Hồi sinh cánh đồng Hố Dư - Khe Voi

.

Nằm ở thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), từ những thửa ruộng bị bỏ hoang trong thời gian dài, nay màu xanh từ bãi chuối thanh tiêu, luống kiệu hương hay mầm sen đã đem lại sức sống mới cho cánh đồng Hố Dư - Khe Voi. Đằng sau màu xanh của “sự sống” đó là câu chuyện dài về một chủ trương đúng đắn của thành phố nhằm giữ đất và đem lại sinh kế cho người dân.

Từ vùng trũng bỏ hoang, nay khu vực Khe Voi là cánh đồng với những búp sen nở rộ. Ảnh: K.H
Từ vùng trũng bỏ hoang, nay khu vực Khe Voi là cánh đồng với những búp sen nở rộ. Ảnh: K.H

“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”

Chúng tôi có mặt tại nhà ông Trương Bá Nhơn (58 tuổi) ở tổ 2, thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn vào một sáng ngày đầu năm sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 qua lời giới thiệu của Chi hội Nông dân thôn Thạch Nham Đông, đúng lúc ông Nhơn đang cuốc, lật, xới từng khoảnh đất nhỏ nằm giữa hai hàng chuối thanh tiêu cao quá đầu người. Tầm 30 phút sau, dưới bàn tay khéo léo của ông Nhơn, một luống đất mới được vun vén gọn gàng, từng xới đất được đánh lên tơi xốp, hiện rõ “màu phù sa”. Luống đất này ông chuẩn bị để gieo ngò rí, xà lách và rau cải con, đủ dùng trong gia đình.

Dừng tay khi mồ hôi ướt đẫm lưng áo, ông Nhơn trầm ngâm kể: “Nhà tui, đời cha ông gắn chặt với nghề nông ở cánh đồng Hố Dư này. Đến đời tui, nghề lụi dần vì quá vất vả, thu nhập thấp. Gần 10 năm nay tui chuyển qua làm bảo vệ, một tháng cũng được 4-5 triệu đồng, các con đi làm công nhân cũng có thu nhập ổn định nên cuộc sống cứ rứa túc tắc qua ngày”. Lớp người lớn tuổi bỏ dần nghề làm nông, trong khi người trẻ lại ngại cảnh “chân lấm tay bùn” nên mười mấy năm liền, hơn một sào đất nông nghiệp của nhà ông Nhơn gần như bỏ hoang, thoảng hoặc vào lúc rãnh rỗi, vợ chồng ông mới xới một khóm nhỏ để trồng thêm ít rau màu.

Tưởng như nghề làm nông của gia đình đến đời ông Nhơn sẽ dừng lại thì vào tháng 2-2020, khi UBND xã Hòa Nhơn thông báo về chủ trương thực hiện dự án “Nghiên cứu giải pháp sử dụng hiệu quả vùng đất nông nghiệp không chủ động nước và đất bị ảnh hưởng thi công các dự án tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” với việc triển khai 3 mô hình trồng chuối thanh tiêu, kiệu hương và trồng sen trên cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi, ông Nhơn liền hăng hái tham gia.

Sau hơn 2 năm tích cực cải tạo cùng với sự hỗ trợ thường xuyên về phân bón, giống cây trồng, chuyển giao kỹ thuật, phù sa dần xuất hiện trở lại với mảnh đất nông nghiệp của gia đình. Thấy có hiệu quả, ông Nhơn “mượn” thêm 1,2 sào đất của hộ khác trong vùng để canh tác. Với 2,2 sào đất, ngoài trồng chuối thanh tiêu và canh tác thêm rau màu ở những khoảnh đất dư phía dưới. Qua 3 cái Tết, từ những sào đất bị bỏ hoang, nay bắt đầu đem lại nguồn thu nhập từ bán chuối, phần rau xanh trồng thêm cũng đủ cho cả nhà có 8 người ăn, phần bỏ lại được tận dụng để làm thức ăn cho đàn gà, vịt.

Khi mặt trời gần đứng bóng cũng là lúc chúng tôi có mặt tại mảnh vườn có diện tích 1 sào của gia đình bà Đoàn Thị Hạnh (60 tuổi) cùng ở tổ 2, thôn Thạch Nham Đông. Cũng như gia đình ông Nhơn, trên thửa đất bỏ hoang mười mấy năm nay của gia đình bà Hạnh, những luống kiệu hương đến kỳ thu hoạch tươi xanh, nằm ngả rạp sát mặt đất.

