Đà Nẵng cuối tuần

Nhớ những mùa trăng

16:31, 11/03/2023 (GMT+7)

Vào những đêm trăng sáng của các tháng cuối năm, bầu trời trên cổ thành xanh ngăn ngắt. Càng về khuya, màu xanh ấy càng huyền hoặc hơn, nhất là khi có tiếng chó vọng trăng tru hu hú… từng tràng lên khoảng không. Những tiếng tru không biết chó bày tỏ niềm vui hay nỗi buồn, nhưng với lứa tuổi nhỏ, thường là sự khiếp sợ vào những khuya thức giấc. Còn riêng tôi, những đêm trăng sáng vằng vặc, đó đây đồng vọng âm điệu hu hú kéo dài ấy lại thật sự là một bài ca thương nhớ khôn nguôi…

Một trong những đêm trăng thanh và giá lạnh khắp trời cổ thành, khi cha con tôi vừa dùng xong bữa tối thì ngoài cổng bỗng có tiếng chó sủa. Tôi rất thích chó song nhà tôi chẳng hiểu sao không nuôi được loài này. Lần nuôi nào cũng vậy, nếu nó không chết thì cũng bị mất. Vậy con chó nào lại sủa vào cổng nhà tôi? Ngạc nhiên thế nhưng phải đến lần sủa thứ hai, tôi mới ra xem thử. Bên ngoài, đang khều vào cổng nhà tôi là một con chó đốm, loại chó cỏ song tướng tá săn chắc, linh lợi. Và đứng bên trụ cổng là một chị vai mang bị, dáng dấp ra vẻ ăn xin. Con chó thấy tôi ra, liền ngó qua chị chủ sủa lên mấy tiếng vui mừng và ngoe nguẩy cái đuôi cụt ngủn.

Minh họa: HÀ CÁT
Minh họa: HÀ CÁT

- Em… à, cậu nì, làm ơn cho tui xin ít tiền hoặc ít gạo chi - chị ngập ngừng và chìa ra cái thau nhựa nhỏ.

Con chó của chị chồm chân trước lên vịn cổng, còn chân trước kia thò qua song sắt, khều tôi. Vì tôi đứng xa nên khều chân hụt biến thành cái ngoắt trông vừa khôn ngoan vừa buồn cười. Tôi liền mở cổng. Cổng tôi vừa hé là “chú chàng” tót vào trong ngay và sủa gọi chủ theo.

- Chị vào đi!

Chị chủ có vẻ e dè nhưng rồi cũng đi theo con chó. Khi cả hai đứng trước thềm nhà tôi, con chó trở nên khép nép hẳn. Còn chủ nó hóa ra cũng chỉ lớn hơn tôi khoảng vài ba tuổi, vẻ mặt rất hiền và xanh xao. Tôi vội nói với ba tôi mục đích mở cổng của mình. Ông “à” lên rồi móc túi, còn dăm trăm bạc lẻ đưa tôi. Con chó tuy có vẻ khép nép nhưng lại không rời mắt khỏi động tác bỏ tiền vào thau của tôi. Và nó như biết việc xin đã xong, cắn gấu quần chủ nó, lôi nhẹ. Khi đưa cả hai ra đóng cổng, tôi còn được con chó sủa thêm vài tiếng tri ân nữa. Và kể từ hôm đó, cứ vài ba tối con đốm lại sủa lên trước cổng nhà tôi một lần. Buổi tối, ba tôi thường vắng nhà. Có ba tôi thì được dăm bảy trăm, một nghìn; còn không, tôi cho chị gạo cũng kha khá. Lâu dần, chúng tôi quen nhau và biết tên chị là Hiền và con chó tên là Nô. Chị kể nhiều đêm ngại không dám đến, song con Nô cứ ngang đường này là lại chạy vào đây, làm chị phải vô theo…

