Nguyễn Quang Hà là tác giả nhiều tập thơ, truyện ngắn, bút ký. Có một bài thơ được nhiều người yêu thích, đó là bài Gửi em cô gái đỏng đảnh. Bài thơ gây ấn tượng nơi người đọc, trước hết bởi giọng điệu tưng tửng như không cần thiết, cái giọng làm cao và cách viết vừa phủ định vừa khẳng định...
Em đừng tưởng chỉ mình em là thiếu nữ
Chỉ mình em mắt biếc với môi hồng
Cứ cho em tha hồ tô son điểm phấn
Không có anh thì đẹp mấy cũng bằng không
Không có anh đam mê em làm gì bằng kiều diễm
Không có anh đắm say em đâu thấm men đời
Nói thật nhé không có anh đối đáp
Em chỉ vô tình như lá rơi
Bỗng đâu anh biến mất giữa đời
Em sẽ thấy giường chiếu gối chăn là vô nghĩa
Em sẽ thấy thừa tay thừa chân thừa môi thừa má
Thấy đời vật vờ như hạt mưa bụi mồ côi
Em yêu ơi, anh nói cho oách vậy thôi
Anh sẽ chẳng là cái đinh gì nếu thiếu em đỏng đảnh
Và anh sẽ là thằng trời đánh
Nếu bất đồ để em lọt khỏi tay
Nào hai đứa mình cứ bát ngát trời mây
Em như bán cầu nam, anh như bán cầu bắc
Khi chồng khít lên nhau thành trái đất
Làm một hành tinh xanh
Vi vu giữa vũ trụ sinh thành(*).
Buổi giới thiệu tác phẩm thơ "Gửi em cô gái đỏng đảnh" của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Hà (giữa). Ảnh: Tạp chí Sông Hương |
Đỏng đảnh chỉ có ở phái nữ. Đặc điểm dễ nhận, đó là cử chỉ, điệu bộ, cách nói năng như không cần biết đến ai, có khi chua ngoa, đanh đá, có những đòi hỏi quá đáng, đòi thắng trong cãi vã và thích được chiều chuộng. Hãy xem Nguyễn Quang Hà viết gì về cô gái này!
Trong tình yêu, cô gái nào mà chẳng đỏng đảnh. Đẹp mà đỏng đảnh là bình thường. Không đẹp chỉ có duyên mà đỏng đảnh, cũng là bình thường. Đỏng đảnh có khi làm nên hương vị của tình yêu. Bài thơ có năm khổ, có mở thắt như một vở kịch, vở kịch của những người yêu nhau. Ngay khổ thơ đầu tiên, đã thấy sự gây gổ chát chúa, khó nghe. Chàng trai buông ngay những lời lẽ trực diện, nhìn thẳng vào đối tượng, quyết dành phần chủ động về mình: Em đừng tưởng chỉ mình em là thiếu nữ/ Chỉ mình em mắt biếc với môi hồng/ Cứ cho em tha hồ tô son điểm phấn/ Không có anh thì đẹp mấy cũng bằng không. Hai lần trực diện, nói rõ, không phải "chỉ mình em", nhớ rằng, cạnh em, còn bao cô gái khác, cũng "kiều diễm", kém gì ai. Ẩn sau lời lẽ, điều muốn nói của chàng trai, mọi cái em sở hữu, tôn vinh, chỉ có ý nghĩa, ý nghĩa ấy rất quan trọng, chỉ vì có anh. Nếu không có anh: Không có anh thì đẹp mấy cũng bằng không. Và, cũng từ đây, chàng trai chủ quan, khẳng định: "Không có anh đam mê em làm gì bằng kiều diễm/ Không có anh đắm say em đâu thấm men đời/ Nói thật nhé không có anh đối đáp/ Em chỉ vô tình như lá rơi".
Mượn cách nói tiền giả định "không có anh", lặp lại nhiều lần nhằm gây hiệu ứng tâm lý. Nghĩa là, "không có anh" đồng nghĩa em "cũng bằng không". "Không có anh đam mê, "không có anh đắm say", "không có anh đối đáp", kết quả, "em chỉ vô tình như lá rơi".
Sau những cái "không" tưởng chừng chắc chắn, như "đinh đóng cột", thì, trong sâu thẳm, phần thắng lại không thuộc về chàng trai. Điều thú vị ở đây là, cái đỏng đảnh của cô gái, cái "vô tình như lá rơi" lại dẫn đến kết quả ngược lại. Đưa hình ảnh "chiếc lá rơi" vào đánh giá đối phương, nghe ra, chẳng có ý nghĩa gì, chẳng xoay chuyển tình thế, nên mới nói tiếp: "Bỗng đâu anh biến mất giữa đời/ Em sẽ thấy giường chiếu gối chăn là vô nghĩa/ Em sẽ thấy thừa tay thừa chân thừa môi thừa má/ Thấy đời vật vờ như hạt mưa bụi mồ côi".
