Đà Nẵng cuối tuần
Học thực chất để không bị AI thay thế
Thời gian qua, tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu AI có thay thế con người để trở thành lao động chủ lực. Từ đây, cũng để có cái nhìn đa chiều hơn trong việc lựa chọn ngành nghề, ý thức học tập để vừa tận dụng lợi thế mà AI mang lại, đồng thời, không bị đứng ngoài lề của xu thế.
Nhân viên làm việc tại Công ty Cổ phần VBPO. Ảnh: Đơn vị cung cấp |
AI thay đổi nhiều công việc
Để giúp tăng tính thẩm mỹ và chuyên nghiệp cho sản phẩm cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí, thời gian qua, Công ty Vicnguyendesign (quận Sơn Trà) thường xuyên ứng dụng phương pháp Midjourney, một hệ thống AI cho phép người dùng nhập vào ý tưởng cho bức tranh mình muốn vẽ ra để từ đó, máy tính sẽ thực hiện các thuật toán phức tạp và chuyển ý tưởng bằng văn bản thành bức tranh nghệ thuật độc đáo ở dạng kỹ thuật số.
Nhà thiết kế Vic Nguyễn, Giám đốc điều hành Công ty Vicnguyendesign cho biết, với khả năng tùy chỉnh linh hoạt, Midjourney có thể tạo ra các mô hình AI theo yêu cầu của khách hàng. Với phương pháp vẽ AI hiệu quả, Midjourney có thể tạo ra các mô hình AI với tốc độ nhanh hơn, đạt kết quả chính xác trong thời gian ngắn hơn, giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất. Câu chuyện của Vicnguyendesign là một ví dụ cho thấy vai trò của AI đối với quá trình sáng tạo, thực thi các ý tưởng sáng tạo. Nhờ AI, lao động ở lĩnh vực này có sự chủ động và độc lập hơn.
Tuy nhiên, chính vì AI mang lại hiệu quả cao trong công việc nên cũng tạo ra sức ép trong cuộc cạnh tranh đào tạo nguồn nhân lực. Giờ đây, người học cần không ngừng nâng cao khả năng tự học để trau dồi năng lực, đủ sức đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại số. Hầu hết các nhân viên của Vicnguyendesign đều tốt nghiệp từ các trường đào tạo về thiết kế, công nghệ thông tin. Ngoài kiến thức cơ bản được đào tạo trong nhà trường, trong quá trình làm việc, các nhân viên còn chủ động tiếp cận các xu thế chung trong lĩnh vực thiết kế, trong đó, có xu thế sử dụng ứng dụng của AI để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu suất làm việc của mình.
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) cho biết, hơn 70% quy trình sản xuất tại công ty đều áp dụng máy móc hiện đại, vì vậy công ty sử dụng lao động đã trải qua quá trình đào tạo bài bản về kỹ thuật; được tuyển chọn từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, ở các ngành nghề như kỹ sư cơ khí, kỹ sư tự động hóa... Trong quá trình hoạt động, để đáp ứng chiến lược kinh doanh của đơn vị, công ty lắp đặt, nâng cấp các ứng dụng, phiên bản AI mới vào một số dây chuyền sản xuất, đồng thời, tổ chức các lớp học hướng dẫn cho người lao động sử dụng các ứng dụng mới này. Bên cạnh đó, công tác đào tạo lại cũng luôn được quan tâm, hằng năm, công ty lựa chọn, cử những lao động chất lượng cao sang Nhật để đào tạo, nâng cao tay nghề.
Tham khảo ý kiến từ nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho thấy, sử dụng AI đang là xu hướng quan trọng, phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Sử dụng AI có thể giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và đạt được lợi ích cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp. Dự báo trong thời gian tới, AI sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các ngành nghề trong xã hội như âm nhạc và giải trí, dịch vụ khách hàng, công nghiệp sản xuất, giao thông vận tải, dịch vụ du lịch và khách sạn… Như vậy, có thể thấy trên thực tế, AI thay đổi nhiều công việc và quy trình làm việc. Các tác vụ có tính lặp lại, cơ bản hoặc dự đoán có thể được tự động hóa hoặc thực hiện bởi AI một cách hiệu quả.
