Kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam

Cái cũ, cái mới trong văn hóa

.

Bản “Đề cương Văn hóa” ra đời cách đây tròn 80 năm (1943-2023) với ba nguyên tắc cơ bản “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa” mở đường và đặt nền móng cơ bản cho văn hóa nước ta không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng. Cho đến nay, những định hướng lớn ấy vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng về văn hóa, văn nghệ.

Lễ hội Quán Thế Âm là dịp cho các phật tử dâng lòng thành kính cầu bình an, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa. Lễ hội là nét văn hóa đặc trưng của người dân Đà Nẵng, nét đẹp văn hóa tâm linh, trái tim của di sản Phật giáo. Ảnh: NGỌC HÀ
Lễ hội Quán Thế Âm là dịp cho các phật tử dâng lòng thành kính cầu bình an, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa. Lễ hội là nét văn hóa đặc trưng của người dân Đà Nẵng, nét đẹp văn hóa tâm linh, trái tim của di sản Phật giáo. Ảnh: NGỌC HÀ

“Khoa học hóa” nhằm chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Tại thời điểm Đề cương văn hóa ra đời, đây là chủ trương vô cùng đúng đắn và cần kíp. Bởi dân tộc ta có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa cũng lâu đời với rất nhiều biểu hiện phong phú, đa dạng. Bên cạnh những phong tục, tập quán, lễ hội, tư tưởng, tình cảm, đạo đức trong sáng, thiêng liêng, góp phần làm nên bản sắc, hồn cốt của dân tộc thì vẫn còn vô số những tập tục cổ hủ, lạc hậu, mê tín, dị đoan cùng với trình độ dân trí quá thấp, nạn thất học, mù chữ bấy giờ là rất phổ biến. Với bối cảnh như vậy thì “Tư tưởng căn bản của Đề cương là muốn thay đổi phong hóa của dân tộc: Từ thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống sẽ tạo nguồn lực giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Rõ ràng, từ tư tưởng “Khoa học hóa”, kể từ khi giành được độc lập, văn hóa của đất nước nhìn chung đã hướng đến những giá trị văn minh, từng bước loại bỏ những yếu tố lạc hậu trong văn hóa, góp phần hình thành một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn đánh giá.

Trước các biểu hiện và các giá trị văn hóa xưa cũ của dân tộc, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta rất rõ ràng. Cùng với nguyên tắc “Khoa học hóa” trong bản Đề cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có quan điểm chỉ đạo cụ thể, sâu sắc: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Rõ ràng, những nguyên tắc và quan điểm nói trên thể hiện sự chỉ đạo cụ thể, linh hoạt, cởi mở đối với những gì gọi là xưa cũ trong nền văn hóa lâu đời của dân tộc ta.

Tiếc rằng, trong thực tế, những quan điểm chỉ đạo sâu sắc nói trên, có lúc, có nơi chưa được quán triệt sâu rộng, nhiều khi lại tỏ ra lúng túng, chệch choạc, thậm chí là sai lầm. Có lúc chúng ta rất tả khuynh, có lúc lại rất hữu khuynh trong việc chỉ đạo thực hiện những quan điểm về văn hóa trong bản Đề cương của Đảng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở miền Bắc sau năm 1954 và trên phạm vi cả nước sau năm 1975 là thời kỳ tả khuynh, cực đoan trong chỉ đạo các hoạt động văn hoá. Bấy giờ, nhân danh bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, một số địa phương đã loại bỏ nhiều hoạt động mang sắc thái văn hóa lâm linh, ngăn cản tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tốt đẹp. Đối với nhiều đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm, cơ sở tín ngưỡng, cái thì bị đập phá, cái thì chuyển sang sử dụng cho mục đích kinh tế, cái thì trưng thu làm trụ sở hành chính. Hoành phi, liễn đối, tủ thờ trong một số cơ sở thờ tự trang nghiêm bị tàn phá… Ở thành phố Huế, Đàn Nam Giao - nơi tế trời đất, đem sử dụng vào mục đích khác.

Ở Đà Nẵng, thành Điện Hải - nơi danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân ta anh dũng chiến đấu và chiến thắng liên quân Pháp- Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỉ XIX, nay là di tích Quốc gia đặc biệt, đem làm cơ sở chế biến dược phẩm. Ở vùng Gò Nổi địa linh nhân kiệt, các tấm bia trong Văn thánh, Văn chỉ do đích thân cụ Phạm Phú Thứ lập ra, bị đem làm mương thoát nước. Và thật may, phố cổ Hội An, nay là Di sản văn hóa thế giới, là một trong những điểm hấp dẫn nhất cho du khách năm châu bốn biển, đã được ông Hồ Nghinh - bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, vào giờ chót đưa tay ra bảo vệ kịp thời. Trong lúc tình hình chung như vậy, chỉ một số cán bộ, đảng viên có kiến thức, có chiều sâu văn hóa, có bản lĩnh đã nỗ lực bảo vệ, gìn giữ các thiết chế văn hóa truyền thống ở địa phương.

