Đà Nẵng cuối tuần
Đất ba châu
* Tại sao người dân thường gọi đất màu nơi ven sông là đất ba châu? (Vân Thu, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
- Trong chữ Hán, có một chữ “châu” viết là 州, được Từ điển Hán Việt trích dẫn giảng: (Danh từ) Cồn đất giữa nước, bãi cù lao. Cũng như “châu” 洲; Từ điển Trần Văn Chánh giảng: Cồn, bãi, cù lao (giữa sông).
Theo nghĩa này, một số tài liệu xưa gọi vùng bãi bồi nằm ven sông hay nằm giữa các con sông là đất ba châu. Vùng Gò Nổi (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có ba xã tọa lạc trên một cù lao được tạo nên bởi 2 nhánh sông Thu Bồn là Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong. Tộc Nguyễn Đình xứ Na Kham, xã Điện Quang, trong phần nói về nguồn gốc và sự phát triển gia tộc trên trang tocnguyendinhnakham.com có đoạn chép về xứ đất này như sau: “Đất thổ cư và đất canh tác xen kẽ nhau, không có ranh giới riêng biệt, toàn đất ba châu, không có ruộng nước và công điền (đất ba châu có thể sang nhượng cho nhau do xã trực tiếp quản lý, đóng thuế cao hơn bằng tiền hay đặc sản; đất công điền không được mua bán do Nhà nước trực tiếp quản lý, nộp thuế bằng thóc hoặc tiền)”.
Gia phả tộc Ngô Văn (ngotoc.vn) làng Ái Nghĩa, nay thuộc thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cũng có chép về đất ba châu.
Vùng đất ba châu thôn Mỹ Phiếm (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chuyên trồng cây thuốc lá. Ảnh: V.T.L |
Theo đó, Thủy tổ tộc Ngô Văn làng Ái Nghĩa ngày trước sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Luân, phủ Điện Bàn. Về sau, phủ Điện Bàn dân cư đông đúc, các vùng đất đai tươi tốt, màu mỡ phù sa đã được khai phá gần hết. Khoảng năm 1770, ông đưa gia đình theo đoàn người ngược lên thượng nguồn Vu Gia đi khai hoang lập ấp. Ông và một đồng hương họ Đỗ phát hiện ra một vùng đất ba châu màu mỡ phù sa, thế đất bằng phẳng, nằm giữa 2 con sông lớn của Quảng Nam (Vu Gia và Thu Bồn) nên quyết định chọn nơi này làm nơi sinh sống và bắt đầu khai phá, mở đồng lập ấp, đặt tên là Nà Nổ xứ (sau này gọi là Ấp Ba, làng Ái Nghĩa).
Ở Đại Lộc, xã Đại Cường là vùng đất ba châu được bao bọc bởi 3 con sông Vu Gia, Quảng Huế và Thu Bồn. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với Lễ hội Bà Phường Chào diễn ra tại thôn Mỹ Phiếm vào 25-2 âm lịch hằng năm mà còn là vùng đất chuyên trồng cây thuốc lá.
Đất ba châu còn được các tác giả người Đại Lộc ngày nay nhắc đến trong bài viết của mình.
Nguyễn Nhã Tiên viết trong bài “Chèo ghe bẻ bắp bên sông...” đăng trên Báo Quảng Nam ngày 13-12-2020: “Tôi vốn sinh ra trên một vùng đất ba châu quanh năm tươi tốt cây trái hoa màu. (…) Những gành bãi, cồn cao, nà thấp trải dọc theo đôi bờ của hai con sông Thu Bồn và Vu Gia, hễ vào mùa xuân là mọi người đi ngang qua đều tận mắt nhìn thấy cả triều biển các loại cây trồng: thuốc lá, dưa hồng (dưa hấu), đậu phụng, bạc hà, cây dâu (nuôi tằm)... đua nhau nõn mượt, xanh bạt ngàn tưởng như giáp đến tận chân trời. Chính các giống loài cây trái này đã làm nên tên tuổi người dân đất ba châu một thời nức tiếng làm giàu”.
Nguyễn Hải Triều viết trong bài “Bãi biền quê” xứ đăng trên Báo Công an Đà Nẵng ngày 27-11-2021: “Lúc biền bãi dọc hai bờ sông Vu Gia vừa khô mặt lớp bùn non của trận lụt cuối cùng trong năm, mặt đất lú nhú mầm cỏ và những cội dâu già, không gian thoang thoảng mùi cỏ mục ngai ngái quyện gió đồng... thì làng tôi cũng bắt đầu vào mùa gieo cải, trồng thuốc lá, ớt, đậu… trên bãi biền ba châu se sắt gió. (…) Đại Hồng là đất ba châu, xứ sở của bắp, dâu, mè, ớt. Người ta bảo rằng con gái ba châu đẹp, có nước da trắng hồng vì chỉ lao động trên đất màu chứ không làm ruộng phải lội sình lầy lấm láp, quả không sai”.
ĐNCT