Ngồi trước mặt chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh cũng như bao phụ nữ chân chất, hiền lành khác lớn lên từ miền quê xứ Quảng. Ít ai biết chị từng là một trong những thành viên gan dạ của Đội Nữ điệp báo, thuộc Ban An ninh của Đặc khu Quảng Đà, từng giành được những chiến công vang dội trên đất Đà thành vào những năm cuối thập niên 60.
Nhóm nữ điệp báo Đà thành năm xưa trong một buổi gặp mặt thân mật (chị Thanh, thứ 5, từ trái sang). Ảnh: T.T.S |
Chị Thanh sinh năm 1950, tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam). Hồi ở quê, chị học đến lớp đệ thất trường Sào Nam. Thấy chị lanh lẹ, những cán bộ an ninh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Cam (nguyên Phó Ban An ninh Quảng Đà) và bà Nguyễn Thị Huệ xin gia đình cho tham gia cách mạng.
Năm 1966, 16 tuổi, chị Thanh chính thức bước vào ngành điệp báo. Nhiệm vụ của chị là tìm hiểu, xây dựng cơ sở, theo dõi các đối tượng tình báo, chuyển vũ khí vào Đà Nẵng... Đầu tiên, chị ra Đà Nẵng đóng vai học nghề thợ uốn tóc tại đường Trưng Nữ Vương do chị Bốn Chung - một cơ sở của ta làm chủ. Sau đó, chị được lệnh về Thanh Khê, xây dựng được một Khu trưởng (tương tự Chủ tịch xã bấy giờ) và người này giúp đem tài liệu, súng ống… vào nội thành Đà Nẵng.
Kể về chuyện được tổ chức giao thực hiện nhiệm vụ tìm và diệt một tên tình báo nguy hiểm đang hoạt động tại Đà Nẵng, chị Thanh cho biết: “Đó là lần đầu tôi mang vũ khí, mặc áo rộng che khẩu K54 vào người, từ trong quê Điện Thọ ra đến Thanh Quýt.
Khi ngang qua doanh trại của địch, tôi nhìn thấy một xe Jep chuẩn bị nổ máy và nhận ra là xe của Trung úy Mai và Đại úy Ngữ, tôi nở nụ cười ngõ lời nhờ họ chở ra Đà Nẵng luôn. Trên đường đi, họ luôn chuyện trò, tán tỉnh vui vẻ. Tuy nhiên, tư thế tôi luôn sẵn sàng cảnh giác, nếu bị họ va chạm phát hiện vũ khí trong người, tôi sẽ sẵn sàng nhả đạn. Đến Đà Nẵng, họ hỏi chỗ ở của tôi, đòi vào thăm nhà, tôi phải viện mọi lý do tránh né”.
Chị tiếp: "Theo đúng kế hoạch đã định, sau khi nắm rõ nơi ở và quy trình đi lại của gã tình báo, đúng 6 giờ chiều hôm ấy, gã đi làm về, khi vừa bước xuống xe, tôi đã ở đó chờ sẵn và rút súng bắn vào người gã hai phát. Bọn cảnh sát nghe tiếng nổ chạy đến. Tôi biết đã lộ, liền vẫy tay người cơ sở đang đợi mình chạy đi. Tôi lách vào ngã hẻm được một đoạn thì gặp một phụ nữ ngồi bên gánh bún hàng rong.
Tôi ngồi vào ghế sát nồi bún, nói: “Bán cho tôi tô bún”, đồng thời bỏ cây súng vào nồi, nói nhỏ chị bán hàng: “Xin chị giữ bí mật, sau này cách mạng sẽ luôn ghi công, nhớ ơn chị”. Người bán bún sững sờ, im lặng trong giây lát, rồi lặng lẽ đậy vung nồi bún lại, gánh hàng đi khuất. Tôi yên lòng, lách người vào một hẻm nhỏ khác. Đi được một quãng dài, tôi nghe tiếng chân sầm sập của vài tên cảnh sát, quân cảnh chạy đến, chặn tôi lại, còng tay dẫn đi.
Họ dẫn tôi về đồn tra khảo, hỏi: “Súng để đâu?”. Tôi nói, ném đâu tôi quên rồi. Đầu tiên, họ không đánh đập mà chỉ dỗ dành, mua chuộc tôi đủ điều rất nhẹ nhàng, biểu khai báo, nhưng tôi chỉ một mực nói đơn giản: “Tôi trong quê ra, chỉ nghe lệnh cấp trên báo đến, người này là ác ôn, cần phải tiêu diệt. Làm xong việc tôi về chợ Cồn ngủ, rồi về quê, chứ không biết chi thêm. Sau đó, họ chuyển qua tra tấn rất tàn ác, không thiếu thủ đoạn nào, tôi vẫn trước sao, sau vậy, không nói điều gì khác hơn”.
Ngày chị Thanh (lúc này lấy tên Nguyễn Thị Như Huệ) bị đưa ra tòa án xử công khai, dân đi coi rất đông. Luật sư biện hộ (do nhà cầm quyền cử), đề nghị tòa xem xét giảm án "vì cô Huệ có con nhỏ"; nhưng khi tòa hỏi chị có gì ân hận không, chị trả lời: “Tôi không có gì ân hận, gia đình tôi, quê hương tôi bị lính Mỹ càn quét bắn giết, cho nên tôi làm công việc này”.
Tòa tuyên án chị 18 năm tù. Chị kể, lúc đó nghĩ mình ở tù xong về 34 tuổi, vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng được. "Tôi nói với họ, chi bằng các ông cứ giam đủ tôi 20 năm đi, tôi không ân hận gì cả, nhưng chắc rằng tôi chỉ ở chừng vài năm, phần còn lại dành cho các ông ở. Dân bên ngoài họ rất xôn xao, hàng trăm đôi mắt đổ dồn về tôi. Vậy là họ kêu án buộc tôi 20 năm tù", chị chia sẻ.
Lần lượt trải qua các nhà tù miền Nam, điều chị Thanh nhớ nhiều nhất là việc gặp chị Tâm (tức bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước bấy giờ) tại Trại giam Chí Hòa. Theo chị, lúc ấy chị Tâm là một phụ nữ rất thông minh, bản lĩnh, vững vàng, nên bọn cai ngục thường phải nhượng bộ, chấp nhận đáp ứng các yêu sách. Đến 30-4-1975, sau ngày đất nước thống nhất, chị Thanh về lại Đà Nẵng, được tiếp tục đào tạo và bố trí làm nhiều công tác khác nhau. Vị trí cuối cùng của chị là Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê đến khi về hưu năm 2005.
Hoạt động cách mạng cùng thời với chị Thanh, Đại tá Ngô Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Đà Nẵng kể, thời điểm địch mở chiến dịch Phượng Hoàng nhằm "vô hiệu hóa" bắt giam, bôi lem, chiêu hàng, giết, hoặc kiềm chế các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nằm vùng, thì An ninh Quảng Đà là một trong những đơn vị đầu tiên phát hiện và đối phó kế hoạch đó một cách hiệu quả. Chị Thanh là người thực hiện nhiệm vụ truy tìm, tiêu diệt một trong những tên tình báo Phượng Hoàng nguy hiểm, gây tiếng vang rất lớn, góp phần đem lại sự thất bại mạng lưới Phượng Hoàng của địch tại Đà Nẵng thời điểm ấy.
TRẦN TRUNG SÁNG