Một đêm trăng, do tò mò muốn biết chị ở đâu và cũng muốn được giỡn với con Nô cho thỏa thích, tôi lẽo đẽo theo sau. Qua một hồi lang thang dăm ba đường và vào mươi nhà nữa (cũng kiểu như vào nhà tôi), chị và con Nô dừng lại nơi sạp bán hàng bỏ trống, dưới gốc một cây bàng. Hóa ra nơi chị nghỉ tuy trái đường nhưng cũng chỉ cách nhà tôi chưa đầy trăm mét. Trong lúc con Nô nằm xoài, gối mõm vào hai chân trước với vẻ canh chừng, chị Hiền dưới ánh trăng vằng vặc xổ tiền vào nón lá, đếm và xếp lại. Gốc bàng trống trơ lạnh lẽo này đích thị là nơi trọ qua đêm của chị Hiền và con Nô rồi! Nỗi xúc động quá bất ngờ đã làm cho Nô phát hiện ra chỗ nấp của tôi. Nó nhào đến sủa và rung tít cái đuôi cụt lên mừng rỡ. Chị Hiền thì vô cùng ngạc nhiên:

- Chừ khuya rồi, em ra đây chi hè, Chuân? - Chuân là tên tôi.

- Em ra chơi với con Nô - tôi ngập ngừng tiếp: Chị và con Nô ngủ đây, hả chị Hiền?

Chị Hiền nhìn cái sạp, gật đầu. Tôi kêu lên:

- Trời, lạnh chết!

- Lạnh chi hè, chị ngủ với con Nô nì - rồi chị hỏi: Ba em có biết em ra đây không?

Tôi lắc đầu. Chị Hiền cắn kẹp, xổ mái tóc thưa vàng ra, nhìn trăng và nói:

- Trăng tề, khuya rồi! Chuân về đi kẻo ba la đó.

Tôi nhảy xổ lại ôm con Nô:

- Sớm mà chị Hiền, em chới với con Nô chút. Con Nô thấy vậy, nhảy cỡn lên, liếm má tôi rồi vọt ra xa.

- Con đó thì hơi sức mô mà chơi!

Chị Hiền ngồi cười nhìn tôi với con Nô rượt giỡn nhau. Chị lấy ra ổ bánh mì, bẻ làm hai và đưa tôi một nửa:

- Ăn với chị cho vui, Chuân hè.

- Chị ăn đi, em ăn rồi.

Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, chị ngồi ăn bánh, nhìn tôi và con chó giỡn nhau. Thỉnh thoảng, chị lại cười nắc nẻ mỗi khi tôi chụp hụt bánh trên miệng con Nô. Khi con chó ăn, tôi đến bên chị:

- Tối mai, chị và con Nô đến nhà em nhé?

- Đến chi?

- Thì… đến chơi!

Chị cười hiền và vuốt tóc tôi, nói:

- Đến kỳ! Chị và con Nô không đến chơi mô.

- Chị không đến thì em ra. Em mang gạo ra cho chị nghe, chị Hiền?

- Ngon hỉ! Lỡ ra không có chị thì răng?

Tôi xịu mặt buồn vì biết chị Hiền nói thật. Chị gọi con Nô đến, ôm vào lòng và nói có vẻ buồn:

- Mai chị đi khu khác. Không phải chị và con Nô vào xin nhà nào cũng được cho như nhà Chuân mô! Có nhà không xin được mà con Nô còn bị chó họ cắn nữa. Chị âu yếm chỉ vào vai con Nô, tiếp: Vết thương bữa tê còn chưa lành nì.

Con Nô xoay mõm liếm vào tay chị Hiền và quèo chân trước một cách trìu mến qua tôi.

- Bao giờ thì em ra chơi với chị Hiền và Nô được, hả chị Hiền?

- Buồn hí! Biết bao giờ…- Rồi chị bỗng vui lên: À… Chuân có muốn nghe hát không?

- Muốn! Chị hát cho em nghe đi, chị Hiền.

- Chị thì hát chi, con Nô tề!

Trong lúc tôi còn đang ngạc nhiên thì chị Hiền ôm lấy đầu con Nô vỗ nựng, bóp nhẹ vào hàm nó một cái và đẩy ra sạp, bảo:

- Hát đi Nô, hát cho Chuân nghe đi. Ơ…hớ…hớ…

Con Nô nhìn chị, nhìn tôi với ánh mắt dò hỏi. Chị Hiền nhắc lại:

- Hát đi Nô! Ơ…hớ…hớ…

Nghe bảo lần thứ hai, con Nô quay cái đuôi cụt trên mặt sạp, hướng đôi mắt buồn nhìn lên mặt trăng và bắt đầu hát:

- Ơ…hớ…hớ…hơ…hớ…ơ…hớ…!

