Động đất và các cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ

.

Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2 khiến hơn 45.000 người chết xảy ra chỉ 3 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vốn được coi là khó khăn nhất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong hai thập niên cầm quyền.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bìa phải) thị sát thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay - nơi xảy ra động đất. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bìa phải) thị sát thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay - nơi xảy ra động đất. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích đưa ra nhiều quan điểm trái chiều về việc thảm họa động đất sẽ làm tổn hại hay cải thiện triển vọng bầu cử của ông Erdogan cũng như đảng Công lý và Phát triển (AK) có nguồn gốc từ phong trào Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng ta cùng nhau xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ”

Cách đây đúng 20 năm, ông Recep Tayyip Erdogan trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, hứa hẹn một kỷ nguyên mới của chính phủ sau khi liên minh cầm quyền lúc đó bị chỉ trích quản lý yếu kém cả hai cuộc khủng hoảng: trận động đất năm 1999 khiến 17.000 người chết và tình trạng lạm phát tràn lan.

Giờ đây, khi tìm cách kéo dài thời gian nắm quyền sang thập niên thứ ba, Tổng thống Erdogan bị các đối thủ đổ lỗi thúc đẩy lạm phát phi mã hiện ở mức 58%, đồng lira sụt giá và chậm trễ ứng phó với động đất. Vì vậy, các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ngày 14-5 tới, nếu được tổ chức ở khu vực miền nam vừa xảy ra động đất - nơi có hàng triệu người vô gia cư, sẽ là thách thức to lớn đối với ông Erdogan.

Tổng thống 68 tuổi đã có mặt tại những thành phố bị thiệt hại do động đất và hứa hẹn tái xây dựng các khu vực ảnh hưởng trong vòng một năm, trả tiền thuê nhà cho những người mất nhà cửa, đồng thời trừng phạt những nhà thầu vi phạm quy định các tòa nhà mới xây phải có khả năng chống chọi tốt hơn với động đất. Ông cũng xin lỗi người dân về phản ứng chậm trễ của chính phủ trong công tác cứu hộ. Tuy nhiên, những cam kết của nhà lãnh đạo này vẫn không đủ xoa dịu sự tức giận của những người sống sót.

Người dân bày tỏ nỗi thất vọng khi các hoạt động cứu hộ của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống Khẩn cấp (AFAD) diễn ra chậm chạp, bỏ lỡ khoảng thời gian vàng cứu sống nhiều nạn nhân. Lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập Kemal Kilicdaroglu - đối thủ chính của ông Erdogan trong cuộc bầu cử tổng thống - cáo buộc chính phủ đã “chính trị hóa” AFAD và làm suy yếu cơ quan này. “Nếu có bất kỳ ai chịu trách nhiệm thì đó chính là ông Erdogan. Chính đảng cầm quyền đã không chuẩn bị gì cho việc ứng phó động đất suốt 20 năm qua”, ông Kilicdaroglu nói.

Thảm họa động đất có thể sẽ thu hẹp quy mô chiến dịch vận động tranh cử khi mọi nỗ lực lúc này là tập trung tìm kiếm và chăm sóc những người sống sót, dọn dẹp đống đổ nát và tái thiết cơ sở hạ tầng. Các quan chức chính phủ nói rằng, Tổng thống Erdogan - người sẽ bước sang tuổi 69 vào ngày 6-3 tự tin có thể tập hợp được cử tri bằng khẩu hiệu, cũng là sứ mệnh của ông sau động đất: “Chúng ta cùng nhau xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cần 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng

Thảm họa động đất xảy ra giữa lúc chỉ số tín nhiệm của ông Erdogan phần nào được cải thiện sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2022. Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc ước tính, với 1,5 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ mất nhà, cần xây khoảng 500.000 ngôi nhà mới. Theo các chuyên gia kinh tế, Ankara cần 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng.

Các nhà phân tích nhận định, cách xử lý hậu quả động đất của Tổng thống Erdogan sẽ được so sánh với phản ứng trong trận động đất năm 1999. Liên minh cầm quyền khi đó bị chỉ trích vì từ chối sự giúp đỡ của quốc tế và không cập nhật rõ ràng thông tin. Còn ông Erdogan - với kinh nghiệm 11 năm làm Thủ tướng và 9 năm làm Tổng thống - đã thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, rõ ràng, minh bạch, huy động nhanh chóng mọi nguồn lực sẵn có và tạo điều kiện tiếp nhận viện trợ quốc tế.

Ông Emre Peker, Giám đốc khu vực châu Âu của tổ chức Eurasia Group cho rằng, với mức độ nghiêm trọng của thảm họa, phản ứng đã diễn ra nhanh chóng và khá mạnh mẽ. Nếu duy trì được mức độ phản ứng như thế, Tổng thống Erdogan sẽ có lợi trong thời gian chạy đà cho các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, thảm họa ngày 6-2 có số thương vong vượt quá trận động đất 23 năm trước và ông Erdogan được cho là khó có thể biến khủng hoảng thành cơ hội. Theo Phó giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Sabanci (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Berk Esen, vấn đề chính trong các cuộc bầu cử sắp tới sẽ là động đất và đó là tin không vui cho ông Erdogan. “Quy mô của thảm họa quá lớn nên sẽ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử, gây bất lợi cho đảng AK cầm quyền và Tổng thống Erdogan”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Kinh tế Sinan Ulgen, có trụ sở ở thành phố Istanbul nói.

Khánh Linh (theo Reuters)

;
;
.
.
.
.
.