Xu thế tất yếu
Các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp đều khẳng định, trong tương lai, sự tương tác giữa AI và con người sẽ tiếp tục phát triển. Đây là xu thế tất yếu, thế nhưng AI không thể thay thế con người. Vấn đề học tập, tiếp cận nội dung kiến thức nào cần thiết để không bị AI thay thế phụ thuộc vào yêu cầu của đơn vị chủ quản, đặc thù ngành nghề, đặc biệt, phụ thuộc vào người học. Người học cần có trách nhiệm với chuyện học của mình, cần xây dựng phương pháp học chủ động hơn, học tư duy, phản biện và giải quyết vấn.
Đặt vấn đề về việc ứng dụng AI vào hoạt động nghệ thuật sáng tác múa hiện nay, NSƯT Huỳnh Ngọc Kim, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa thành phố khẳng định, trong lĩnh vực múa, trí tuệ nhân tạo chỉ góp phần làm nên phần vỏ kỹ thuật như các thao tác về thiết kế hình ảnh, sân khấu, trang phục giúp người nghệ sĩ chứ không thể nào thay thế được phần linh hồn của một tác phẩm.
Đó là kinh nghiệm của cả quá trình tích lũy, rèn luyện, là ý tưởng sáng tạo của người biên đạo; khả năng cảm thụ âm nhạc, âm điệu, sự kết nối và hòa quyện giữa cảm xúc, ý tưởng của người sáng tạo với người nghệ sĩ múa tham gia biểu diễn. Sự tương tác này, giữa con người với con người mới đem lại những cảm xúc để tác phẩm đạt được sự sống động, thăng hoa thật sự chứ không phải là hình ảnh về một con robot biết múa.
Sử dụng AI hỗ trợ hiệu quả cho công việc nhưng nhà thiết kế Vic Nguyễn cũng nêu rõ quan điểm: “Lĩnh vực thiết kế kiến trúc - nội thất có những đặc điểm riêng, được xây dựng theo từng bước: từ ý tưởng sáng tạo, cảm xúc thiết kế lên bản vẽ, kết xuất hình ảnh... Đòi hỏi sự sáng tạo, sức lao động của con người. Chính vì vậy, đối với tôi, AI chỉ là một công cụ hỗ trợ tức thời để giúp kiến trúc sư, nhà thiết kế ghi lại ý tưởng chuyển đến hình ảnh nhanh nhất mà thôi”.
Sự phát triển AI trong thời gian qua đã tạo sức ép cắt giảm nhân sự ở một số ngành, nghề, lĩnh vực đồng thời, làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu trong tương lai, AI có thay đổi vai trò, vị trí và sức lao động của con người hay không? Để trả lời cho câu hỏi này, PGS.TS Trần Mạnh Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VBPO, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, người có nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực này cho rằng, tất cả các công cụ AI không được thiết kế để thay thế hoàn toàn vai trò của con người, mà thay vào đó, chúng chỉ là phương tiện để hỗ trợ và gia tăng khả năng làm việc của con người trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, ở những công việc đòi hỏi nhận thức, sự sáng tạo, khả năng tương tác và nhận thức xã hội sâu sắc hay những công việc đòi hỏi khả năng phân tích sâu, quyết định chiến lược, đổi mới sáng tạo, quản lý nguồn lực, tư duy đa chiều và lý thuyết, nhận thức văn hóa và đạo đức... Những kỹ năng này chỉ có ở con người, từ đó mới tạo nên xã hội hoàn thiện…
Điều này cũng để khẳng định rằng, người lao động, người đang trong quá trình học tập không nên quá lo lắng trước vấn đề AI sẽ thay thế sức lao động của con người ở các ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, công tác đào tạo ở trường học hay yêu cầu tự học, tự nâng cao năng lực của người lao động ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đòi hỏi phải chủ động đón đầu xu thế mới theo kịp đà phát triển chung.
KHÁNH HÒA