Đà Nẵng cuối tuần
Vang vọng tiếng thơ giữa lòng người
“Lấy gì lấp vào khoảng trống anh vừa bỏ đi xa”. Với cố thi sĩ Nguyễn Tịnh Đông, để điền vào, lấp vào khoảng trống vắng linh thiêng thi sĩ vừa bỏ đi xa, có lẽ không lấy gì khác hơn là thơ của thi sĩ: “Giả như quán lạnh nguôi sầu xứ/ Thôi hãy ngồi đây đến rạng ngày”. Bây giờ thì vẫn quán ấy, vẫn ghế ấy, nhưng người thì chỉ là một quãng vắng mênh mông!
Tập thơ "Trên đường về quê mưa" và "Từ bước chân ra" của cố thi sĩ Nguyễn Tịnh Đông. Ảnh: N.N.T |
Quãng vắng ấy càng im lặng bao nhiêu thì tiếng thơ Nguyễn Tịnh Đông càng tỏ bấy nhiêu. Chỉ là liên tưởng thôi, tôi nhớ cố thi sĩ Lưu Quang Vũ cũng từng chứng ngộ cái quãng vắng linh thiêng như thế: “Bước chân xưa chờ thanh vắng trở về”!
Đưa tiễn hoài nên không cố nhân
Đường xa quán nhỏ rượu riêng mình
Hồn ta biển động quan san gió
Mà có ai về trong khói xanh
(Hành ca)
Nhà thơ Nguyễn Tịnh Đông tên thật là Nguyễn Kim. Anh sinh ra tại làng Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đai Lộc, tỉnh Quảng Nam. Trong thơ Nguyễn Tịnh Đông anh còn nhắc đến một địa danh nữa; tuy không phải tên một đơn vị hành chính cấp thôn, xã nhưng cái tên làng Hà Tân ấy từ buổi xa xưa tiền nhân mở đất lập làng cho đến giờ, tôi ngờ rằng giờ đây đã hòa tan trong từng giọt huyết thanh để nuôi dưỡng linh hồn thi sĩ. Hà Tân trong máu huyết nhà thơ Nguyễn Tịnh Đông thể hiện qua thơ không phải là một quê quán siêu hình, mà cụ thể hình sông thế núi: “Mưa rây sông Cái sông Con/ Và bờ gai thép quấn tròn quận tôi” (Hà Tân).
Cũng như nhiều thanh-thiếu niên học sinh, sinh viên giữa thời chiến tranh khốc liệt, cái “quận tôi” mà nhà thơ viết ra “thép gai quấn tròn” ấy cứ như nỗi niềm vây khốn mọi ước mơ và khát vọng. Nhưng nó lại có khả năng kích thích tâm hồn như anh vượt thoát dấn thân. Có lẽ bắt nguồn từ đấy, cái chất thi sĩ trong nội tại luôn trạng huống không bình yên; luôn quẫy cựa đã thôi thúc nhà thơ giã từ thế giới vòng nôi quê nhà để bắt đầu cho những cuộc phiêu lưu.
Cũng từ đây, thơ Nguyễn Tịnh Đông in đầy dấu vết địa danh: Mưa Ninh Chữ: Qua Cù Mông nhớ nhà; An Khê lộ tuyệt; Chạy về Phan Rang; Blao; Đoãn khúc sông Ba; Dưới chân Lai Sứ Sơn... cho đến Nghĩ Sài Gòn... Những con đường dài ra mỗi ngày cùng với thi ca Nguyên Tịnh Đông tưởng chừng bất tận.
Đốt mãi đêm dài đêm vẫn xanh
Rưng rưng thương nhớ vọng kinh thành
Hắt hiu mưa trải lòng trên mái
Gió bụi chùng phai áo viễn hành
(Hành ca)
Dường như bi kịch chiến tranh và thiên tai liên tục tàn phá vùng đất nghèo miền Trung, ví như những trận bão lụt kinh hoàng năm Giáp Thìn (1964). Càng khổ đau, chất chứa bao nhiêu là bấy nhiêu tiếng kêu rạn vỡ, trầm thống âm ỉ trong tái tim thi sĩ. Tình yêu, thân phận, quê hương... những cảm xúc đánh thức mọi niềm ưu tư để từ đấy sinh khai ra những tác phẩm.