Bà Hạnh phấn khởi bảo: “Chừng này cũng được tầm 20kg, bạn hàng ở chợ Túy Loan đặt trước rồi! Phần củ sẽ bán để người ta làm kiệu với mức giá 45.000 đồng/kg, phần lá bỏ lại, tôi dành một ít để muối chua, phần nữa bán rẻ cho hàng xóm và một số chủ quán cơm quen biết. Luống đất còn lại để dành gieo rau màu”.

Kể từ khi khu đất được khai hóa trở lại vào năm 2020, ngoài công việc phụ hồ, hầu hết thời gian trong ngày vợ chồng bà Hạnh ở ngoài vườn chăm chút từng luống rau, nhổ từng nhúm cỏ, tưới nước, bón phân. Cứ thế, dưới bàn tay chuyên cần và kinh nghiệm làm nghề nông lâu năm của bà, khu đất ngày càng màu mỡ, hạt giống cứ gieo xuống là nảy mầm, đơm hoa và cho ra quả ngọt. Ngoài 1 sào trồng kiệu, gia đình bà Hạnh còn 1 sào đất khác ở cánh đồng Hố Dư dành để trồng chuối và 1ha trồng sen lấy hạt ở vùng trũng Khe Voi. Từ năm 2020 đến nay, đã thu hoạch được 2 vụ và bắt đầu đem lại thu nhập cho gia đình.

“Làm nông chỉ cần chăm chỉ và chủ động “mùa nào thức nấy”, thể nào cũng có thu nhập ổn định. Đất của mình, mình được làm chủ, không chi sướng bằng”, ánh mắt toát lên niềm tin và hạnh phúc của bà Hạnh khi thốt lên câu nói ấy cứ gieo niềm vui vào lòng chúng tôi suốt cả chặng đường về.

Theo những người già trong thôn Thạch Nham Đông kể lại, cách đây hàng chục năm về trước, cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi vốn là vùng đất nông nghiệp trù phú, trong đó kiệu hương là sản vật nức tiếng cả vùng. Nhưng trước “cơn lốc” của quá trình đô thị hóa, Hòa Nhơn lại là xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc triển khai các dự án trên đất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang, người dân bỏ dần nghề làm nông để chuyển sang những công việc khác dễ kiếm tiền hơn, không ít gia đình quyết định xẻ đất, bán lấy tiền. Thiếu bàn tay chăm bón của con người, đất đai dần chai cứng, xơ xác, cạn kiệt nguồn dưỡng chất, chỉ cỏ dại là mọc nhiều. Riêng khu vực Khe Voi (có tổng diện tích 3,2ha) vốn là vùng trũng, người dân dùng để canh tác lúa nước, nhưng do lượng nước cung cấp chỉ đủ để canh tác 1 vụ trong năm nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Thanh Long (76 tuổi) ở tổ 3 thôn Thạch Nham Đông, người có mấy chục năm sinh sống tại vùng trũng Khe Voi chắt lưỡi bảo: “Nhìn đất đai khô cằn, tiếc lắm”. Chỉ tay vào vùng trũng Khe Voi, ông nói tiếp: “Cái đầm này người ta cải tạo để trồng sen nhưng đám cỏ lùng mọc chằng chịt, không dễ chi xử lý được hắn”.

Đổi thay trên cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi chỉ bắt đầu được manh nha vào năm 2020 khi Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp sử dụng hiệu quả vùng đất nông nghiệp không chủ động nước và đất bị ảnh hưởng thi công các dự án tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” do Công ty TNHH Môi trường xanh SUSTECH chủ trì thực hiện với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng với 20 hộ gia đình đăng ký tham gia dự án. Mục tiêu đặt ra là cải tạo vùng đất hoang hóa lâu năm, không chủ động nước và bị ảnh hưởng từ các dự án xây dựng trên địa bàn để triển khai thành công các mô hình canh tác, trồng trọt hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và đem lại thu nhập chủ động cho người dân.

