Đà Nẵng cuối tuần

Tết Nguyên tiêu Hội An: Di sản trong lòng di sản

14:05, 19/02/2023 (GMT+7)

Tết Nguyên tiêu ở phố cổ Hội An giờ đây không chỉ là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền mà đã chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là niềm tự hào của chính quyền và người dân phố cổ.

Tết Nguyên tiêu ở Hội An mang nhiều ý nghĩa nhân văn về gắn kết cộng đồng, uống nước nhớ nguồn, cầu an… Ảnh: LÊ MAI
Tết Nguyên tiêu ở Hội An mang nhiều ý nghĩa nhân văn về gắn kết cộng đồng, uống nước nhớ nguồn, cầu an… Ảnh: LÊ MAI

Tập quán ý nghĩa từ giao thoa văn hóa

Năm nay Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An được tổ chức trong một khí thế mới khi vừa chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 2-2-2023, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ năm của thành phố Hội An được vinh danh, trước đó có bốn di sản đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế

Theo tư liệu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Tết Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa từ rất sớm, sự giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa trong lịch sử, được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ và tổ chức các hoạt động lễ hội định kỳ hằng năm tạo thành lễ hội đặc trưng của địa phương. Cho đến hiện nay, Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ hội lớn đầu năm của cộng đồng cư dân Hội An. Lễ hội Nguyên tiêu trên địa bàn thành phố bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng, lễ chính vào ngày 16 tháng Giêng.

Vào dịp Tết Nguyên tiêu tại Hội An, ở mỗi cộng đồng địa phương có tục lệ cúng tế riêng nhưng có cùng một đặc điểm chung, đó là nhân ngày rằm đầu tiên của một năm, người dân bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, các vị thần, tiền nhân... nhằm cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời tổ chức lễ hội mừng xuân để chuẩn bị bước vào một năm mới với bao ước vọng tốt đẹp. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự, cầu tài xin lộc đầu năm ở nhiều di tích tín ngưỡng trên địa bàn thành phố và các hội quán trong khu phố cổ.

Đến Hội An dịp Tết Nguyên tiêu mới cảm nhận được không khí Tết rộn ràng với quy mô từ nội thị đến các vùng nông thôn phụ cận thuộc đô thị cổ. Đó cũng là một đặc trưng của Tết Nguyên tiêu ở Hội An so với những nơi khác. Hội An dịp này như đông hơn, náo nhiệt hơn bởi người đón Tết Nguyên tiêu không chỉ có người dân địa phương mà còn du khách, người từ Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, nhất là những người buôn bán. Họ du xuân ở phố cổ, thưởng lãm các điểm di tích, bảo tàng, viếng hương, xin lộc đầu năm thông qua các hoạt động tín ngưỡng ở các hội quán, đình, chùa, miếu và thưởng thức đặc sản địa phương như cao lầu, mì Quảng, bánh bèo…

Không chỉ có cộng đồng người Việt mà cả cộng đồng người Hoa cũng tổ chức các nghi thức tế lễ, các sinh hoạt vui chơi giải trí cộng đồng trong dịp này, tạo thành một lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng đặc trưng của cộng đồng cư dân phố Hội. Họ nâng niu, gìn giữ, phát huy giá trị đó trở thành một mỹ tục, một tập quán tốt đẹp và là “phần hồn” không thể tách rời của khu đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.    

Gắn kết cộng đồng giữa miền di sản

Trong ký ức nhiều thế hệ ở phố Hội và từ các tư liệu xưa, cách đây nhiều thế kỷ, Tết Nguyên tiêu ở Hội An khá long trọng, nhộn nhịp. Cộng đồng người Hoa ở đây đã góp sức tổ chức các hoạt động cúng tế và diễn xướng văn hóa nghệ thuật đầy sôi nổi. Ông Dư Khắc Hưng, nhà ở đường Nguyễn Thái Học kể lại, cứ vào dịp này, người dân lại nô nức lên chùa Ông, đi xem bắn pháo hoa với những chòm pháo hoa nhiều hình dạng đặc sắc như bông hoa, chim chóc… Pháo hoa nổ xong thì có câu liễn đổ xuống hiện ra thông điệp cầu vạn sự bình an.

Với người trẻ, đó là sự tự hào và trân trọng cũng như ước vọng lưu giữ, lan tỏa giá trị Tết Nguyên tiêu đến đời sau. Là người trẻ thuộc thế hệ 9x, anh Tạ Quốc Tuấn Vỹ, làm việc tại Đà Nẵng vẫn xem mỗi chuyến tác nghiệp hay dạo chơi trên sông Hoài, dự lễ hội Nguyên tiêu cùng gia đình, bè bạn ở phố cổ như một dịp về nguồn. Vỹ chia sẻ, Tết Nguyên tiêu nói riêng và các lễ hội văn hóa, hoạt động tín ngưỡng ở Hội An nói chung bằng cách nào đó đã in sâu vào tâm trí như một thói quen. “Chúng tôi đã theo người lớn đi du xuân, lễ chùa và có dịp làm việc ở Hội An trong các dịp lễ, Tết. Điều ý nghĩa là cảm nhận được sự gắn kết của các thế hệ với nhau trong không gian phố Hội từ những hoạt động như Tết Nguyên tiêu”, Vỹ cho biết.

Sự gắn kết như anh Vỹ chia sẻ chính là tính gắn kết cộng đồng của cư dân Hội An. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết: “Việc phục hồi và phát triển các hoạt động lễ hội, trong đó có Tết Nguyên Tiêu vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh - tín ngưỡng, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, vừa đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng nên các giềng mối quan hệ xã hội tốt đẹp, đặc biệt là tính gắn kết cộng đồng của cư dân Hội An. Nhờ có tính cộng đồng thông qua sinh hoạt lễ hội mà các tầng lớp cư dân Hội An đồng cảm, cộng cảm, gắn kết tinh thần nhân ái, yêu quê hương mình, càng xích lại gần nhau hơn, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và biết trân trọng, nâng niu, chung sức chung lòng gìn giữ và phát huy di sản văn hóa ông cha để lại, làm cho các giá trị ấy càng thăng hoa, tỏa sáng trong thời hội nhập, giao hòa”.

Đó là những giá trị để Tết Nguyên tiêu ở Hội An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành “Di sản trong lòng di sản”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung đón nhận sự kiện trên trong niềm phấn khởi, tự hào nhưng đi cùng với đó là trọng trách to lớn đặt ra cho các cấp, các ngành trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị vốn có của di sản để những giá trị đó được lan tỏa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam.

LÊ MAI

.