Đà Nẵng cuối tuần
Cổ thụ ngàn năm, những "chứng nhân" của trái đất
Ở một cánh rừng phía nam Chile, có một cây khổng lồ đã tồn tại suốt mấy ngàn năm và hiện đang trong quá trình xác minh để được công nhận là cổ thụ sống lâu nhất thế giới.
Nhà nghiên cứu Antonio Lara, nhà nghiên cứu tại ĐH Austral, đang xem xét cổ thụ 5.000 năm tuổi ở Chile. Ảnh: AFP |
Được biết tới với “nickname” là “ông cố” (Great Grandfather), thân cổ thụ có đường kính tới 4m, cao 28m. Với tuổi đời được ước tính lên tới 5.000 năm, người ta tin rằng trong cái cây này lưu giữ những thông tin khoa học có thể giúp làm sáng tỏ cách thức hành tinh của chúng ta thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cái cây kỳ lạ
Được đánh giá có tuổi đời tới hơn 5.000 năm, cổ thụ “ông cố” của Chile đang chuẩn bị phá kỷ lục của cây thông Methuselah 4.850 tuổi được tìm thấy ở California (Mỹ) hiện đang là cổ thụ lâu năm nhất thế giới.
“Đó là một sự trường tồn, không có cây nào khác có cơ hội sống lâu đến vậy”, ông Antonio Lara, nhà nghiên cứu tại Đại học Austral, làm việc tại trung tâm về khoa học khí hậu và bền vững của Chile, thành viên trong nhóm tính toán tuổi cây, nói với hãng tin AFP.
Cổ thụ này nằm trong khu rừng ở vùng Los Rios phía Nam Chile, cách thủ đô Santiago khoảng 800km về phía nam. Nó là một loại tùng la hán, loài cây bản địa ở phía Nam châu Mỹ. Thực tế trong những năm qua, tiếng tăm của “ông cố” đã vang xa và nhiều du khách từ khắp nơi đổ về đây, đi bộ cả giờ đồng hồ trong rừng để tới được tận nơi và chụp hình với nó.
Cũng vì danh tiếng ngày càng vang xa, cơ quan lâm nghiệp Chile phải tăng thêm số lượng kiểm lâm đồng thời hạn chế việc du khách đến gần cây để bảo vệ cổ thụ quý giá này. Trong khi đó, để so sánh, cho tới nay vị trí chính xác của cổ thụ Methuselah vẫn được giữ bí mật.
Cổ thụ “ông cố” thuộc một trong những loài cây có kích thước lớn nhất tại Nam Mỹ, chúng mọc bên cạnh những loài cây khác như coigue, thông tre và tepa… Trong suốt nhiều thế kỷ, loài cây có phần thân gỗ chắc nịch này đã được người bản địa khai thác gỗ làm nhà, đóng tàu và bị đốn hạ nhiều nhất trong hai thế kỷ 19 và 20.
Giới khoa học hứng thú
Người quản lý khu vực có cây cổ thụ này, ông Anibal Henriquez, đã phát hiện ra cổ thụ ngàn năm trong lúc đi thăm khu rừng năm 1972. Khoảng 16 năm sau đó, ông chết vì bệnh tim, cũng trong một lần cưỡi ngựa đi thăm khu rừng này.
“Ông ấy đã không muốn mọi người cũng như khách du lịch biết cái cây ở đâu vì ông hiểu nó rất quý giá”, bà Nancy Henriquez, con gái ông Anibal và hiện cũng là người tiếp tục công việc của cha làm quản lý khu rừng, nói với AFP về mong muốn của cha mình.
Một điều thú vị nữa là cháu trai ông Herique, anh Jonathan Barichivich, người từng được may mắn vui chơi trong cánh rừng suốt tuổi thơ, giờ cũng là một trong các nhà khoa học nghiên cứu về các loài.
Năm 2020, hai nhà nghiên cứu Barichivich và Lara đã cố gắng dùng một mũi khoan thủ công dài nhất có được vào thời điểm đó để lấy mẫu từ thân cổ thụ nghiên cứu, nhưng họ đã không thể xuyên vào được tới phần lõi thân cây. Họ ước tính mẫu thu được có tuổi đời 2.400 tuổi và dùng một mô hình ước tính để tính toán ra tuổi thực của cổ thụ.
Anh Barichivich cho biết “80% trong số những ước tính khả thi cho thấy cái cây có tuổi đời 5.000 năm”. Anh hy vọng sẽ sớm công bố các kết quả đó. Nghiên cứu đã xới lên sự hứng thú trong cộng đồng khoa học, bởi ngành nghiên cứu tuổi cây sử dụng phương pháp tính niên đại qua các vòng tuổi khi chúng được hình thành thường giảm độ chính xác ở những cây lâu năm do nhiều cây đã bị ruỗng mục phần lõi.
Dù vậy, nghiên cứu này không phải nhằm để giành chiến thắng trong cuộc đua lập kỷ lục Guiness thế giới, vì cổ thụ “ông cố” còn là một kho lưu giữ những thông tin quý giá về thế giới tự nhiên, cũng như sự thích ứng của cây cối qua bao thăng trầm của thời gian. “Có nhiều lý do khác mang lại giá trị và ý nghĩa cho cái cây này cũng như lý do vì sao cần bảo vệ nó”, ông Lara nói.
Trên thế giới có rất ít những cây tồn tại hàng ngàn năm như thế. “Các cổ thụ luôn có các gene và có một lịch sử rất đặc biệt vì chúng là biểu tượng của sự kiên cường và thích ứng. Chúng là những vận động viên xuất sắc nhất của thiên nhiên”, ông Barichivich nói.
“Chúng giống như một cuốn sách đang mở, và chúng tôi như những độc giả đang đọc từng vòng tuổi của chúng”, bà Carmen Gloria Rodriguerz, trợ lý nghiên cứu tại phòng thí nghiệm về nghiên cứu tuổi cây và biến đổi toàn cầu tại ĐH Austral chia sẻ.
Và trong “cuốn sách” đó, có những “trang” cho chúng ta biết năm nào khô hạn hay mưa nhiều tùy vào độ rộng của vòng tuổi trên thân cây. Thú vị hơn khi các vụ cháy rừng và các trận động đất cũng đã được “ghi lại” trong những vòng tuổi này, trong đó có cả cơn địa chấn mạnh nhất trong lịch sử đã xảy ra tại khu vực đó vào năm 1960.
Cổ thụ “ông cố” cũng được xem như một vật lưu giữ thời gian có thể mở ra cánh cửa nhìn vào quá khứ. “Nếu những cái cây này biến mất, nó cũng xóa đi luôn một điều quan trọng cho thấy cách cuộc sống đã thích ứng với những thay đổi trên hành tinh này như thế nào”, ông Barichivich nói.
TRẦN ĐẮC LUÂN