Giúp người nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Theo đánh giá từ các ngành chức năng, đề tài khoa học nêu trên có ý nghĩa thiết thực, nếu triển khai hiệu quả và hồi sinh được cánh đồng Hố Dư, vùng trũng Khe Voi (xã Hòa Nhơn) có thể nhân rộng để áp dụng xử lý diện tích đất nông nghiệp không chủ động nước lên tới 345,97ha, phân bố ở cả 11 xã thuộc huyện Hòa Vang; khoảng 28,29ha diện tích đất hoang hóa do người dân bỏ không, phân tán ở nhiều nơi nhưng vẫn có thể khắc phục cho sản xuất và 126,13ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án do quá trình phát triển cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, còn có 37,04ha đất bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các dự án khai thác khoáng sản. Từ kết quả nghiên cứu và phân tích của dự án cho thấy, một phần diện tích đất nông nghiệp lớn đang bị “lãng phí” trong khi Hòa Vang là địa bàn sản xuất nông nghiệp lớn nhất, có tiềm năng cung cấp nguồn nông sản dồi dào cho thành phố. Việc cải tạo và sử dụng hiệu quả các vùng đất trên là một trong những việc làm cấp thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo giá trị kinh tế, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Việc cải tạo đất thành công đã góp phần hồi sinh nghề trồng kiệu hương ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn. Ảnh: K.H
Việc cải tạo đất thành công đã góp phần hồi sinh nghề trồng kiệu hương ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn. Ảnh: K.H

TS Lê Thị Xuân Thùy, thành viên ban quản trị của đơn vị chủ trì Công ty TNHH Môi trường xanh SUSTECH chia sẻ, để giải được bài toán hóc búa ở cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi, sau hoạt động khảo sát thực tế chi tiết, kéo dài trong nhiều tuần liên tục, cùng với sự hỗ trợ nhiệt thành từ các chuyên gia thuộc viện Trung ương, đơn vị đã nỗ lực triển khai đề tài.

"Khó khăn lớn nhất ở khu vực này là việc không thể chủ động nước để tưới tiêu vào mùa hè (hệ thống thủy lợi không thể tiếp cận được do cao trình của khu vực) và bị ngập úng vào mùa mưa (do lũ lụt, thoát nước lâu). Cùng với ngành chức năng và sự hỗ trợ của người dân, chúng tôi tiến hành đào hệ thống kênh dẫn nước (có bề ngang tầm 1m, sâu 1,2m) từ đập Hố Dư, bao quanh toàn bộ khu vực cánh đồng Hố Dư. Cứ cách quãng vài trăm mét lại lắp đặt hệ thống bơm hỏa tiễn để người dân chủ động trong việc tưới tiêu”, TS Lê Thị Xuân Thùy nói.

Sau khi cơ bản lấy lại phù sa cho vùng đất, các mô hình trồng chuối thanh tiêu (quy mô 1ha) và trồng cây kiệu hương (quy mô 1,5ha) tại cánh đồng Hố Dư cùng với mô hình trồng sen lấy hạt trên đất úng thủy, quy mô 2ha ở vùng trũng Khe Voi thuộc thôn Thạch Nham Đông được đưa vào áp dụng. Mô hình triển khai theo nguyên tắc cùng tham gia, doanh nghiệp, nhóm hộ hoặc hộ nông dân chủ chốt sẽ tham gia trực tiếp vào mô hình đồng thời vận động và khuyến khích các hộ dân trong thôn, xã tham gia.

Đối với vùng trũng Khe Voi, trước khi đưa vào trồng thực nghiệm mô hình sen lấy hạt, phương án cải tạo là giữ nguyên hiện trạng, chỉ làm bờ bao xung quanh, bờ chia ô ở giữa để giữ nước, không di dời đất đi nơi khác hoặc làm thay đổi hiện trạng; thi công hệ thống thoát nước, làm mương nước, cày xới, bừa kỹ và bón vôi để khử chua và làm chết cỏ sơ bộ. Đồng thời, chia diện tích 2ha thành các hồ nhỏ để dễ quản lý và giữ nước tốt. Cùng với các hoạt động như trên, Công ty SUSTECH còn phối hợp Hội Nông dân huyện Hòa Vang tiến hành 2 đợt tập huấn về kỹ thuật chăm bón, thu hoạch sen cho người dân.

Với tâm huyết và kỳ công như vậy, chỉ sau gần 1 năm, đã bắt đầu có những đổi thay về cấu trúc, tính chất đất tại cánh đồng Hố Dư so với hiện trạng trước đó vào năm 2021. Màu đất từ vàng nhạt đã chuyển sang vàng đậm, màu nâu, độ ẩm và chất mùn tăng lên khoảng 30-40%, đất trở nên mềm, tơi xốp tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích cho đất sinh sôi phát triển.

