Đà Nẵng cuối tuần

Tục khiêu ông bà của tộc Hà Đức làng Phong Ngũ

10:21, 09/04/2023 (GMT+7)

Nếu không được các bậc lão nho cắt nghĩa tận tường thì khó thể hình dung ra một tục lệ xa xưa có cái tên gọi rất chi là lạ lẫm như thế.

Xe hoa nghinh rước bài vị ông bà (ảnh trái) về nhà thờ tộc Hà Đức làng Phong Ngũ. Ảnh: H.S
Xe hoa nghinh rước bài vị ông bà (ảnh trái) về nhà thờ tộc Hà Đức làng Phong Ngũ. Ảnh: H.S

Làng Phong Ngũ, nay là khối phố Phong Ngũ, phường Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có một vị lão nho tên là Hà Cừ, năm nay 95 tuổi, nguyên Chủ tịch hội đồng gia tộc tộc Hà Đức. Cụ được các làng xóm, họ tộc quanh vùng nể trọng bởi tài viết văn tế bằng chữ Hán và dịch các sắc phong, văn bản cổ từ chữ Hán sáng chữ Quốc ngữ ít ai theo kịp.

Vị cao niên làng Phong Ngũ cho biết, theo phong tục người xưa để lại thì tại mỗi gia đình chỉ thờ cúng từ đời thứ năm trở xuống, gọi là “Ngũ đại đồng đường” (cụ nói theo người xưa là “Ngũ đợi đồng đường”). Năm đời gồm: Cha mẹ (Hiển khảo, Hiển tỷ - đời 2), Ông bà nội (Hiển tổ khảo, Hiển tổ tỷ - đời 3), Ông bà cố (Tằng tổ khảo, Tằng tổ tỷ - đời 4), Ông bà cao (Cao tổ khảo, Cao tổ tỷ - đời 5).

Từ đời thứ 6 trở lên gọi chung là tiên tổ, không cúng giỗ nữa mà nghinh rước bài vị các ngài về thờ chung ở một nhà thờ. Hình thức thờ chung một nhà thờ các cụ xưa gọi là hợp tự [合祀], trong đó hợp [合] nghĩa là góp lại, tự [祀] là chỗ thờ cúng. Ngoài ra, người xưa còn dùng một từ tương đương là khiêu [挑], nghĩa là gánh, khiêng (bằng vai). “Khiêu ông bà”, theo lời cụ Cừ, là hình thức đặt bài vị tiên linh các đời (đang thờ tại các gia đình) lên kiệu rồi nghinh rước (bằng cách khiêng) về thờ chung trong nhà thờ tộc hay nhà thờ từng chi nhánh.

Tìm hiểu về phong tục xưa, thấy Lễ rước Mục đồng làng Phong Lệ (nay thuộc thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) diễn ra vào ngày 2-4 âm lịch các năm Tý, Mẹo, Ngọ, Dậu cũng có hình thức trẻ chăn trâu (nhân vật chính của lễ rước) được khiêng bài vị Thần Nông từ cồn Thần ở phía tây của làng về đình Phong Lệ để làm lễ tế Thần Nông.

Trở lại với tục khiêu ông bà tộc Hà Đức làng Phong Ngũ. Cụ trưởng tộc Hà Diệt, 85 tuổi, cho biết, gia tộc quy định việc tổ chức nghinh khiêu ông bà để hợp tự thường được tổ chức mỗi 25 - 30 năm một lần. Năm 1992 (Nhâm Thân), hội đồng gia tộc tổ chức lễ tảo mộ và khiêu ông bà đời thứ 10 về từ đường. Đến nay, sau 31 năm, tộc sẽ tổ chức khiêu đời thứ 11 về từ đường gia tộc vào các ngày 8 và 9 tháng tư năm 2023 trên quy mô trong toàn tộc. Trước đó, lễ diễn ra ở các nhà thờ chi từ ngày 2-4-2023 và liên tục đến ngày 8-4-2023 sẽ làm lễ an vị tại từ đường gia tộc.

