỷ đồng. Điển hình như bộ sưu tập (BST) các tranh gốc truyện tranh của họa sĩ Vĩnh Khoa - Vink, BST tranh dân gian Việt Nam của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, BST các tác phẩm của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn…

“Thông qua hình thức xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã thể hiện sự kết nối giữa bảo tàng và công chúng bên ngoài, đồng thời mang lại sức sống cho bảo tàng, hướng người dân chung tay với Nhà nước tạo ra giá trị tốt đẹp cho công chúng. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa còn giúp bảo tàng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và nhận thức cái đẹp của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo ra một môi trường giao lưu, tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng giúp đổi mới, định hướng trong sáng tác”, bà Nguyễn Thị Trinh nhấn mạnh.      

Tuy không tổ chức nhiều hoạt động triển lãm như Bảo tàng Mỹ thuật nhưng Bảo tàng Đà Nẵng cũng thường xuyên gửi thư kêu gọi các nhà sưu tập tư nhân hiến tặng kỷ vật trong kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, đồ gốm sứ xưa, nhất là những đồ xưa gắn với văn hóa xứ Quảng. Song song đó, tổ chức lễ hiến tặng và tri ân những người hiến tặng hiện vật, kỷ vật.

“Việc hiến tặng hiện vật, kỷ vật là nguồn động viên khích lệ cho những người làm bảo tàng khi được tiếp nhận những câu chuyện gắn với hiện vật, mở ra trang sử vàng của thành phố. Tuy nhiên, hiện nay nước ta chưa có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thực hiện xã hội hóa đối với bảo tàng, chẳng hạn như những người bỏ tiền ra mua hiện vật, cổ vật tặng cho bảo tàng thì cần có những cơ chế miễn thuế như thế nào và được hưởng những quyền lợi gì. Hy vọng thời gian tới, sau khi Luật Di sản bổ sung, sửa đổi được Quốc hội thông qua sẽ huy động được nguồn lực xã hội chung tay đóng góp cho bảo tàng, góp phần phát triển văn hóa bền vững; đồng thời tạo động lực khuyến khích các cá nhân, tổ chức đóng góp di vật, cổ vật cho đất nước, góp phần ngăn chặn tình trạng chảy máu di sản cổ vật của Việt Nam ra thế giới”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trăn trở.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Thời gian qua, Nhà hát Trưng Vương từng bước đẩy mạnh xã hội hóa hướng tới tự chủ hoàn toàn. Để làm được điều này, nhà hát không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, cũng như xây dựng lại định mức thu, điều chỉnh giá đối với các hoạt động cho thuê sân khấu, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, sự kiện. Qua đó, tạo nguồn thu, bảo đảm bù đắp khoản kinh phí bị cắt giảm từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, Nhà hát Trưng Vương đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật quy mô lớn, chất lượng chuyên môn cao trong và ngoài thành phố, tạo được sự tín nhiệm của các địa phương và đối tác.

Theo Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Trần Văn Hào, nguồn thu từ khai thác hoạt động diễn ra tại nhà hát không tăng nhiều mà chủ yếu từ việc tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của đoàn ca múa nhạc. Để bảo đảm thực hiện tự chủ tài chính, nhà hát khai thác tối đa công năng của rạp hát, đồng thời khai thác hiệu quả các mặt bằng còn trống theo đề án sử dụng tài sản công được UBND thành phố phê duyệt.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố cho biết, trung tâm thực hiện xã hội hóa về con người thông qua việc sử dụng hội viên các CLB tham gia biểu diễn lễ hội ở hai bên bờ sông Hàn.

“Mỗi khi có chương trình, trung tâm mời diễn viên quần chúng tham gia. Trung tâm không nuôi quân mà tập hợp nguồn lực trên tinh thần tự nguyện vì đam mê nghệ thuật. Đối với các hoạt động tuyên truyền về chính trị vào các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố, trung tâm mời các đơn vị tham gia xã hội hóa bằng hình thức hỗ trợ kinh phí thực hiện, đặt logo đơn vị mình dưới pano, áp phích, biển bản, phướn… Ở các chương trình biểu diễn, hội viên tham gia đồng hành một số chương trình, hạng mục nhỏ”, ông Ngô Văn Bảy chia sẻ.  

Hiện trung tâm có rạp Lê Độ với 3 phòng chiếu nhưng chỉ có 1 phòng được trang bị thiết bị, còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn. Chưa kể, rạp Lê Độ không có bãi giữ xe, vị trí không thuận lợi khiến du khách và người dân khó tiếp cận. Trong khi đó, xung quanh rạp không có cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em hay các hoạt động phụ trợ đi kèm nên việc kêu gọi xã hội hóa gặp khó khăn. “Khi kêu gọi xã hội hóa rạp Lê Độ, nhiều đơn vị đến khảo sát đã lắc đầu bởi không thể nâng tầng hầm lên được vì móng không bảo đảm khi cải tạo, không gian quá hẹp. Bên cạnh đó, rạp đang làm nhiệm vụ phổ biến phim chứ chưa phát hành phim, do đó không thể đầu tư sân khấu, trường quay vì sẽ thay đổi công năng”, ông Ngô Văn Bảy giải thích thêm. 

Để giải quyết bất cập hiện nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố đề xuất Sở Văn hóa - Thể thao, đồng thời kiến nghị UBND thành phố đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh mới tại Công viên Thanh niên. Trung tâm mới được thiết kế công phu với 4 tầng, trong đó tầng 1 dành cho nhà kho, bãi giữ xe và không gian triển lãm chuyên đề; tầng 2, 3 là các phòng chiếu phim; tầng 4 là khu làm việc của cán bộ, công nhân viên.

Hiện nay, thành phố đang điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp công năng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân. Theo ông Bảy, sau khi trung tâm mới xây dựng và đi vào hoạt động, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố sẽ lập phương án, kế hoạch thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đặc biệt là tư vấn các nhà đầu tư hợp tác lắp đặt máy chiếu, bàn ghế và hợp tác chiếu phim để khai thác tốt 4 phòng chiếu.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.