Đà Nẵng cuối tuần
Mỗi tên đường là một thông điệp về đất và người
Những ngày tháng ba tiết trời trong xanh, nắng vàng dịu nhẹ, như một thói quen, tôi lại dạo quanh một vòng phố phường Đà Nẵng để rồi bất chợt lòng lại thổn thức khi nhìn thấy những tên đường, tên người dẫu chưa từng gặp gỡ nhưng đã hằn sâu vào tâm thức nhiều người.
Khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 1 được đặt tên đường trên sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Ảnh: Đ.H.L |
Nhìn tên, nhớ người
Ai đó từng nói, đôi khi chỉ cần “nhìn tên thôi” đã “nhớ đến người". Như một phần ký ức nằm sẵn đâu đó trong não bộ, để chỉ nhác thấy tên đã có thể mường tượng khá đủ đầy về người đó. Việc triển khai đề án “Giới thiệu thông tin về tên đường qua mã QR trên địa bàn quận Sơn Trà”, có lẽ cũng bắt đầu từ ý nguyện lưu giữ phần ký ức thiêng liêng về các anh hùng dân tộc, các danh nhân, địa danh, sự kiện, di tích… có ý nghĩa cho thế hệ mai sau. Câu chuyện đặt tên đường và sau này có thêm sáng kiến là “chú thích” thông tin hay gắn mã QR để tiện tra cứu thông tin về tên đường, vì vậy, không quá mới nhưng vẫn luôn được đông đảo dư luận quan tâm.
Tại Đà Nẵng, Sơn Trà là quận đầu tiên triển khai áp dụng mô hình giới thiệu thông tin về tên đường qua mã QR. Các tuyến đường được lựa chọn đầu tiên là những tuyến đường rộng, đẹp, mang tên những danh nhân, tướng lĩnh tài ba của dân tộc, đã gắn liền với tâm thức của người Việt như: đường Võ Nguyên Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đầu tiên và Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam), đường Võ Văn Kiệt (nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có công lớn trong hành trình đổi mới đất nước), đường Nguyễn Văn Thoại (hay Thoại Ngọc Hầu, một tướng lĩnh và danh thần tiêu biểu thời nhà Nguyễn)… Từ lúc những tuyến đường lớn, nhỏ trên địa bàn được lắp đặt bảng quét mã QR, nhiều người dân quận Sơn Trà cũng tích cực hơn trong việc quảng bá về lịch sử, địa danh của đất nước.
Làm bảo vệ tại quán The Cups Cofee (ngay đoạn nối giữa đường Nguyễn Văn Thoại với Trần Bạch Đằng) ông Tân Ngọc Dũng cho biết, khách du lịch nước ngoài là những người thường sử dụng công cụ quét mã QR để tìm kiếm thông tin về tên đường do tâm lý muốn tìm hiểu về vùng đất, con người Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung. Còn dân ta thì muốn trải nghiệm ứng dụng công nghệ mới dẫu rằng, “dân ta vẫn luôn biết sử ta”. “Từ lúc quận lắp đặt những tấm bảng QR này, tôi thấy phấn khởi lây. Thành phố du lịch nổi tiếng phải đưa công cụ hiện đại vào phục vụ du khách rứa mới được”, ông Dũng hào hứng nói.
Ông Cao Hoàng Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà cho biết, những bảng thông tin QR Code đầu tiên được lắp đặt vào năm 2011 ở 30 tuyến đường lớn nhỏ với 111 trụ bảng tên đường. Về mẫu mã, bảng thông tin QR Code được làm từ chất liệu thép mạ kẽm dày 1,2mm, kích thước: 18cm x12cm, dán decal phản quang màu xanh dương, chữ trắng có cả tiếng Việt và tiếng Anh, kết nối bằng bộ cùm thép, lắp dựng cách mép dưới bảng tên đường 20cm dễ dàng quan sát, quét mã và thuận tiện cho việc bảo trì, sửa chữa nếu bị hư hỏng. Cũng trong năm này, quận xây dựng cơ sở dữ liệu về tên đường, nêu bật vai trò, tiểu sử của các danh nhân văn hóa tên đường, các địa danh trên địa bàn quận, góp phần vào việc giúp người dân có thêm thông tin về các danh nhân văn hóa, lịch sử của dân tộc. Mỗi tên đường sẽ hiển thị địa điểm (nằm trên địa bàn phường nào), lý trình (điểm đầu và điểm cuối tiếp giáp với đường hoặc khu vực), chiều dài toàn tuyến, lộ giới đường (bề rộng lòng đường, vỉa hè 2 bên) và tiểu sử về nhân vật, địa danh. Dữ liệu sử dụng từ nguồn thông tin Nghị quyết của HĐND thành phố về đặt tên đường trên địa bàn để bảo đảm thông tin chính xác nhất.