Sau 2 năm canh tác, trồng thực nghiệm chuối thanh tiêu cùng với khôi phục lại nghề trồng kiệu hương, hình thành vùng chuyên canh sen lấy hạt, giờ đây, người nông dân ở khu vực cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi đã bắt đầu gặt hái thành quả. Những cánh đồng chuối thanh tiêu và kiệu hương đều sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và ít sâu bệnh. Cứ 200m2 trồng kiệu lại cho khoảng 5kg kiệu giống và trung bình mỗi kg kiệu giống thu được 10kg kiệu thu hoạch. Riêng trong vụ Tết Nguyên đán vừa qua, cứ 200m2 trồng kiệu hương lại thu hoạch được 50kg kiệu tươi. Giá kiệu tươi hiện tại là 20.000 đồng/kg. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm kiệu hương, đơn vị chủ nhiệm đề tài còn thực hiện phương án liên hệ đến các tổ hợp tác kiệu hương Hòa Nhơn, các nhà buôn để đặt vấn đề, đàm phán nhằm hỗ trợ người dân.

Đối với diện tích sen đã trồng, tính đến mùa thu hoạch gần nhất (tháng 5-2022) khoảng 80% diện tích sen đã ra hoa, những đài sen đầu tiên đã được người dân thu hoạch và lọc lấy hạt sen. Đây là giống sen cao sản, cho hạt lớn, tỷ lệ hạt hư, hạt lép ít, hạt sen to, tròn, chắc mẩy. Năng suất trung bình mỗi sào thu được từ 35-40kg hạt sen tươi. Giá sen dao động theo thị trường, những lứa đầu tiên bán được với giá cao 50.000 đồng/kg sen tươi, nếu sen đã làm sạch, bóc vỏ, tách tim sẽ bán với giá 150.000-170.000 đồng/kg. Trong khi đó, mô hình trồng chuối thanh tiêu được đánh giá là khá bền vững khi cây mẹ được thu hoạch buồng sẽ chặt bỏ, chăm sóc để các cây con phát triển, nối tiếp nhau, sau thời gian 3 - 5 tháng sẽ cho ra buồng và tiếp tục xoay vòng.

Ông Nguyễn Xuân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thạch Nham Đông bày tỏ nỗi mừng vui khi chứng kiến sự hồi sinh trên cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi. Ông Xuân nói, thành công của các mô hình trồng chuối thanh tiêu, kiệu hương và sen không chỉ đem lại thu nhập về kinh tế, chi phí đầu tư ổn định, không mất nhiều thời gian chăm sóc, phù hợp với đặc thù và kỹ năng của người dân. Lúc thu hoạch hạt sen ở thôn có thêm việc làm, thêm thu nhập cho người lao động, như thu mua hạt sen tươi về và bóc vỏ, làm sạch tim và bán lại cho các chủ thu mua... Vừa vui vừa có tiền nên ai cũng phấn khởi.

Theo sát việc hình thành và áp dụng đề tài vào thực tiễn từ những ngày đầu, TS Lê Thị Xuân Thùy nhìn nhận, hiệu quả của các mô hình phụ thuộc vào 2 yếu tố chính đó là vật tư nông nghiệp và con người. Trong đó, con người đóng vai trò quan trọng nhất. Nghề làm nông là vậy, rủi ro nhiều do phụ thuộc thời tiết, nhưng nếu biết cách và đem khoa học kỹ thuật vào sẽ khai thác được lợi thế thiên nhiên đem lại. Phải giúp người nông dân biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nghề nông thì mới nâng cao khả năng chống chịu với thời tiết cũng như tăng thu nhập.

Trên cơ sở lấy hiệu quả kinh tế làm yếu tố cốt lõi, đề tài “Nghiên cứu giải pháp sử dụng hiệu quả vùng đất nông nghiệp không chủ động nước và đất bị ảnh hưởng thi công các dự án tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” giai đoạn 1 đã cơ bản đạt được hiệu quả đề ra. Kết quả nghiên cứu, triển khai của đề tài không dừng lại ở bước nghiên cứu mà sẽ chuyển giao lại cho các cơ quan chuyên môn làm cơ sở để xây dựng kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả cho địa phương và hướng đến giai đoạn 2 với mục tiêu xa hơn là nhân rộng diện tích mô hình phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch sinh thái với điểm nhấn là các vùng sen... Sự hồi sinh ở cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi là minh chứng cho việc, với chủ trương đúng đắn của thành phố, sự quyết liệt trong triển khai thực hiện và đồng thuận của người dân đã đem lại hiệu quả.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.