Tiếng hát tru của con Nô lúc rống cao, khi âm trầm tỏa vào trăng xanh và xung quanh cây lá. Ánh trăng như tan trong đôi mắt ngân ngấn nước của con Nô. Và chỉ ít phút sau, những tiếng tru cùng loại khác trong cổ thành cũng lây rộ lên trong khoảng không xanh ngắt. Chẳng biết những con chó kia tru vào trời trăng ra sao, riêng con Nô nó tru hát dường như với tất cả tâm huyết của mình, cho đến khi chị Hiền bảo thôi. Tôi hỏi chị:

- Nó hát bài gì nghe hay vậy, chị Hiền?

- Biết chi mô! - Rồi chị tiếp: Tối mốt, khi nghe con Nô hát như ri thì em ra đây chơi với chị; còn không thôi, vậy nghe!

Tôi cảm động gật đầu.

- Chừ thì khuya rồi, em về đi! Nhớ hí, nếu ra em đừng mang theo gạo, tiền chi.

Thấy tôi ngần ngừ, chị đẩy vai ra hiệu về:

- Mang ra là chị nghỉ chơi luôn đó.

Khuya ấy về nhà và đêm sau, một đêm trăng sáng lạ lùng, giấc mơ tôi ngân đầy tiếng hát của con Nô.

Tối hẹn, trăng lên độ hơn sào, tôi đã nghe tiếng hát của con Nô từ cây bàng vọng đến. Tôi băng đường tắt sang ngay với chị Hiền và Nô, không quên mang theo khúc cá chiên để dành cho nó, từ chiều. Chị Hiền đêm ấy rất vui. Chị mang ra hai lóng mía không biết kiếm được ở đâu, để hai chị em cùng ăn. Và trong khi chị Hiền soạn đếm lại tiền xin được, tôi chơi với con Nô. Rồi sau đó chúng tôi cùng chơi “đánh ô ăn quan” dưới ánh trăng sáng như ban ngày…

Từ ấy, qua những đêm gặp nhau nơi gốc bàng, tôi biết chị Hiền còn một mẹ già tật bệnh ở miền quê. Đôi tuần nửa tháng tha phương, chị lại đem tiền về thuốc thang, nuôi mẹ. Cũng nhờ có con Nô chị mới xin được và nếu không có nó bầu bạn, chị chẳng dám đi xa đến đây. Tôi cũng nói với chị hoàn cảnh của mình, bố mẹ li dị nhau… Hằng đêm, tôi mong tiếng hát tru của con Nô còn hơn cả mong mẹ về khi người chưa bỏ cha con tôi. Tiếng hát của con Nô bây giờ với tôi vừa như tiếng mẹ ru, lại vừa như tuổi thơ kêu gọi…

Một đêm gần cuối tháng Chạp, sau khi khâu cho tôi mấy chiếc cúc áo bị tuột, chị Hiền đột ngột nói bằng giọng buồn buồn:

- Ngày mai, chị và con Nô về quê. Tối mồng bảy Tết chị em mình sẽ gặp lại nhau ở đây, em hí.

- Ở lại đây ăn Tết với em đi, chị Hiền - tôi tha thiết.

- Ở mô được, ngày Tết ai cũng phải về nhà mình…

Đêm biết rồi sẽ chia tay đó, chúng tôi không đùa giỡn như mọi khi. Và rồi chị Hiền giục tôi về sớm hơn thường lệ. Suốt cả Tết Nguyên đán năm ấy, hầu như tôi không ăn bất cứ thứ gì gọi là ngon, quý. Tất cả, tôi đều để dành cho tối mồng bảy, ngày gặp lại chị Hiền và con Nô. Và cuối cùng rồi ngày mồng bảy cũng đến.

Buổi tối xuống thật chậm. Khi tôi vừa ngồi vào bàn ăn, chợt có tiếng hát tru vọng đến từ hướng cây bàng. “ơ…hớ…hớ……ơ…hớ…” qua lần tru tréo thứ hai, tôi nhận ra chẳng phải là tiếng tru hát của con Nô. Giọng nó không thể khàn đến mức ấy được! Tôi yên tâm ăn cơm. Có ba tôi cùng ăn nên dù là tiếng tru hát của con Nô, tôi cũng chưa thể ra ngay. Và còn rửa chén bát nữa! Phải mất một lúc lâu sau tôi mới bứt ra được khỏi nhà để đến với chỗ hẹn.