Tiếp đó, đến năm 2022, quận triển khai lắp đặt thêm trụ bảng tên đường QR Code ở 44 tuyến đường. Đặc biệt, lần này, ngoài phần nội dung thông tin về tiểu sử tên đường còn tích hợp quảng bá các địa điểm du lịch: nhà hàng, khách sạn, các di tích lịch sử, văn hóa, cơ quan, công sở, công trình tín ngưỡng, tôn giáo… trên các tuyến đường bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Từ đó giúp du khách có thêm nguồn thông tin tham khảo khi đến du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà. Đến nay, trên địa bàn quận đã có 74 tuyến với 220 trụ bảng tên đường QR Code được lắp đặt. Bên cạnh đó, trong năm 2022 quận Sơn Trà triển khai gắn mã QR Code tại 71 công trình công cộng cơ quan công sở như: Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà, UBND 7 phường, trung tâm y tế quận và trạm y tế 7 phường, công an quận và 7 phường, tất cả các trường học trên địa bàn quận… góp phần tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu thêm thông tin khi đến làm việc.
Từ đầu năm 2023, UBND quận Sơn Trà tiếp tục giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp UBND các phường và các đơn vị liên quan khảo sát, thống kê và lắp đặt QR thông tin 200 kiệt gồm các nội dung: Tên kiệt, lộ giới, chiều dài, hạ tầng (kết cấu mặt đường, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng,…), số điện thoại đường dây nóng và chỉ tiêu xây dựng ở các kiệt, hẻm trên địa bàn quận. Điều này giúp người dân có thể tra cứu thông tin về tuyến kiệt mình đang sinh sống cũng như thuận tiện trong việc chủ động khi lập hồ sơ thiết kế để xin phép xây dựng nhà. “Việc triển khai đề án “Giới thiệu thông tin về tên đường qua mã QR trên địa bàn quận Sơn Trà” đã tạo thêm điểm nhấn du lịch, tạo bước đột phá trong việc quảng bá du lịch tại địa bàn quận, góp phần nâng cao chất lượng trong hoạt động du lịch địa phương, phù hợp xu hướng sử dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng mở để quảng bá du lịch”, ông Thắng thông tin thêm.
Để mới nhưng không lạ
Thành công bước đầu trong việc triển khai đề án “Giới thiệu thông tin về tên đường qua mã QR trên địa bàn quận Sơn Trà” là cơ sở để nhân rộng ra một số quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Nhất là trong xu thế nhu cầu thực tế của việc đặt tên đường trên địa bàn hiện nay rất nhiều, trong đó có những khu dân cư mới, khu vực dự báo trong tương lai theo hiện trạng điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố như huyện Hòa Vang.
Thông tin từ Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết, với mục đích phổ biển, quảng bá rộng rãi thông tin về tên đường Đà Nẵng, qua đó giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của địa phương nói riêng và đất nước nói chung, nhất là để những tên đường, tên người tuy “mới nhưng không lạ” đối với người dân, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì, phối hợp một số cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền về đặt, đổi tên đường ở nhiều hình thức: thực hiện đăng tải toàn bộ nội dung Đề án đặt tên đường đến người dân và du khách trên các phương tiện truyền thông như Cổng thông tin Điện tử thành phố, các website… đối với các tuyến đường đặt mới hằng năm nhằm mục đích vừa lấy ý kiến góp ý nội dung đề án, vừa để người dân hiểu rõ tên của các tuyến đường dự kiến đặt tên.
Trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin để phát huy hiệu quả của hoạt động này, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch) và các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm tuyên truyền, phổ biến thí điểm hơn 300 tên đường đã đặt tên trên địa bàn thành phố thông qua các kênh trực tuyến đối với các tuyến đường được đặt tên từ giai đoạn từ trước năm 1975 đến năm 2005 và tiếp tục cập nhật nội dung dữ liệu tên đường các giai đoạn tiếp theo.
Với mong muốn được tiếp cận và hiểu rõ hơn về việc thông tin về tên đường qua bảng QR Code, bà Nguyễn Thị Xuân (quản lý một nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp - Nguyễn Văn Thoại) cho rằng, thời gian tới, ngành chức năng cần kết hợp tuyên truyền rộng rãi hơn như thông qua các buổi họp tổ dân phố, hoặc hướng dẫn trực tiếp... để người dân nắm được thông tin khi áp dụng triển khai ứng dụng mới này.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin song song với đặt tên đường không chỉ góp phần tuyên truyền rộng rãi nội dung, kiến thức về lịch sử và con người Việt Nam đến người dân và du khách mà còn góp phần làm đẹp diện mạo và tăng tính tiện ích cho ngành kinh tế mũi nhọn du lịch - dịch vụ.
“Trong năm 2022, HĐND thành phố thông qua việc đặt 102 tên đường trên cơ sở tờ trình đề xuất của UBND thành phố. Trước đó, Ban Văn hóa - Xã hội tiến hành thẩm tra và báo cáo HĐND. Hầu hết các tuyến đường được đề xuất đặt tên đều nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu tại các kỳ họp. So với việc đặt tên đường, việc đổi tên đường khá phức tạp vì liên quan đến giấy tờ của người dân như giấy sử dụng đất, giấy tờ kinh doanh… nên hạn chế đổi tên đường nếu không cần thiết. Tất cả các tên đường khi được đổi tên đều xuất phát từ người dân và có biên bản họp thống nhất cao thì các phường, xã mới trình lên quận, huyện và thành phố”. Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Đà Nẵng |
KHÁNH HÒA