Đà Nẵng cuối tuần
Nguyễn Duy Khoái và những ca khúc về miền Trung
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái - một trong những nhạc sĩ vinh dự được tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2022 với ca khúc “Đêm hội phố Hoài” cùng các ca khúc nổi tiếng về miền Trung - vừa có những chia sẻ với Đà Nẵng cuối tuần về tác phẩm của mình và những dự định trong tương lai.
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái. Ảnh: T.T.S |
* Được biết, bên cạnh nhạc sĩ Hoàng Bích và nhạc sĩ Phan Văn Minh, anh là một trong số ít tác giả lĩnh vực âm nhạc tại khu vực miền Trung được xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2022. Cảm tưởng của anh trước tin vui này là gì?
- Tôi vẫn thường nhủ mình: “Theo thời gian, mọi giải thưởng rồi cũng qua đi, chỉ có những tác phẩm xứng đáng là còn mãi”; nhưng khi nhận giấy báo được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước, tôi hạnh phúc vô cùng. Chặng đường sáng tác từ tuổi 18, qua hơn nửa thế kỷ, đã được ghi nhận. Trong niềm vui đó, tôi nhớ lại ngày đầu tiên, khi bắt đầu làm hồ sơ, thủ tục để đăng ký dự xét giải đợt này với nhiều khó khăn, nếu không có sự động viên, giúp đỡ của bạn bè, của các nhạc sĩ đi trước, có lẽ tôi đànhbỏ lỡ. Đặc biệt GS, nhạc sĩ Trần Thế Bảo đã hối thúc tôi bổ sung hồ sơ khi mới qua vòng chấm sơ khảo. Hai người bạn thân thiết là nhạc sĩ Phạm Quang Trung và Trương Duy Huyến đã luôn động viên, giúp đỡ tôi hoàn tất các thủ tục theo đúng quy chế xét giải. Tôi cũng biết ơn các miền quê mà tình đất, tình người đã cho tôi cảm xúc chân thành nhất để viết nên các bài ca...
* Là nhạc sĩ trải qua chặng đường sáng tác khá dài, từ phong trào học sinh, sinh viên yêu nước trước 1975, đến những sáng tác mang chủ đề xây dựng đất nước, tình ca quê hương, biển đảo..., anh có khá nhiều ca khúc nổi tiếng được khán giả cả nước yêu thích. Tuy nhiên, ở giải thưởng này, hội đồng xét giải đánh giá, ghi nhận nhiều hơn các ca khúc gắn liền các địa phương miền Trung (Huế, Hội An, Tây Nguyên)?
- Tôi có tác phẩm đầu tay ở tuổi 18 khi hoạt động trong Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, hát phổ biến lần đầu trong một đêm họp mặt bạn bè và các chị buôn bán nhỏ ở Đà Nẵng là ca khúc “Trong mưa bom mặt trời sẽ đến” (1971). Tháng 5-1972, phong trào Tổng đoàn bị khủng bố, hầu hết anh em đều vướng chốn lao tù hay thoát ly lên núi, tập thơ - văn - nhạc “Tiếng gọi học sinh” ấn hành trong giai đoạn đó bị tịch thu.
Trong tập này, có 1 ca khúc, 2 bài thơ, một bút ký của tôi sau này được in lại trong tập sách “Tiếng hát những người đi tới” (NXB Trẻ, 1990). Sau ngày 30-4-1975, cũng như bao người dân khao khát, yêu chuộng hòa bình, tôi hân hoan hòa nhập vào nhịp đời mới, tham gia mọi công tác, góp phần vào việc xóa vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước, tiếp tục viết và học tập nâng cao chuyên môn, gắng thể hiện bản sắc riêng cho ca khúc của mình.
Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành sáng tác, nhiều ca khúc của tôi viết về tình yêu, quê hương, biển đảo... đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và được ưa chuộng như: Khi trái tim vẫn hồng, Lời ru, Tìm trăng, Bâng khuâng Bà Nà, Bên sông Hàn, Đêm hội phố Hoài, Hồn đá quê tôi, Hướng về biển Đông, cả nước sẵn sàng...
Tuy nhiên, ở giải thương lần này, hội đồng xét giải đánh giá, ghi nhận nhiều hơn về các ca khúc gắn liền với các địa phương miền Trung, đó là: Đêm hội phố Hoài, Tương tư Huế, Bên dòng sông Dăk-bla. Mỗi hội đồng xét giải có lý lẽ riêng của họ. Dù sao, tôi cũng rất vui, bởi đó là những ca khúc tôi rất tâm đắc và được thử thách qua thời gian dài.
* Anh có thể chia sẻ cùng bạn đọc vài kỷ niệm về thời gian và hoàn cảnh ra đời những ca khúc nói trên?
- “Đêm hội phố Hoài” là ca khúc tôi viết về phố cổ Hội An đã khá lâu, sau khi phổ biến đã được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001. Trước thời điểm ấy, tôi thường đi thực tế ở các huyện miền núi Quảng Nam. Sau những chuyến đi như vậy, bao giờ tôi cũng trở về Hội An như tìm đến một chốn yên tĩnh để suy nghĩ về những gì mình đã viết và sẽ viết.
Vì thế, Hội An đối với tôi không chỉ là kỷ niệm, mà còn có tình cảm sâu đậm. Những con đường, dòng sông, phố chợ, những con người phố Hội, tình cảm chân tình của bạn bè để lại trong tôi dấu ấn không thể nào quên. Và trong một đêm trăng rằm, tôi lang thang trên những con đường nhỏ, loanh quanh trong phố xưa nhà cổ, sau khi dừng lại bên bến sông Hoài thì cảm xúc dâng trào, những giai điệu đầu tiên “Đêm hội phố Hoài” cất lên từ đó...
Huế là quê hương thời thơ ấu của tôi. “Tương tư Huế” đến với tôi sau những nỗi nhớ nhung, ấp ủ đã quá lâu và được hoàn thành một cách tự nhiên. Tác phẩm đoạt giải B Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khu vực Tây Bắc, năm 2016. “Bên dòng sông Dăk-bla” lại là một trường hợp khác, được viết năm 2013 bởi những cảm giác say đắm, choáng ngợp trước thiên nhiên hùng vĩ của Tây Nguyên (Giải A Liên hoan âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía nam 2014). Có lẽ, trong các bài “địa phương ca”, 3 ca khúc nói trên là được yêu thích nhất, được hát nhiều nhất.
* Anh có kế hoạch nào cho những dự án âm nhạc trong thời gian tới?
- Năm nay, tôi cố gắng làm mới mình, sáng tác theo những dự định đã sắp đặt từ trước. Trong lần sinh nhật năm 2023, tôi sẽ giữ đúng lời hứa với Cung Thiếu nhi Đà Nẵng và các bạn nhỏ khi sáng tác và thực hiện tập nhạc 12 bài hát thiếu nhi phổ nhạc từ truyện ngụ ngôn, cổ tích Việt Nam (trong đó, ca khúc phổ nhạc từ chuyện ngụ ngôn Trí khôn ta đây vừa được Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam ngày 1-12-2022).
* Một lần nữa xin chúc mừng nhạc sĩ và mong anh có thêm nhiều sáng tác thành công hơn nữa trong thời gian đến.
Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật diễn ra ngày 19-5-2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là giải thưởng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng những công trình văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, được xem là giải thưởng danh giá nhất hiện nay tại Việt Nam. Giải thưởng được xét và công bố 5 năm/lần. Kể từ lần đầu vào năm 1996, đến nay đã có sáu đợt trao giải thưởng. |
TRẦN TRUNG SÁNG