Đà Nẵng cuối tuần

Âm vang từ giếng Nhà Nhì

19:22, 27/05/2023 (GMT+7)

Ở khối phố Ngân Câu, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có một cái giếng đất đã được ghi vào trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đó là giếng Nhà Nhì, nơi diễn ra trận đánh không cân sức, song đầy mưu trí và lòng quả cảm của 7 trinh sát đặc công Tỉnh đội và các chiến sĩ địa phương với kẻ thù.

 Bia chiến công trận đánh tại giếng Nhà Nhì. Ảnh: THÁI MỸ
Bia chiến công trận đánh tại giếng Nhà Nhì. Ảnh: THÁI MỸ

Có lần trong ngôi nhà nhỏ của mình tại tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn (lúc ấy chưa tách xã và lên thị xã), ông Lê Tấn Viễn (Hiền) Đội trưởng đặc công của 7 dũng sĩ Điện Ngọc năm xưa đã kể cho tôi nghe khá chi tiết về trận đánh lịch sử này. Vết thương chiến tranh luôn đeo bám, hành hạ cơ thể đau đớn nhưng ông cảm thấy mình còn may mắn hơn đồng đội đã ngã xuống trong lửa đạn. Đôi mắt ông rưng rưng, nhòa nhạt theo ký ức bi hùng của tháng ngày chiến tranh ác liệt ấy… Đó là tháng 2-1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch đồng khởi tại vùng cát hai huyện Điện Bàn, Hòa Vang do các ông Trần Văn Đán, Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang và Nguyễn Chữ, Phó Bí thư Huyện ủy Điện Bàn trực tiếp chỉ đạo. Để hỗ trợ cho chiến dịch diệt ác, phá kiềm này, tối ngày 24-4-1962, từ vùng rừng núi huyện Hiên, Tỉnh đội Quảng Nam tăng cường về vùng cát một đội đặc công 7 chiến sĩ gồm: Lê Tấn Viễn, Đội trưởng; Võ Như Hưng (Võ Trước), Đội phó cùng các chiến sĩ Nguyễn Thật, Trần Thọ, Trần Nghĩa, Nguyễn Sĩ và Nguyễn Rìu. Nhiệm vụ của đội đặc công về xã Điện Ngọc (địch đặt tên xã Thanh Thủy) phối hợp với đội công tác vũ trang huyện Điện Bàn đóng tại Điện Ngọc lên kế hoạch tấn công bất ngờ vào các trụ sở của địch.

Tối ngày 25-4-1962, đội đặc công Tỉnh đội vượt sông về thôn Tứ Câu cùng với 4 người của đội vũ trang huyện do ông Võ Tiến (Thụ), Thường vụ Huyện ủy làm đội trưởng, đội viên gồm Đặng Xước, Lê Tựu và Đặng Bảo Chí, bàn mục tiêu tấn công vào các trụ sở hội đồng tề ngụy và bọn ác ôn hai xã Điện Ngọc (Điện Bàn), Hòa Hải (Hòa Vang) vào lúc 17 giờ ngày 26-4-1962. Song các trận đánh không thành bởi tối ngày 25-4-1962, trời trút cơn mưa rất lớn, cuộc hành quân bí mật của đội đặc công để lại một số dấu chân trên cát, vì vậy lãnh đạo xã Điện Ngọc nhanh chóng huy động các mẹ, các chị là cơ sở cách mạng giả vờ cắp rổ đi chợ sớm để xóa dấu vết.

Tuy nhiên việc làm này đã bị một số tên mật báo viên của địch phát hiện. Đúng 8 giờ sáng ngày 26-4-1962, quân địch từ các hướng Vĩnh Điện, Hội An ồ ạt kéo ra, lính biệt kích Nùng từ Non Nước, xã Hòa Hải kéo vào, tạo thành thế bao vây gọng kèm ba mũi giáp công với hơn 2.000 tên. Cánh quân hướng Vĩnh Điện do tên thiếu tá Trần Quốc Thái, Quận trưởng Điện Bàn chỉ huy, mũi biệt kích Nùng đóng tại Non Nước do tên đại úy Sáu hò hét. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa đội đặc công cùng với đội công tác huyện Điện Bàn bắt đầu diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt, khói lửa ngút ngàn, các đồng chí Nguyễn Sĩ, Trần Thọ hy sinh. Vừa đánh trả, vừa rút lui về các thôn Cẩm Sa, Quảng Hậu, xã Điện Nam để bảo tồn lực lượng nhưng tại đây cũng có địch bao vây nên phải lui về thôn Ngân Câu, xã Điện Ngọc. Đến 15 giờ cùng ngày, địch chia thành nhiều mũi xông lên, đội đặc công và đội công tác huyện Điện Bàn liên tục nổ súng phản kháng, đội viên Nguyễn Thật hy sinh.

Bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên, song địch cậy lực lượng đông, đa sắc lính, vũ khí được trang bị đầy đủ nên chúng vẫn ngoan cố tiến tới. Lúc này lực lượng chiến đấu của đội đặc công và huyện Điện Bàn chỉ còn 8 người. Trước hỏa lực rất mạnh của địch, lực lượng chiến đấu vừa bắn trả cầm cự để giữ chân địch, vừa lùi về một cái ao, đường kính chừng 6,6 mét, sâu 2 mét, đáy lấp xấp nước. Ao này là cái giếng cạn của bà Nhì, thôn Ngân Câu đào để lấy nước tưới hoa màu trong những ngày nắng hạn nên dân làng thường gọi giếng Nhà Nhì. Xung quanh giếng có nhiều bụi dứa dại um tùm che khuất nên địch khó biết quân số của ta ở trong giếng. Nhờ có giếng Nhà Nhì nấp để giảm bớt thương vong nên lực lượng của ta nổ súng đẩy lùi liên tục 6 đợt tấn công của địch. Khi mặt trời bắt đầu khuất sau dãy núi phía tây, 8 khẩu tiểu liên của các chiến sĩ đều hết đạn, chỉ còn 1 khẩu súng ngắn có tác dụng. Đội trưởng Lê Tấn Viễn ra lệnh cho Nguyễn Rìu bắn nhử địch, các đội viên còn lại bám vào bờ giếng để quan sát những quả lựu đạn M26 địch vừa ném tới thì chộp ngay để ném trả lại phía chúng. Với chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” này, lựu đạn của địch đã tiêu diệt bọn chúng cả chục tên.

Trời bắt đầu nhá nhem, lựu đạn địch ném tới giếng Nhà Nhì không thể quan sát được nữa nên lựu đạn đã nổ ngay trong lòng giếng làm các đồng chí Trần Nghĩa, Lê Tựu hy sinh, số còn lại đều bị thương. Trời tối hẳn, địch mò lên kéo xác đồng bọn, băng bó cho số bị thương. Tranh thủ thời gian này, Võ Như Hưng bị thương nhẹ hơn nên đã dìu Nguyễn Rìu, Võ Tiến dìu Lê Tấn Viễn thoát khỏi vòng vây của địch, được cơ sở bí mật đưa về nhà băng bó các vết thương rồi chuyển đến địa điểm an toàn. Riêng đồng chí Đặng Xước do đi nắm tình hình địch trước khi diễn ra trận đánh, bị địch bắn bị thương tại thôn Ngân Giang, sau đó chúng bắt giữ đưa về trụ sở tra tấn dã man và ngã xuống trước họng súng hung bạo của kẻ thù.

Trận đánh lẫy lừng tại giếng Nhà Nhì của 7 trinh sát đặc công Tỉnh đội Quảng Nam và đội công tác vũ trang huyện Điện Bàn đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, làm cho kẻ thù hoang mang, khiếp sợ. Ý chí chiến đấu và lòng quả cảm kiên cường của các chiến sĩ trong trận đánh này đã tạc vào trang sử vẻ vang của đất Quảng anh hùng. Với chiến công đó, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Dân tộc giải phóng khu Trung Trung bộ đã tặng thưởng danh hiệu vinh dự “Bảy dũng sĩ Điện Ngọc” và Huân chương giải phóng hạng Nhất. Ngày 31-8-1990, Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành Quyết định số 839/VH-QĐ xếp hạng giếng Nhà Nhì là di tích lịch sử cấp quốc gia.

THÁI MỸ

(Theo “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Điện Ngọc, giai đoạn 1930-1975” và “Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn, 1930-1975”, NXB Đà Nẵng 2003).

.