Đà Nẵng cuối tuần
Trách nhiệm của truyền thông
Những ngày gần đây, nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh, video quay quả dâu tây được tẩm ướp, sục hóa chất cùng nhiều bình luận trái chiều về chất lượng dâu tây. Thông tin này ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng dâu tây ở Sơn La thời gian qua. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: "Thông tin dâu Sơn La có tẩm hóa chất ảnh hưởng không nhỏ đến người trồng dâu. Chúng tôi khẳng định không có việc này xảy ra, bởi ngành nông nghiệp Sơn La quản lý chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm".
Ngay sau khi những hình ảnh, thông tin cho rằng dâu tây Sơn La bị đội lốt dâu tây Trung Quốc, xuất xứ từ chợ Long Biên (Hà Nội), người tiêu dùng hoang mang. Một số tờ báo, facebooker đưa ra cách nhận biết dâu tây, giúp người tiêu dùng “thông thái” hơn trước mặt hàng này.
Tương tự, thời gian qua, các vụ việc như lời đồn khoai lang ở Tây Nguyên nhiễm chất da cam, đậu tương ở Nam Định có chất gây ung thư, xoài ở Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng túi bao trái của Đài Loan có chứa độc để bọc trái xoài khiến cho nhiều cá nhân, đơn vị, cơ quan liên quan đến các chuỗi sản xuất quản lý cung ứng sản phẩm bị ảnh hưởng không phải là hiếm. Những tin đồn thất thiệt này đã khiến nông dân điêu đứng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng nhưng lại chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Hiện nay, thực trạng về an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề chung của toàn xã hội thì tin đồn thất thiệt về “nông sản bẩn” càng khiến người nông dân thêm chồng chất khó khăn. Quan trọng nhất là nông dân cần tham gia sản xuất theo chuỗi, qua đó các sản phẩm sẽ được chứng nhận an toàn.
Làm thế nào để bảo vệ nông dân trước những tin đồn gây hoang mang dư luận, bảo vệ nông sản. Theo các chuyên gia, tin đồn thất thiệt gây tác hại với nhiều mức độ khác nhau và lan nhanh. Trước khi thông tin sự thật được làm sáng tỏ, người nông dân không có phương tiện hoặc cách thức nào khác ngoài sự nương cậy vào chính quyền và truyền thông. Trong đó truyền thông có trách nhiệm khá lớn để hạn chế những tin đồn thất thiệt. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của nông dân làm ăn chân chính. Khi có tin đồn, phải kịp thời có các bài viết, video clip phản bác lại những nghi ngờ do các thông tin xấu gây thiệt hại đối với nông sản chất lượng, hướng dư luận xã hội chú ý đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mạng xã hội càng phát triển mạnh, những thông tin thất thiệt, xấu độc càng có thêm không gian để phát triển và gây hệ lụy ngày càng lớn. Đối mặt với những tin đồn trên mạng xã hội, địa phương, doanh nghiệp hay mỗi nhà sản xuất cần chủ động tự vệ bằng cách minh bạch hóa thông tin. Các cơ quan truyền thông hỗ trợ với chiến lược truyền thông rõ ràng khi tin đồn xảy ra để giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, Luật An ninh mạng và các chế tài đi kèm cần được các cơ quan chuyên môn áp dụng với những chế tài nghiêm minh, xử lý những kẻ tung tin giả... Đây là những phần việc bức thiết nhất lúc này.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần có kiến thức, cẩn trọng khi mua hàng hóa. Lúc này, cụm từ “hãy là những người tiêu dùng thông thái” được phát huy nếu người tiêu dùng biết lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chất lượng.
HIỀN LƯƠNG