Đà Nẵng cuối tuần

Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ

17:48, 18/02/2023 (GMT+7)

Cuốn sách “Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ” (do Lưu Anh Rô và Nguyễn Trương Đàn sưu tầm, biên soạn, NXB Đà Nẵng và DTBOOKS thực hiện, phát hành năm 2023) phác họa cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh chân thực và sống động về khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916.

Trong bức thư của vua Duy Tân gửi thầy giáo người Pháp ngày 7-5-1916 (tức 4 ngày sau khi diễn ra khởi nghĩa rạng sáng 4-5-1916) đã giải bày: “Tôi đã ra khỏi Hoàng cung, làm những điều theo tiếng gọi của Tổ quốc mà không gì có thể cưỡng lại”. Câu nói này chứng minh tâm thế của một nhà vua trẻ tuổi (sinh  năm 1900), cùng với các tài liệu khác trong hồ sơ lưu trữ được thể hiện trong tập sách “Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ”, đã góp phần xác định chính xác và khoa học hơn về danh tính (tên gọi) của khởi nghĩa vua Duy Tân 1916, mà trước đó được gọi với nhiều tên khác nhau. Qua các tài liệu cho thấy, việc vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa với tư cách là yếu nhân của phong trào, là ngọn cờ để quy tụ lực lượng, có ý nghĩa sống còn đối với phong trào, “chính nhà vua đã tạo ra cuộc nổi loạn để chống lại hai chính phủ”.

Tập sách cho biết có 3 hồ sơ đề cập đến khởi nghĩa vua Duy Tân (tiếng Pháp) mang ký hiệu ANOM-GGI-65530 với 200 tài liệu; ANOM-GGI-9588 với 57 tài liệu; ANOM-GGI-4199 với 4 tài liệu; trong đó, nhóm tác giả đã tuyển chọn 88 tài liệu đưa vào tập sách. Điều đặc biệt quan trọng là tập sách thông qua hồ sơ tài liệu đã luận giải để đưa ra câu trả lời cho 10 câu hỏi còn phân vân, chưa thống nhất về khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916.

Vậy, cuộc khởi nghĩa có phải do Việt Nam Quang Phục hội trực tiếp khởi xướng và lãnh đạo? Không, vai trò của Việt Nam Quang Phục hội khá mờ nhạt. Có hay không nhân vật Phạm Hữu Khánh là lái xe kiêm liên lạc của vua Duy Tân? Không, đây là một nhân vật không có thật. Vì sao khởi nghĩa phải diễn ra đầu tháng 5-1916, cụ thể là lúc 1 giờ 30 phút ngày 4-5-1916? Vì thời gian này do tác động của vua Duy tân và cả thời điểm lính mộ sắp đưa sang châu Âu (mặc dù sau này chính Thái Phiên và Trần Cao Vân cho rằng thời điểm này chưa cân nhắc đầy đủ tương quan lực lượng, quá eo hẹp). Có những ai được hội kiến vua Duy Tân và họ gặp nhau ở đâu? Chỉ duy nhất một lần vua Duy Tân gặp Thái Phiên và Trần Cao Vân thông qua sự dàn xếp của Nguyễn Quang Siêu và Tôn Thất Đề. Có mấy hội nghị để chuẩn bị khởi nghĩa? Có tất cả 3 hội nghị và hội nghị lần thứ 3 có tính chất quyết định được tổ chức tại nhà Tú tài Đỗ Tự (làng Miếu Bông) ngày 27-4-1916, chứ không phải tại Huế.

Về các bức chiếu của vua Duy Tân? Có 9 văn bản có thể coi là chiếu, chiếu lệnh, chỉ dụ; trong đó có 2 bức chiếu quan trọng: chiếu ngày 5-5-1915 do vua Duy Tân trực tiếp khởi thảo và Chiếu kêu gọi khởi nghĩa ngày 29-4-1916 do Trần Cao Vân khởi thảo, nhiều người bổ sung và vua Duy Tân duyệt lãm, ban hành; cùng với đó là Tuyên ngôn kêu gọi toàn dân tham gia khởi nghĩa cũng do nhiều cá nhân tham gia, trình vua Duy Tân ban hành.

Vấn đề kinh tài của cuộc khởi nghĩa? Chính Thái Phiên đã hy sinh toàn bộ gia sản để hỗ trợ kinh tài khởi nghĩa. Về xây dựng lực lượng khởi nghĩa và vai trò của người Đức? Đông nhất vẫn là dân binh ở các tỉnh, một bộ phận lính tập, không có người Đức tham gia. Về việc bại lộ ở Quảng Ngãi? Không có chuyện Trần Quang Trứ từ Huế vào gặp anh là Tuần phủ Trần Tiễn Hối báo tin. Về xung quanh bản án của vua Duy Tân và cái chết của các thủ lĩnh? Điều đáng chú ý là qua nhiều thảo luận, sau khi thống nhất đưa vua Duy Tân ra khỏi xứ Đông Dương, cũng nhân dịp này người Pháp muốn bãi bỏ chế độ vương triều Nguyễn, nhưng họ thấy “truyền thống phải có vua ở xứ An Nam” vẫn còn rất mạnh, nên sau đó thống nhất chọn Khải Định lên thay; và đã nhanh chóng xử tử các yếu nhân của phong trào (trước khi Khải Định lên ngôi để khỏi có ý kiến khác, xem như việc đã rồi).

Hồ sơ lưu trữ đã làm rõ nhận định, Thái Phiên chính là “kiến trúc sư” của cuộc khởi nghĩa, đã cống hiến trọn đời mình, của cải vật chất mà mình có cho quốc gia, xã tắc, để lại cho hậu thế niềm yêu thương và kính phục. Trần Cao Vân là “cố vấn tối cao, người bảo vệ nhà vua và phụ trách về quân sự”, với tấm lòng trung quân sái quốc, đáng cho thế hệ sau ngưỡng mộ và tôn vinh. Đó là Nguyễn Quang Siêu và Tôn Thất Đề, đã bất chấp hy sinh cũng như những tổn hại mà bản thân và gia đình có thể mắc phải để cùng Thái Phiên và Trần Cao Vân đưa vua Duy Tân xuất cung, phát động cuộc khởi nghĩa; các ông là đại diện xứng đáng cho tầng lớp quan lại Việt Nam biết đặt quyền lợi quốc gia, xã tắc lên trên hết trong thời buổi suy tàn của vương triều Nguyễn.

Một đóng góp quan trọng của tập sách là đã làm rõ hơn công - tội của một số cá nhân liên quan. Trong đó, có hàng trăm người đã lên đầu đài và bị bắt nhưng họ chưa một lần được nhắc đến và vinh danh. Nhưng cũng có nhiều người được minh định qua “những tấm bia miệng” tồn tại hàng trăm năm qua và chấm dứt những “tồn nghi” về họ; trong đó, có một số cá nhân hợp tác với Pháp đàn áp phong trào như Trần Tiễn Hối, Trần Quang Trứ, Võ Liêm, Ngô Đình Khôi, Nguyễn Văn Mại, Đặng Ngọc Oánh, Phạm Liệu, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Văn Phụng, Hồ Đắc Mậu, Hà Xuân Hải, Lâm Tô Bích…; đồng thời, cũng giúp minh oan cho một số người lâu nay bị xem là tay sai cho thực dân Pháp như Đội Cơ và Trùm Tồn.

VÕ HÀ

.