Ngày nay, bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa truyền thống và hiện đại theo hướng lành mạnh, văn minh theo đúng chủ trương “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đấm đà bản sắc dân tộc", cũng đã và đang xuất hiện nhiều hiện tượng văn hóa rất đáng suy ngẫm, rất đáng lo ngại, bởi nó không phù hợp với nguyên tắc “Khoa học hóa” trong bản Đề cương và không đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa. Đó là hiện tượng lợi dụng “văn hóa tâm linh”, “du lịch tâm linh” để buôn thần bán thánh, hoạt động mê tín dị đoan. Nhiều chùa chiền, cở sở thờ tự, nhất là của Phật giáo, được cơi nới, nâng cấp, mở rộng, xây mới ồ ạt.

Xưa kia, chùa chiền thường nhỏ nhắn, ở nơi thanh tịnh, hòa lẫn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, để người đi chùa đến vãn cảnh, niệm Phật, tìm phút giây thanh thản cho cõi lòng, tâm hồn thêm nhẹ nhõm. Còn hiện nay, ở một số nơi người ta bạt đồi xẻ núi, hoại huỷ cảnh quan, tàn phá tài nguyên, môi trường để xây dựng những chùa chiền, cơ sở thờ tự lớn. Tại một số chùa chiền và cơ sở thờ tự khác, đã xảy ra hiện tượng mê tín như xin xăm, xin quẻ, bói toán, coi ngày, cúng sao, giải hạn, ngập tràn áo giấy, vàng mã, vừa gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội, vừa làm ô nhiễm môi trường.

Cần nhớ rằng, đạo Phật là đạo của trí tuệ, của giác ngộ với triết lý Nhân - Quả chứ không mê tín dị đoan như trên. Những chùa nào, sư nào thực hiện hoặc bao che cho những hiện tượng nói trên thì thực tế họ đã xa rời triết lý chân chính của đạo Phật. Tại một số ngôi đền đã xảy ra những cảnh cướp ấn, tranh giành ấn rất phản cảm, rất thiếu văn hóa, mất an ninh trật tự ở những nơi đáng ra rất tôn nghiêm.

Gần gây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có lý khi tỏ ra bức xúc trước việc nhiều người hoặc vô tình hoặc cố ý, chuyển ngày Vía Đất (ngày mồng Mười tháng Giêng âm lịch) thành ngày Vía Thần tài. Vía Đất là một ngày lễ thuần Việt, cha ông ta thực hiện để tạ ơn đất đai, ruộng vườn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân “mang gươm đi mở cõi”. Mâm cúng Vía Đất rất đơn giản, là cây nhà lá vườn, là các sản vật chung quanh nơi ta ở. Còn cúng Thần Tài là lễ nghi mang tính ngoại lai, đậm chất mê tín.

Diễn ra trong mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng, Lễ hội Đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn. Ảnh: XUÂN DŨNG
Diễn ra trong mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng, Lễ hội Đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn. Ảnh: XUÂN DŨNG

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, trong thời đại ngày nay, nếu không tin vào khoa học, không tin vào năng lực chính mình, mà chỉ dựa vào các hoạt động tâm linh, trông cậy vào trời Phật, vào thần thánh, vào sự may rủi của số mệnh thì không thể nào phát triển được.

Để khắc phục những hiện tượng chệch hướng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta hiện nay, đồng thời để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa mà bản Đề cương đã mở đường và dẫn đạo suốt 80 năm qua, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo, ngành văn hóa cần có hướng dẫn thật rõ ràng, thật cụ thể việc tiếp tục kế thừa, phát huy những nội dung cơ bản trong Đề cương Văn hóa, tránh tình trạng để mọi người hiểu sai nội dung, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện.

Hai là, quản lý chặt chẽ việc xây dựng những cơ sở chùa chiền, đền thờ mang tính tâm linh, tín ngưỡng. Chỉ cho tu bổ, cơi nới, xây mới những cơ sở thờ tự, cúng kính khi thực sự có nhu cầu chính đáng của nhân dân, phù hợp với quy định chung. Không khuyến khích, không tạo điều kiện xây dựng những cơ sở tâm linh to lớn, đồ sộ, chiếm nhiều đất đai, rừng núi, ao hồ, sông biển, phá hủy cảnh quan môi trường nhằm mục đích trục lợi cho tổ chức, cá nhân, hoặc chỉ nhằm để phục vụ dịch vụ du lịch đơn thuần.

Ba là, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, chống hủ tục, chống mê tín dị đoan trong cuộc sống và trong việc tham gia các hoạt động lễ hội truyền thống.

Văn hóa vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa vận động, phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Bản Đề cương Văn hóa ra đời 80 năm qua nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, làm cơ sở để kế thừa và phát triển quan điểm chỉ đạo trên lĩnh vực văn hóa nước nhà. Riêng nguyên tắc “Khoa học hóa” nhằm chống lại những gì trái với bản sắc dân tộc, trái với thuần phong mỹ tục, trái với khoa học, phản tiến bộ, như vẫn còn mang tính thời sự.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.