Cũng như nhiều nhà thơ đất Quảng đồng thời như: Hoàng Lộc, Hạ Đình Thao, Uyên Hà, Đynh Trầm Ca, Luân Hoán, Thành Tôn... Nguyễn Tịnh Đông hiện diện trên văn đàn đất Quảng, hay đúng hơn là cả miền Nam vào một thời thể mà mỗi cá nhân tự đắp cho mình một ngọn thi sơn tự xác lập vị thế nhà thơ ở giữa đời.
Tôi tin điều xác lập ấy và còn hơn thế nữa, khi giờ đây nghe tin nhà thơ Nguyễn Tịnh Đông vừa nằm xuống; các nhà thơ nhà văn bạn bè cùng thời với anh, độc giả yêu thơ anh, chừng như tất cả đều ngậm ngùi ngâm tràn bài thương nhớ - bài thơ có cái tiêu đề không lẫn vào đâu được: Thất thổ - Nó như một niềm ưu tư triền miên của thi sĩ đã đắp nên đỉnh của mọi đỉnh thơ Nguyễn Tịnh Đông vang vọng giữa lòng người.
Bạn quý đến từ nơi đất quý
Đất ta còn lưu lụy trăm năm
Không như cõi trú này đơn bạc
Gió thu đông lạnh chỗ ta nằm
Mười năm lỡ đóng vai phiêu lãng
Làm tên bất sá giữa sông hồ
Cơm chợ cầm hơi sầu đã chán
Chút lòng thơ dại muối thân tro
Mà có nghe chi lời gió bụi
Đâu mê tráng sĩ đốt thư phòng
Cũng không giũ áo quên tình phụ
Bỗng thành người thất thổ long đong!
Còn đâu tóc lúa thời con gái
Mờ mịt bên trời mưa bão bay
Giả như quán lạnh nguôi sầu xứ
Thôi hãy ngồi đây đến rạng ngày
Đưa bạn ra xe đường đèn mờ
Hình như ta khóc cố hương ơi
Lại thêm một đứa ra phiêu dạt
Sông nhỏ rồi đau phận bể khơi
Quê nhà dẫu phụ người trôi nổi
Đâu chết trong ta chuyện trở về
Dẫu giết lần hồi tim lữ thứ
Vẫn còn mong mỏi đến điên mê
Đêm nay trăng lạnh ngời bên núi
Ta vẫn ngồi đây ngóng cuối trời
Bạn có mang lòng ta đến đó
Uống dùm cốc rượu tiễn khuya vơi.
Dằng dặc hơn 80 năm cuộc đời, Nguyễn Tịnh Đông để lại sự nghiệp thơ vẻn vẹn chỉ có 2 tập “Từ bước chân ra” (NXB Đà Nẵng, 1993) và “Trên đường về quê mưa” (NXB Đà Nẵng, 2018). Nhưng trong thơ, con số chưa là kết cuộc, mà công chúng và thời gian mới là người thẩm định giá trị về sự tồn tại của nó. Với tôi, gam màu vừa huyền ảo nhuốm màu cổ phong cùng sự hào sảng trong ngôn từ thơ Nguyễn Tịnh Đông, giờ đây tuy chưa toàn thể, nhưng nó cũng gióng lên một thứ thanh âm có sức vang hưởng làm xao xuyến lòng người. Thơ ấy cùng với sông trôi, mây núi chập chùng tạo dựng thành âm vang hoài cảm trong lòng tôi, trong lòng em hằng cửu một quê nhà.
Nhà thơ Nguyễn Tịnh Đông tên thật Nguyễn Kim, sinh năm 1941 tại thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, tỉnh Quảng Nam. Ông là cựu sinh viên Văn khoa (Ban Hán văn), Đại học Huế. Do bệnh tình và tuổi cao, nhà thơ qua đời lúc 0 giờ 40 ngày 25-4 tại Thành phố Hồ Chí Minh. |
NGUYỄN NHÃ TIÊN