Theo quy định, người đứng khiêu là nội tôn cách 5 đời, cụ thể là đời thứ 14 khiêu đời thứ 10 và đời thứ 15 khiêu đời thứ 11. Công việc tổ chức khiêu rất công phu và quy mô. Từng chi nhánh, từng đầu ông thống kê danh sách ông bà được khiêu báo cáo về cho hội đồng gia tộc gồm ông bà, cả những người tùng tự, vô tự, hữu danh, vô danh và các bà tổ cô không có chồng… Trên cơ sở danh sách báo cáo, tộc in bài vị và phát lại cho từng chi nhánh để rà soát đối chiếu, bổ sung.

Để tiến hành nghinh rước bài vị, mỗi gia đình có thờ ông bà đời thứ 11 tổ chức khấn lễ trước khi nghinh bài vị về đầu nhánh của mình. Tiếp đó, chi sẽ tổ chức rước bài vị từ đầu nhánh về chi thực hiện cúng tế. Chi cũng thành lập một đoàn người gồm các đời thứ đến đầu nhánh rước về nhà thờ chi. Hình thức quy mô hơn, có xe hoa, kiệu hoa để đặt bài vị đi trước, đội nhạc cổ, chiêng trống kế tiếp. Sau đó là nội tôn đời thứ 15, mặc áo dài khăn đóng vàng, tiếp đến là các đời thứ 12, 13, 14, mỗi đời mỗi trang phục tháp tùng tuần tự nhánh này đến nhánh khác cho đến kết thúc và tổ chức cúng tế tại nhà thờ chi.

Sau cùng, tộc sẽ tổ chức rước bài vị từ nhà thờ chi về tộc. Sau khi các chi rước hết các bài vị về nhà thờ chi, tộc tiến hành tổ chức rước các bài vị về nhà thờ tộc và tổ chức cúng tế an vị trong thời gian một ngày. Hình thức cũng giống như chi rước từ các đầu nhánh nhưng đông đảo và quy mô hơn.

Kể từ đó, các vị được khiêu về nhà thờ tộc sẽ được chung hưởng các lễ tế do tộc quy định hằng năm gồm: Ngày giỗ tức ngày tế Xuân (ngày rằm tháng hai âm lịch), tế Thu (ngày rằm tháng tám âm lịch), Chạp mả (mồng Một tháng Chạp âm lịch). Ngày Tảo mộ được chọn trong tiết Thanh minh theo lệ năm một lần vào các năm tròn 2015, 2020, 2025... Các ngày lễ này được hội đồng gia tộc tổ chức theo nghi lễ truyền thống do các vị cao niên, trưởng tộc, trưởng phái làm chánh tế; chuẩn bị hậu cần theo điều kiện cụ thể từng dịp lễ và quy mô tổ chức.

Việc hợp tự, khiêu ông bà của tộc Hà Đức đã góp phần gắn kết con cháu các thế hệ. Từ năm 2016 đến nay, con cháu gia tộc đã tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình gia tộc như quy hoạch tổng thể khuôn viên nhà thờ tộc; lát gạch sân nhà thờ, xây dựng bình phong trước nhà thờ, nâng cấp mở rộng và lát gạch gốm lối đi từ cổng tam quan vào nhà thờ và xây dựng biển di tích lịch sử, trùng tu di tích mộ tiền hiền Hà Đức Ân.

Ngày 21-11-2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Mộ Tiền hiền Hà Đức Ân và Nhà thờ tộc Hà Đức làng Phong Ngũ; UBND thị xã Điện Bàn công nhận tộc Hà Đức đạt danh hiệu “Tộc Văn hóa”. Kết quả này có sự đóng góp của lễ Tảo mộ và nghinh chư vị tiên linh về thờ cúng tại từ đường của tộc Hà Đức - một mỹ tục bao đời nay của các họ tộc trong vùng cần được gìn giữ và phát huy.

HÀ SÁU

.