Sách mới, sách hay

.

1. Nếu trẻ con “không biết gì” thì ai là người phải biết? là câu hỏi được tác giả - nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng Philippa Perry (Anh) đặt ra trong Cuốn sách bạn ước cha mẹ mình từng đọc (NXB Phụ nữ, 2023).

Theo bà, câu nói “trẻ con có biết gì đâu” được nhiều cha mẹ sử dụng để giải thích mỗi khi con gây ra lỗi lầm, mà không chủ động tìm hiểu hành vi của trẻ bắt nguồn từ đâu. Bởi thông thường, trẻ con sẽ bắt chước hành vi của người giáo dưỡng mình, không sớm thì muộn. Hành vi của cha mẹ chắc chắn là nguồn ảnh hưởng lớn nhất lên hành vi của con cái. “Ta cứ nghĩ mỗi người là một cá thể riêng biệt nhưng sự thật là chúng ta đều ảnh hưởng lẫn nhau.

Cho nên, dù con hay bạn cư xử ra sao, những việc đó không hề biệt lập mà được đồng kiến tạo bởi con người và nền văn hóa xung quanh. Bạn hành xử thế nào thì sẽ dạy con bạn hành xử như thế, con tiếp thu cả những hành vi mà bạn không tán thành. Trẻ em học cách cư xử từ những trải nghiệm trong quá trình trưởng thành.

Thay vì vạch ra lộ trình hoàn hảo, Perry đưa ra một cái nhìn rộng hơn về các yếu tố tạo nên quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Cuốn sách giúp bạn hiểu rằng cách nuôi dạy của bạn có thể ảnh hưởng đến con cái; chấp nhận bạn sẽ mắc sai lầm và học cách ứng xử với sai lầm; phá vỡ các vòng lặp, khuôn mẫu tiêu cực từ thế hệ trước và biết cách xử lý cảm xúc của chính bạn trước khi xử lý cảm xúc của con. “Trẻ em học về lòng biết ơn thực tâm qua thị phạm”, tác giả viết.

2. Mỗi một người đều cần nhiều trạm dừng (NXB Văn học, 2022) là sự kết hợp đầy màu sắc của hai tác giả trẻ Linh - Minh Mẫn. Ngoài thông điệp về tình yêu, cuốn sách đan xen những trải nghiệm về cuộc sống, những va chạm, cảm xúc giữa người và người.

Hai tác giả cho rằng “chầm chậm đến” là một từ rất dịu dàng: “Hãy cứ chầm chậm đến nhé, sẽ luôn có một cuộc gặp gỡ, hai người cùng thích nhau, thưởng thức nhau, cùng nhau trưởng thành, băng qua biển người mênh mông đem theo dịu dàng mà bước tới”. Tất nhiên nhịp sống của mỗi người là khác nhau, bạn không cần thiết phải lo lắng thái quá. Chậm một chút cũng không sao, nếu như bạn vội vàng, lúng ta lúng túng, thì đến cuối cùng bất kể điều gì cũng không đạt được.

Trong tình yêu, nhóm tác giả cho rằng đừng nên trách người từ chối tình cảm của bạn, bởi từ chối không phải là việc dễ dàng: “Có bao giờ bạn cảm thấy đau lòng trước tình cảm của một người dành cho mình vì không thể đáp lại cũng chẳng thể lờ đi”.

Theo nhóm tác giả, mọi nỗi buồn, niềm vui sẽ trở nên dễ chịu hơn khi bạn thấu rõ thông điệp về những trạm dừng trong đời; ở đó, bạn có thể chiêm nghiệm và lựa chọn một khởi đầu mới phù hợp hơn: “Đường xa có lúc mỏi chân/ Có khi yếu đuối cũng cần tựa vai/ Cuộc đời một đoạn ngắn dài/ Chỉ mong yên ấm, không ai phải buồn”.

H.LÊ

;
;
.
.
.
.
.