Nhà văn Nguyễn Quang Hà, tên thật là Nguyễn Trọng Trường, sinh ngày 15-1-1941 tại tỉnh Bắc Giang. Đầu năm 1967, ông rời bục giảng, lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên - Huế... Ông gắn bó với mảnh đất này từ đó cho đến bây giờ. Nguyễn Quang Hà nguyên là Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương.
|
Nhìn kỹ, cũng chỉ là giả định mà thôi! Các từ ngữ "bỗng đâu", "sẽ thấy", "thừa", "vật vờ" là sự tưởng tượng của chàng trai! Chẳng qua, chàng trai đa cảm, nồng nàn, gửi hương gửi gió vào tình yêu, vào đối tượng đang chăm chăm hướng đến, cho nên, mới có kiểu lý sự như vậy. Dầu thế, trong tình yêu, nói vậy mà không phải vậy, ngầm bên trong, vẫn là sự giãi lòng và gửi trao, dù lời lẽ, cách nói có vẻ hùng hồn, mạnh mẽ. Cuối cùng, trong thế giằng co đó, chàng trai nhận ra: "Em yêu ơi, anh nói cho oách vậy thôi/
Anh sẽ chẳng là cái đinh gì nếu thiếu em đỏng đảnh/ Và anh sẽ là thằng trời đánh/ Nếu bất đồ để em lọt khỏi tay".
Những từ ngữ như "oách vậy thôi", "chẳng là cái đinh gì", "anh sẽ là thằng trời đánh", "để lọt khỏi tay" những lời lẽ "hạ mình", xuống nước cho thấy lời thú nhận chân thành của chàng trai, cho thấy sự đỏng đảnh của cô gái đang trên đà thắng lợi. Đây là cái duyên của những câu thơ. Năm dòng thơ cuối, một kết thúc viên mãn của tình yêu, một kết thúc có hậu: "Nào hai đứa mình cứ bát ngát trời mây/ Em như bán cầu nam, anh như bán cầu bắc/ Khi chồng khít lên nhau thành trái đất/ Làm một hành tinh xanh/ Vi vu giữa vũ trụ sinh thành".
Không "để em lọt khỏi tay" nên chàng trai mới có lời kêu gọi thiết tha: "Nào hai đứa mình cứ bát ngát trời mây". Các câu thơ có trời mây, có bán cầu nam, bắc, có trái đất, có hành tinh xanh... - một thế giới tự nhiên, đầy những hình ảnh đẹp đẽ, lãng mạn.
Mượn hình ảnh hai nửa bán cầu để chỉ hai thực thể: chàng trai và cô gái, Nguyễn Quang Hà muốn nói đến sự kỳ diệu trong tình yêu. Đó là, trái đất, "một hành tinh xanh", chồng khít của hai nửa bán cầu, vì thế, không có một đường xích đạo nào chia trái đất làm hai, và cũng thế, không có quyền lực nào trong đời có thể chia rẽ đôi ta. Hai ta sẽ "vi vu giữa vũ trụ sinh thành".
Nguyễn Quang Hà, nhà tâm lý học tình yêu, đã có một bài thơ vừa tinh tế, khôn ngoan, vừa thấu cảm, chân thành, nói được các quy luật về tình cảm của con người, của yêu thương với lời lẽ hóm hỉnh.
Toàn bộ bài thơ, không có câu nào mô tả vẻ đẹp của cô gái, chỉ đề cập chung chung như bao cô con gái khác về mắt biếc với môi hồng, về tô son điểm phấn. Cái giỏi của nhà thơ, ấy là, đưa ngôn ngữ đời thường, thô ráp, chẳng nên thơ tí nào vào thơ tình. Và, cũng nhờ vậy, bài thơ chiếm lĩnh tình cảm nơi bạn đọc.
Thời gian và không gian trong bài thơ là những cung bậc chân thành, tha thiết của một người muốn yêu, muốn gửi trao, muốn tận hiến. Trong những bài thơ tình của Nguyễn Quang Hà, Gửi em cô gái đỏng đảnh là một bài thơ hay. Một thứ triết lý trữ tình về tình yêu.
Huỳnh Văn Hoa
(*) Gửi em cô gái đỏng đảnh, Thơ Nguyễn Quang Hà, NXB Hội Nhà văn, 2019.