Đà Nẵng cuối tuần

Chẩn đoán đúng mới chữa được bệnh

13:47, 21/05/2023 (GMT+7)

Không biết tự khi nào mà câu chuyện các loại phương tiện tham gia giao thông vi phạm tốc độ lại trở nên phổ biến như vậy. Rất dễ bắt gặp tình trạng các loại phương tiện chở khách, hàng hóa chạy quá tốc độ cho phép. Và hẳn nhiên, một khi vi phạm thì sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Không những vậy, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ nói chung và vi phạm lỗi tốc độ nói riêng đều theo hướng ngày một nặng hơn, nghiêm khắc hơn. Thế nhưng, vì sao tình trạng vi phạm lỗi tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông không những không giảm mà lại gia tăng như vậy?

Một dẫn chứng là mới đây, qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải thành phố cung cấp những con số đáng giật mình. Chỉ riêng trong tháng 4-2023, thành phố Đà Nẵng có 57 phương tiện nằm trong “danh sách đen” vi phạm lỗi tốc độ. Đặc biệt trong số này, có phương tiện trong một tháng đã vi phạm đến 149 lần. Số còn lại vi phạm ít hơn thì cũng ở mức từ 6 đến gần 140 lần. Đây là những con số được trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình được gắn trên chính các phương tiện trong quá trình lưu thông.

Một khi vi phạm, tài xế sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định, với số tiền bằng nhiều tháng lương của tài xế. Chưa hết, sau những vi phạm lỗi tốc độ như thế tài xế sẽ bị “treo vô lăng”, điều này đồng nghĩa với thất nghiệp trong một thời gian nhất định. Vậy thì cớ gì tài xế vẫn “nhắm mắt” vi phạm như vậy?

Thực ra thì đây là câu chuyện không hề mới, thậm chí là quá cũ, đã được nêu tên chỉ mặt trong suốt những năm qua tại các cuộc họp, hội nghị về an toàn giao thông trên toàn quốc chứ không riêng gì ở Đà Nẵng. Và nguyên nhân thì vẫn là: Tài xế xe khách luôn đối mặt với áp lực thường trực về thời gian. Theo quy định hiện nay tại các bến xe khách, dù phương tiện có đủ khách hay chưa nhưng cứ đúng giờ quy định là phải xuất bến. Thế nhưng một tình trạng khá phổ biến là xe xuất bến thường rất vắng khách, vì vậy, khi rời khỏi bến, tài xế phải quần đảo trên đường để đón thêm khách. Chính điều này khiến các phương tiện mất rất nhiều thời gian. Để bù lại thời gian này và để kịp về bến trả khách đúng thời gian thì các tài xế phải tăng tốc trên những đoạn đường vắng, bất chấp nguy hiểm cho hành khách, người đi đường và cả việc vi phạm lỗi tốc độ.

Trong khi đó, với các tài xế xe tải thì phải cố chạy thật nhanh để quay vòng tăng chuyến, tăng thu nhập. Đó là những lỗi chủ quan được xem như là căn bệnh mạn tính của các tài xế, tuy nhiên không ít trường hợp tài xế vô tình vi phạm do những bất cập về hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay. Việc biển báo giao thông bị che khuất bởi cây xanh, các công trình xây dựng, thậm chí là cả những trường hợp biển báo giao thông bị ngã đổ, hư hỏng... Việc phải lưu thông trên đường vào ban đêm, thời tiết nhiều sương mù hoặc mưa thì tài xế chỉ còn biết điều khiển tốc độ theo... kinh nghiệm. Thực trạng này, các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải cũng đã lên tiếng, thế nhưng thực tế thì việc khắc phục vẫn còn nhiều bất cập.

Đã tham gia giao thông thì bất luận thế nào tài xế phải chấp hành đúng luật, nhất là tuân thủ quy định về tốc độ. Đây là điều kiện tiên quyết không chỉ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông mà còn để bảo vệ sinh mệnh, tài sản của mọi người. Vì vậy để chữa tận gốc căn bệnh được xem như mạn tính hiện nay thì trước hết từ tài xế, chủ phương tiện, doanh nghiệp phải nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí là treo bằng, tước giấy phép kinh doanh.

Bên cạnh đó, rất cần các cơ quan chức năng rà soát lại hệ thống biển báo hiện nay, kịp thời sửa chữa những biển báo bị hư, bảo đảm tầm nhìn thuận lợi cho tài xế. Ngoài ra, đối với các tuyến xe cố định việc cấp giấy phép kinh doanh cần được xem xét trên nhu cầu thực tế, tránh tình trạng cung quá cầu dẫn đến tình trạng xe xuất bến luôn trong tình trạng “đói khách”. Song song đó cần hoàn chỉnh hệ thống xe công cộng đảm đương tốt chức năng vận chuyển khách về các bến, các điểm đón khách một cách thuận lợi, tránh tình trạng hành khách không vào bến mà đón xe dọc đường.

Đặc biệt thường xuyên kiểm tra việc lắp đặt, vận hành các thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện, bảo đảm những thiết bị này luôn trong tình trạng hoạt động tốt, cung cấp đầy đủ thông tin khi quá trình tài xế điều khiển phương tiện; tăng cường lắp đặt hệ thống camera giao thông trên các tuyến đường để răn đe cũng như cung cấp đầy đủ hình ảnh phương tiện vi phạm của tài xế để các cơ quan chức năng xử phạt.

Chỉ có chẩn đoán đúng nguyên nhân thì mới có thể kê toa chữa được căn bệnh chạy quá tốc độ như hiện nay. Còn chỉ dựa vào việc trích xuất dữ liệu và sự giám sát của lực lượng cảnh sát giao thông thì sẽ rất khó trị dứt điểm căn bệnh trầm kha như lâu nay.

BÙI THANH

.