Lắng nghe vọng âm từ một bức tường

.

Đi đâu thấy người ta vứt bỏ mấy đồ đồng nát, ngó chừng dùng được tôi đều kiếm về. Biến "rác" thành món đồ dùng, đồ chơi độc đáo cũng là một cách để không lãng phí.

Ngôi nhà của vợ chồng tôi rất nhỏ, và nó càng chật chội khi có thêm hai đứa con. Không gian cho những sinh hoạt chung cần được ưu tiên hơn cả nên chúng tôi sắp đặt những món đồ xưa cũ vào vách tường. Như người ta gọi vui thì đấy là những thứ "đồ bãi", tuy thật cũ rích song lại nhắc nhớ biết bao ký ức xa xưa.

Những món đồ xưa được đặt sát vào bức tường nhỏ. Ảnh: H.C.D
Những món đồ xưa được đặt sát vào bức tường nhỏ. Ảnh: H.C.D

Bức hoành phi đề ba chữ Hiếu Vi Tiên do một cụ đồ cho chữ và được ông nội tôi khắc gỗ sơn son thếp vàng, trước đây treo trang nghiêm trong ngôi nhà rường gỗ hương hỏa truyền thừa. Khi sửa nhà hương hỏa thì tấm hoành không treo nữa, định đem đi đốt, tôi thấy xót nên mang về treo trong ngôi nhà riêng của mình, để khắc ghi truyền thống gia đình và lời dạy tiền nhân.

Cái đồng hồ quả lắc của Liên Xô để nhắc nhớ về quãng thời gian sinh viên học tập ở xứ tuyết. Ngót nghét nửa thế kỷ, hộp gỗ bên ngoài đồng hồ đã bong tróc nhưng mấy gọng đồng và bánh răng kim loại vẫn còn hoạt động tốt. Cứ nửa tháng lại phải vặn lên dây cót một lần. Đêm thanh vắng, tiếng quả lắc lách tách rồi cứ đến giờ đồng hồ điểm chuông vang ấm áp.

Thỉnh thoảng gom được mấy cuốn băng cassette từ những bãi phế liệu, đem về tua đi chỉnh lại một hồi cũng có vài cuốn nghe được. Tiếng nhạc cassette mộc mạc, xen lẫn những tạp âm rò rè gợi lại những ngày tháng cũ.

Có lần một người bạn đến chơi, thấy dùng những món đồ này thì cười. Bạn nói đại ý bữa nay mấy ai dùng đồng hồ nữa mà treo, bật điện thoại là có giờ thôi. Nghe nhạc cũng bằng điện thoại, thích vang to thì kết nối không dây với một cái loa là xong. Hôm ấy mưa, chuyện trò chán chê, tôi mở nhạc lên nghe. Bạn khen mấy bài hát ngày xưa hay, mà nghe bằng cái băng cassette hóa ra rất hợp, nhất là ngoài trời đang mưa. Bạn ngồi chơi lâu, uống hết mấy tuần trà, rồi lại... khen cái ghế ngồi thoải mái, ngồi mãi không đau lưng không mỏi chân.

Bộ bàn ghế salon thùng ấy cũng là món người ta sắp đem đi đốt củi, thấy tiếc tôi mua rẻ đem về rồi dán keo, đóng đinh, quét sơn, trông cũng không đến nỗi nào. Thợ mộc xưa tỉ mẩn cẩn trọng và biết tính toán nên ghế ngồi rất dễ chịu, từ lưng dựa cho đến tay vịn đều tạo nên cảm giác thoải mái. Một cái bình tích xanh lam sứt sẹo, tay cầm bằng sắt hoen rỉ nhưng pha trà lại giữ ấm lâu, lọc sạch bã và hương thơm đậm qua nhiều lần rót nhờ cốt đất dày, nắp khít kín.

Ép sát bức tường là tủ sách. Những cuốn sách yêu thích được cất giữ cẩn thận để đọc đi đọc lại. Chúng tôi hay nói vui tủ sách vuông vắn như một cái tủ thuốc Đông y, mà đúng là thuốc bổ thật, vì những khi mệt mỏi thư giãn bằng sách rất hay. Con gái đi học biết chữ, cũng thích đọc sách, có khi hứng chí con nhảy lên ngồi bên cửa sổ và mải mê theo những câu chuyện đồng thoại.

Đêm se lạnh, hai vợ chồng thường ngồi cùng nhau, nghe một bản nhạc xưa và ôn lại những ký ức ấu thơ, để trân trọng cuộc sống hiện tại. Những ngày xã hội giãn cách vì đại dịch, chúng tôi không hề thấy gò bó vì trong căn nhà này đã có những thứ tuy giản đơn nhưng hữu ích.

Không ngôi nhà nào là đủ rộng cho những nhu cầu, không có người thiết kế nào hiểu sở thích của mình bằng mình. "Khéo co thì ấm", biết tận dụng và sắp đặt ta sẽ nhận ra mỗi món đồ cũ, mỗi góc nhỏ trong nhà đều có hồn cốt và vọng âm.

Hoàng Công Danh

;
;
.
.
.
.
.