Sạp dưới gốc bàng vắng trơn!

Tiếng tru tôi nghe quả không lầm, chị Hiền vẫn chưa đến… Vừa lại sạp định ngồi chờ, bỗng mấy dòng chữ nguệch ngoạc bằng than đập vào mắt tôi: “Chờ Chuân không được, chị phải đi! Bảy giờ tối mai gặp lại. Con Nô lát nữa chị bán lấy tiền mua thuốc gấp cho mạ chị, nên em đừng chờ nó hát như mọi hôm!”.

Chị Hiền bán con Nô!

“Chị Hiền! Chị Hiền ơi…!”. Tôi quăng gói quà bánh ra sạp và chạy đi. Tôi thất thanh gọi chị, gọi con Nô khắp các ngả đường trong thành cổ. “Chị Hiền ơi…! Nô ơi…!”. Trả lời tôi chỉ có gió đêm và tiếng sủa của những con chó xa lạ. Tôi chạy mãi, gọi mãi cho đến khi không còn chút hơi sức nào thì về lại sạp. Trăng thượng tuần như cái miệng mếu soi bệch bạc xuống tôi và gốc cây bàng vắng lạnh…

Khuya ấy về, tôi lên cơn sốt li bì .

Hôm sau trời vừa chập tối, với gói quà bánh, tôi lẻn ba tôi vội đến gốc cây bàng. Ngồi chờ chị Hiền, nhớ đến những đêm đùa giỡn với Nô ở đây, tôi chảy nước mắt. Không biết bây giờ con Nô ở đâu? Nó còn sống không?! Phải chi tối hôm qua tôi ra ngay lúc nghe tiếng hát tru chắc là đã gặp được nó!

Trăng lên một sào, hai sào rồi ba sào… chị Hiền vẫn bặt tăm. Tôi tức mình là đã quên không hỏi tên vùng quê chị ở. Bây giờ thì biết tìm chị đâu, con Nô đâu? Tôi ôm gói quà ngồi chờ cho đến khi trăng xế thì òa khóc. “Chị Hiền ơi… Nô ơi…!”. Tôi bệu bạo gọi nhưng chỉ nghe tiếng lá bàng rì rào. “ơ…hớ…hớ…ơ…hớ…”. Tôi  nhại theo tiếng hát tru của con Nô mấy lần song vẫn bặt vô âm tín! Trăng lặn dần. Tôi ôm gói quà ngồi dựa vào gốc cây bàng và thiếp đi lúc nào không biết…

Cuối cùng ba tôi tìm gặp vào lúc tôi đang nằm sốt mê man nơi gốc cây bàng. Cả ngày hôm sau tôi lúc mê, lúc tỉnh. Trong mê, thỉnh thoảng tôi lại hát tru lên bài hát của con Nô hay gọi tên chị Hiền. Tối đến, tôi vùng chạy ra cây bàng thì bị mọi người giữ rịt lại. Họ bảo tôi bị ma làm và kêu khóc thế nào cũng chẳng buông…

Phải mất hơn tháng sau, tôi mới trở lại được trạng thái bình thường, khi biết rằng mình sẽ không bao giờ còn gặp lại chị Hiền và con Nô nữa.

Và bây giờ cứ mỗi đêm trăng sáng trên bầu trời cổ thành, nghe tiếng chó tru tôi lại nhớ đến chị Hiền, nhớ đến con Nô và bài hát tru quen thuộc ngày nào. Bài hát tuy đơn giản nhưng đã giúp chị Hiền xin được tiền, đã giúp đứa trẻ khát khao tình mẹ như tôi được một thời an ủi. Và đấy cũng là bài hát khiến tôi rơi nhiều nước mắt nhất, từ trước đến nay.

Vào những đêm trăng xanh đó, tôi cứ muốn tru hát lên với tất cả nhớ thương của mình, để chị Hiền đang ở phương trời nào đấy biết rằng, bài hát tru bên thành cổ của con chó Nô trong những đêm trăng nào vẫn không bao giờ phai nhạt trong ký ức tôi.                                        

Nguyên Khôi

.