Đà Nẵng cuối tuần

Vườn rau xanh từ rác thải

12:19, 02/04/2023 (GMT+7)

Mong muốn giảm lượng rác thải ra môi trường và giúp người dân có ý thức phân loại rác, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) phối hợp tình nguyện viên dự án “Cộng đồng không rác” cải tạo khu đất tư nhân có diện tích 350m2 (đường Morrison, quận Sơn Trà) thành vườn rau xanh cộng đồng.

Các thành viên dự án “Cộng đồng không rác” hào hứng với vườn rau xanh từ rác thải. Ảnh: T.V
Các thành viên dự án “Cộng đồng không rác” hào hứng với vườn rau xanh từ rác thải. Ảnh: T.V

Vườn rau xanh thuộc dự án “Zero Waste Community - Cộng đồng không rác thải” được các thành viên triển khai đầu năm 2022, thu hút phần lớn học sinh, sinh viên tham gia. Chị Vũ Hồng Thanh, đồng sáng lập dự án “Cộng đồng không rác” chia sẻ, trước đây khu vườn này là khu đất tư nhân chưa dùng đến nên người dân vô tư xả rác gây ô nhiễm môi trường.

Nhận thấy điều này, các thành viên muốn làm điều gì đó để giữ gìn môi trường sống sạch đẹp. Ý tưởng xây dựng vườn công cộng ra đời, cả nhóm lên kế hoạch, tìm cách liên hệ chủ đất để mượn làm vườn và may mắn được đồng ý. Nhiều ngày liền, các thành viên cùng chung tay dọn dẹp, cắt cỏ, làm sạch đất và chia thành 3 khu vực trồng cây gồm: cây dược liệu (chanh, sả, ngải cứu, tía tô), hoa (cúc, vạn thọ) và khu trồng các loại rau màu (cải, cà chua, mồng tơi).

“Hơn 1 năm qua, đều đặn mỗi tuần 3 ngày theo quy định, các thành viên đến nhà dân xung quanh xin thu gom rác thải về phân loại và đem ủ phân bón cho cây. Mô hình rác hóa vườn xanh hiện có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Vì thế, tôi ấp ủ dự định xây dựng khu vườn mục đích hướng dẫn mọi người có thói quen thực hành lối sống không rác, cách phân loại rác tái chế, tái sử dụng, ủ rác hữu cơ làm phân compost... Điều này góp phần làm giảm số lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày”, chị Thanh bày tỏ.

Theo các thành viên trong dự án, vì mô hình này rất cần sự hỗ trợ của người dân, nên nhóm chia nhau đi vận động và giải thích cho người dân hiểu rằng việc phân loại rác có ý nghĩa như thế nào. Ban đầu chỉ có vài nhà hưởng ứng nhưng hiện tại con số tăng lên 30 hộ dân tham gia. Mỗi ngày, các thành viên xử lý tối đa 40kg rác hữu cơ và chia làm 4 loại gồm: rác tái chế giá trị cao (vỏ lon, chai nhựa, giấy cứng); nhựa giá trị thấp (bao bì, hộp xốp, vỏ hộp sữa), rác chôn và còn lại là rác hữu cơ.

Từ năm 2022 đến nay, dự án ủ được gần 11 tấn rác. Ngoài ra, hơn 600kg rác nhựa giá trị thấp được chuyển tới điểm thu gom để tái chế. Bạn Trần Thị Thu Hiền, thành viên dự án bộc bạch: “Ngoài giờ học trên trường, em và các bạn khá hào hứng tham gia những sự kiện cộng đồng, nhất là về rác thải để làm sạch môi trường. Tham gia hơn 1 năm, em học được cách phân loại rác và nhiều kiến thức, kỹ năng mềm khác. Em mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động và dự án thiết thực như thế này để mọi người cùng nhau tạo nên một môi trường đáng sống”.

Chị Huỳnh Bá Thảo Uyên (đường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Sơn Trà) cho hay: “Trước kia gia đình không có thói quen phân loại rác, nhưng thấy người hàng xóm tham gia nên tôi cũng xin đi cùng và dành thời gian phân loại rác, mang đến cho tình nguyện viên ủ phân bón cây. Mỗi chiều, tôi đến khu vườn để tưới nước, chăm sóc cây chung cùng mọi người. Việc làm này giúp lan tỏa tinh thần đoàn kết, vui vẻ và giúp cho mọi người có nhận thức xây dựng môi trường sống sạch đẹp hơn”.  

Ngoài sự chung sức của người lớn, nhiều thành viên nhí cũng tích cực tham gia. Điển hình như nhóm “Vỹ và những người bạn” gồm các bạn trẻ sống ở khu dân cư 56 (phường An Hải Bắc). Hằng ngày, nhóm của Nguyễn Quang Vỹ (lớp 6/12, Trường THCS Tây Sơn) chăm chỉ kêu gọi mọi người trong khu dân cư phân loại rác, hình thành lối sống không rác.

Vỹ cho hay: “Ông hút nhựa có thể mất 100 - 500 năm để phân hủy trong tự nhiên, vì vậy em và các bạn đã mua ống hút inox để dùng nhiều lần. Mỗi buổi chiều các thành viên trong nhón đi thu gom rác được phân loại từ gia đình và hàng xóm, sau đó mang đến khu vườn cộng đồng để các anh chị ủ phân compost. Dù mệt nhưng em và các bạn rất vui vì mình đã làm được việc tốt cho môi trường và khu phố”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, dự án của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường hướng tới xây dựng một cộng đồng không rác thải giúp người dân ý thức hơn trong việc phân loại rác hằng ngày. “Chúng tôi phối hợp và hỗ trợ dự án từ những ngày đầu. Đồng thời, yêu cầu trung tâm phải bảo đảm các quy định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và không thực hiện công việc khác ngoài quy mô, nội dung dự án được cho phép”, ông Việt nói.

Huỳnh Tường Vy

.