Đà Nẵng cuối tuần
Trở về tuổi thơ với "Lỗi tại cái đuôi diều"
Đến với văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, gần 20 năm qua, tác giả trẻ Cao Văn Quyền vẫn lặng lẽ viết và đều đặn xuất hiện trên các báo, tạp chí với giọng văn trong trẻo và gần gũi. Lỗi tại cái đuôi diều (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) là tập truyện ngắn đầu tay vừa mới xuất bản của anh, tái hiện một khung trời tuổi thơ mà tác giả đã dày công khắc họa suốt thời gian đi cùng chữ. Hơn 20 năm bén duyên với viết lách, tác giả có hàng trăm bài báo và truyện ngắn được in, đồng thời đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác “Những kỷ niệm thời đi học” của Báo Thiếu niên Tiền phong, giải Khuyến khích cuộc thi viết “Tìm kiếm tài năng viết truyện cho thiếu nhi”...
Cao Văn Quyền chạm ngõ truyện thiếu nhi dung dị và mộc mạc như vùng đất xứ Nghệ quê anh. Chịu thương, chịu khó nhưng vẫn giữ được trên môi tiếng cười và tình yêu cuộc sống tha thiết. Một khung trời tuổi thơ đáng yêu với những trò chơi quen thuộc như bắt cào cào, đi trộm ổi hay thả diều được tác giả tái hiện trong trẻo và thân quen. Tập truyện Lỗi tại cái đuôi diều xoay quanh những mẩu chuyện nhỏ của hai anh em song sinh Quyền, Lực, của con Mận, thằng Vũ trong không khí sinh hoạt miền quê trong sáng và thánh thiện với niềm vui, nỗi buồn, mơ mộng của tuổi ấu thơ.
Tác giả đã khéo léo đặt cạnh nhau những câu chuyện tuổi thơ mà độc giả có thể xâu chuỗi lại như một hành trình riêng của hai anh em sinh đôi nhưng trái tính nhau là Quyền và Lực. Nếu anh Quyền chịu đựng, bao dung vì trót lỡ làm anh, dù ra trước có năm phút ngắn ngủi. Thì nhóc Lực mê chơi, tinh nghịch suốt ngày bỏ đi đá banh dọc theo những con đê quanh làng. Những kỷ niệm cứ thế ùa về qua những lá thư tình ngây ngô hay lần tập bơi đầu tiên. Bằng giọng kể mộc mạc, bình dị như con sông uốn quanh làng, những tán cây ổi sum suê trái hiện lên thật hiền lành như một khung trời ký ức tuổi thơ được vẽ lại, sinh động và tràn ngập tiếng cười.
Thông qua tiết học làm “Chiếc rá thủ công”, tình bạn bè hiện lên thật đẹp khi cả lớp phải tự chẻ nan và đan rá cho riêng mình. Những đôi tay trẻ con vật lộn với môn lận rá và những tình huống cảm động khi bé Thương không có ai giúp sức vì mồ côi cha. “Sau buổi học hôm đó, thằng Tú đã quyết định tặng luôn cái rổ bự nhất của nó cho con Thương. Chúng tôi thì có một buổi về nhà con Thương chơi, tiện thể thăm ngoại nó, tặng ít đồ. Cô Trâm cũng như ba tôi nói, con người ta khi buồn nhất không phải là nghèo đói mà là khi không có bạn bè, người thân bên cạnh”.
Những câu chuyện của Cao Văn Quyền bao giờ cũng tự nhiên và tràn ngập tiếng cười yêu đời, vô lo. Như trong truyện Lỗi tại cái đuôi diều, anh làm sống lại ký ức của những năm tháng tập tành chẻ khung tre, cắt dán áo đẹp khoác cho diều. Tranh nhau xem cánh diều đứa nào làm no gió và bay cao nhất. Và lộ ra những “bí mật động trời” được dán lên con diều. “Nhưng nếu là một cái đuôi diều bình thường thì chẳng có gì để nói. Đằng này nó hiện ra bao con ngỗng to tướng của bài kiểm tra môn Toán mà tôi đã cố giấu ba từ trước đến giờ.”
Đọc truyện của Cao Văn Quyền mang lại cảm giác dễ chịu, thong dong như đang dạo bước giữa mùa xuân. Tác giả không dạy bảo đạo đức hay đưa ra những bài học mang tính áp đặt, không khai thác quá nhiều tính giáo dục mà anh chỉ ươm mầm cho những điều thiện. Tình huống truyện của anh lúc nào cũng gần gũi, nhẹ nhàng những đứa trẻ vừa đáng yêu vừa tinh nghịch trong thế giới rộn rã và không ngừng mơ ước. Có thể nghèo, có thể mồ côi hay ba mẹ đi làm xa, nhưng các em vẫn may mắn sống trong tình thương của bà, của bè bạn và thầy cô. Tấm lòng bao dung ấy chan hòa cả tập truyện, những đứa trẻ biết thương con chim bị nhốt, thương con Xám cụt đuôi tội nghiệp...
Với tình yêu văn chương và sự miệt mài học hỏi không ngừng, thiết nghĩ, để có thể trở thành một người kể chuyện cho thiếu nhi thú vị và tài hoa, tác giả cần chắp thêm đôi cánh của những mơ mộng và sáng tạo vào những câu chuyện. Để những tình huống truyện có thể bất ngờ hơn, ươm mầm một khu vườn văn chương của thiếu nhi say mê và lấp lánh những ước mơ nhưng vẫn khơi ngợi vô vàn những tinh tế đời sống hiện thực.
LÊ MÂY