Đà Nẵng cuối tuần
Người kể chuyện tình phù sa
Linh đinh tình phù sa (NXB Thế giới, 2023). |
Linh đinh tình phù sa (NXB Thế giới, 2023) là tác phẩm mới nhất của nhà văn Tống Phước Bảo với 12 truyện ngắn tuyển chọn viết về những câu chuyện miệt thứ đồng bưng chín nhánh sông, vốn xoay quanh chữ “tình”: tình đời, tình người khi vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời.
Những năm gần đây, bút danh Tống Phước Bảo được ví như “cánh chim lạ” trên cánh đồng văn chương, đã gặt hái những giá trị nhân văn được công nhận với hàng loạt giải thưởng mang dấu ấn như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”, Tặng thưởng "Truyện ngắn hay nhất năm 2020" của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng Cây bút vàng 2021 của Bộ Công an...
Hơn hết, khi nhắc đến bút danh Tống Phước Bảo, người ái mộ văn chương sẽ nhớ ngay đến văn phong có hồn cốt thấm đẫm tình người. Và sự trở lại với tác phẩm mới Linh đinh tình phù sa, nhà văn Tống Phước Bảo vẫn cần mẫn gửi gắm những giá trị thông điệp nhân văn của văn chương giữa đời.
Phông nền miền Tây quá đỗi quen thuộc với cù lao, những dòng kênh rạch, những hoa đồng cỏ dại, so đũa, lục bình, ếch nhái, cào cào, rắn, ễnh ương… tất cả lại xoay quanh quần thể người miệt thứ quấn quýt nhau, thương giận nhau, nhìn nhau mà sống. Các nhân vật hiện lên dưới ngòi bút của Tống Phước Bảo vừa sống động vừa đầy cảm xúc.
Văn trong Linh đinh tình phù sa như những dòng trôi. Mỗi câu chuyện là mỗi dòng trôi gắn với kiếp người đang trôi theo. Dòng trôi của lục bình với đoàn lô tô của những bà bóng. Dòng trôi của anh chàng bán gạo sống sót sau lần mẹ quyên sinh vì tình phụ. Dòng trôi của những phận người không còn gì để mất. Dòng trôi của cô giáo trẻ nguyện về làng quê hẻo lánh dạy chữ. Dòng trôi mang theo nỗi nhớ thương những đứa con xa xứ. Dòng trôi của những người con gái đẹp chênh chao với những mối si dại của tình đầu tơi tả, hay tình cuối cay nồng... Mỗi dòng trôi không gắn với lục bình hay bông mù u trôi thì cũng đò, cũng ghe bẹo, rồi câu hát linh đinh, rồi cá làm ra mắm… Đó vốn là những dung dị, chất phác và hào sảng như bản tính vốn dĩ đã ăn sâu vào gốc rễ, căn cơ của người Cửu Long.
Hơn hết, văn trong Linh đinh tình phù sa chất chứa chữ “tình” như mạch nguồn xuyên suốt. Có khi được viết rất lả lướt bằng chính những vết thương chân phương, cất lên tiếng lòng đau đáu của phận người thương tật. Có khi đốp chát sa sả chất quê nhưng lại mang cái tình người lành lặn, có sức sống bền bỉ, can trường giữa cuộc đời dẫu có khắc nghiệt, cay đắng thì cũng chẳng nhằm nhò gì. Cái tình theo kiểu thằng thiệt con thà, có khi giận hận cũng là vì thương đến nghẹn lòng, cay sống mũi… Cứ thế, cái tình người trôi trong cái cảnh đời phù sinh thế thái. Mỗi nhân vật (bằng cách này hay cách khác) sống và được sống (trong tác phẩm) với những nỗi niềm suy tư và hành động theo tiếng mình, để mà phản ánh, để mà trả lời...
Nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ: “Càng viết tôi lại càng thấy mình như mắc nợ vào sóng nước phù sa câu chữ. Tôi viết hoài hổng hết. Xoay quanh những câu chuyện, tôi chẳng thể thoát nổi chữ “tình”. Viết hoài vẫn cứ muốn viết.” Có thể thấy người viết đã vì tình mà viết. Đó quả là tâm điểm được tác giả đặt vào những sáng tác. Còn độc giả sẽ được dịp “vì tình” mà chạm vào từng con chữ, xa xót đồng cảm theo từng phận đời, hay hả hê với điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân… Chữ tình quấn lấy người đọc, dắt dìu qua nỗi buồn đau đắng đót, nhưng cũng dẫn chạm đến niềm vui, nỗi thương của từng kiếp người.
Trong 12 truyện ngắn của Linh đinh tình phù sa, các nhân vật, họ sống và được sống trọn vẹn, đến tận cùng các cung bậc cảm xúc. Sau tất cả, không có bi kịch hay cái kết nào là tuyệt đối, chỉ có sự liên đới giữa tình người, tình đời, còn ở lại. Có lẽ, để ngòi bút có hướng viết nhân văn mà không phô trương, không sa đà vào cái bẫy thương cảm, không che giấu những khuất tất, bất hạnh… thì người viết chắc phải dấn thân mà trải nghiệm, mở lòng mà cảm nghiệm, không chỉ bằng mắt, bằng tai mà bằng cả tâm hồn lẫn trái tim biết rộng mở, của một người con mang gốc gác Cửu Long.
Đọc Linh đinh tình phù sa độc giả sẽ còn nhận thấy nỗ lực trong ngòi bút Tống Phước Bảo dụng công với vốn phù sa câu chữ của mình mà viết cùng cái khí phách rổn rảng mà nghe thương, nghe tin yêu chảy tràn qua từng trang sách, dẫn dắt độc giả đồng cảm trong từng suy nghĩ của người viết.
“Mời bạn lắng lòng lại, nghe tôi kể chuyện về cái “tình” miệt thứ, cái “thương” đồng bưng, và những chuyện buồn miệt thứ. Nhưng mà, người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.” - trích lời tựa sách.
TRẦN DUY THÀNH