Đà Nẵng cuối tuần

Hồi ức thời hoa lửa

18:08, 06/05/2023 (GMT+7)

Rời chiến trường trở về giảng đường đại học sau ngày giải phóng đất nước, bố tôi mang theo những thương tật sau các trận đánh, mang theo làn da ám đầy khói lửa chiến tranh và cả những ký ức hào hùng về một thời không thể nào quên. Để rồi đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn được nghe kể về ngày ấy một cách tường tận, chi tiết như thể đang xem một cuốn phim chiếu chậm với hình ảnh, âm thanh sống động. Tưởng như với tất cả sự khốc liệt, dữ dội của bom đạn, sự tàn bạo của kẻ thù, mỗi khi nhắc đến, bố tôi phải cảm thấy đôi chút sợ hãi, ám ảnh. Nhưng không, trong mỗi câu chuyện kể, trong từng lời nói, trong từng ánh mắt của bố đều ánh lên niềm tự hào, kiêu hãnh của anh bộ đội Cụ Hồ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông kể về những đêm trực chiến thực hiện nhiệm vụ “đón lõng” máy bay cường kích “Thần sấm” của Mỹ, về những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của người lính tên lửa, về lòng dũng cảm, mưu trí của người chỉ huy và kinh nghiệm, sự điêu luyện của cả kíp trắc thủ. Ông kể về những ngày tháng bầu trời liên tục đỏ rực khi quân địch mở những đợt tổng tiến công bằng không quân, máy bay cứ rầm rập, loa phát thanh liên tục báo máy bay Mỹ còn cách địa phận bao nhiêu km để nhân dân xuống hầm sơ tán, tiếng còi báo động vang vọng khắp nơi.

Lúc đó, mặc dù trong xe chỉ huy rất nóng và ồn, tiếng ra lệnh, tiếng báo cáo, tiếng loa chỉ huy xen lẫn cùng tiếng ì ầm của hệ thống quạt thông gió... nhưng các trắc thủ vẫn rất tập trung, theo dõi kỹ tình hình để hành động nhịp nhàng, chính xác và tuyệt đối không để xảy ra sai sót, dù là rất nhỏ. Mỗi khi chấm sáng tín hiệu máy bay của địch vụt tắt trên bầu trời cũng là lúc các trắc thủ ôm nhau cười, rồi khóc, những giọt nước mắt sung sướng, tâm trạng mỗi người đều lâng lâng trong niềm vui chiến thắng.

Có những trận đánh đã cướp đi sinh mạng của biết bao đồng đội ngay trước mắt ông. Chứng kiến những người bạn cùng ăn, cùng ngủ, cùng chiến đấu đã ngã xuống - ông và các trắc thủ càng nêu cao quyết tâm phải bắn rơi tại chỗ thật nhiều máy bay địch, đó không chỉ là mục tiêu, mà còn để thực hiện tâm nguyện đòi lại phần nào công bằng cho những đồng đội, đồng bào đã bị quân địch sát hại. Cho đến hôm nay, mỗi khi trở trời, những di chứng từ một lần bị bom đạn của địch hất tung khỏi trận địa vẫn hành hạ ông, như nhắc nhớ về một thời hoa lửa nhiều đau thương, mất mát nhưng cũng thật hào hùng, anh dũng.

Bất giác tôi hỏi, có lúc nào bố thấy sợ không?. Ông bảo có chứ, đối diện với nòng súng của kẻ thù độc ác, đi dưới làn mưa bom đạn dội, ai cũng sợ hãi, cũng cảm thấy cái chết như rất gần. Nhưng rồi họ vẫn đặt lợi ích của dân tộc lên trên sự sống của bản thân để sẵn sàng chiến đấu với tinh thần quả cảm nhất, bởi trước hết đó là trách nhiệm với đơn vị, với nhân dân, và cao hơn nữa là trách nhiệm với Tổ quốc. Thế mới biết, hòa bình, độc lập mà chúng ta đang có đã phải đánh đổi bằng biết bao hy sinh, máu xương của các thế hệ đi trước.

Tôi lại hỏi, nếu thời gian quay ngược trở lại, liệu bố có đi tiếp con đường đã chọn không?. Ông mỉm cười, khi đất nước bị xâm lăng, khi tính mạng những người thân yêu nhất rơi vào tình cảnh nguy hại, ai rồi cũng sẽ lựa chọn cầm súng ra trận và chiến đấu. Tôi nghĩ có lẽ giờ đây, chính những hồi ức về thời hoa lửa đó đã và đang trở thành động lực, tiếp sức cho những cựu chiến binh như bố tôi vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách khi trở về với cuộc sống thường nhật; bởi họ hiểu hơn ai hết, được sống trong an vui, hòa bình và độc lập là điều đáng trân trọng đối với mỗi người - là “hạnh phúc đơn sơ” nhưng giá trị nhất - như nhà thơ Tố Hữu khẳng định trong “Bài ca mùa xuân 1961”: “Thêm một ngày xuân đến/ Bình minh/ Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh/ Như hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ/ Treo trước mắt của loài người ta đó/ Hòa bình/ Ấm no/ Cho/ Con người/ Sung sướng/ Tự do!”

ĐỖ LAN HƯƠNG

.