Đà Nẵng cuối tuần
Nuôi dưỡng tình yêu sách
Từ tình yêu với sách, nhiều CLB, đội nhóm đã kết nối, chia sẻ sở thích, thói quen đọc sách nhằm tìm kiếm bạn đồng hành và lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người.
Nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố khuyến khích sinh viên đến thư viện đọc sách. TRONG ẢNH: Sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng đến thư viện đọc sách. Ảnh: H.L |
Hướng tới cộng đồng đọc sách
Sau gần 4 tháng gián đoạn, CLB Đọc sách Đà Nẵng vừa tổ chức 2 buổi sinh hoạt liên tiếp để giới thiệu 2 cuốn sách "Cái dũng của thánh nhân" và "Phi lý trí". Tự nhận bản thân là “mọt sách”, anh Nguyễn Tất Trường, Chủ nhiệm CLB Đọc sách Đà Nẵng cho biết tình yêu với sách giúp anh quyết tâm hình thành cộng đồng đọc sách tự do tại Đà Nẵng.
Theo anh, Đà Nẵng có không ít bạn trẻ đam mê đọc sách nhưng chưa tìm thấy không gian sinh hoạt phù hợp. “Ở Hà Nội, nhu cầu đọc sách của giới trẻ dễ đáp ứng khi có nhiều nhóm học thuật như Hobelap, Bookhunter, F-group, Thư viện Sophie... hoạt động. Ngoài ra, họ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo bàn về những cuốn sách kinh điển liên quan đến kinh tế, văn hóa, khoa học, triết học, văn học… Đây cũng là lý do khiến tôi quyết tâm hình thành cộng đồng đọc sách tự do tại Đà Nẵng đầu năm 2022”, anh Trường chia sẻ.
Đến nay, CLB Đọc sách Đà Nẵng có hàng chục thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Họ hầu hết là sinh viên đang theo học các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố. Theo anh Trường, CLB là nơi mọi người cùng lắng nghe, chia sẻ niềm vui đọc sách, đồng thời tạo động lực, thúc đẩy nhau duy trì thói quen tốt này. Ngoài tổ chức các buổi nói chuyện về sách, CLB treo thưởng (là những cuốn sách mới, giá trị) cho cá nhân chia sẻ nội dung sách hay, ý nghĩa.
Hiện nay, CLB Đọc sách Đà Nẵng duy trì sinh hoạt mỗi tháng 2, 3 lần tại các quán cà phê sách vào ngày cuối tuần. Nội dung sinh hoạt được nhóm thông báo trước trên fanpage CLB để mọi người cùng nhau chuẩn bị. Trong quá trình đó, các thành viên cũng có thể đổi sách cho nhau để tiết kiệm kinh phí mua sách.
Thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt, chị Trần Thị Minh Huệ, thành viên CLB Đọc sách Đà Nẵng cho hay thói quen, sở thích đọc sách của chị có những thay đổi tích cực sau thời gian kết nối, giao lưu với cộng đồng yêu sách. “Trước đây tôi chỉ thích đọc sách kinh tế, tài chính, nay nhờ chia sẻ của mọi người, tôi đọc thêm các tiểu thuyết văn học kinh điển và tiếp cận thêm nhiều cuốn khác nhờ tham giác các buổi chia sẻ nội dung sách cùng mọi người”, chị Huệ đúc kết.
Duy trì hoạt động liên quan đến sách
Thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố quan tâm, tổ chức những hoạt động liên quan đến sách. Đơn cử, tại ngày hội đọc sách chủ đề “Lật trang sách - Thả ước mơ” do Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức cuối tháng 4, bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Anbooks chia sẻ kinh nghiệm đọc và lựa chọn sách trong kỷ nguyên số.
Theo bà, để đọc sách hiệu quả, người đọc không nên “ngồi thiền”, ôm một cuốn sách dày đặc chữ ngày này qua tháng khác, mà cần mở ra không gian tương tác, tích hợp các yếu tố: đọc, nhìn, cảm nhận, chia sẻ, thậm chí là giao lưu với tác giả, đơn vị xuất bản. Ngoài ra, nhiều nhà xuất bản đang nỗ lực tìm kiếm phương pháp ra sách hiệu quả, như sách tương tác, sách online nhằm cung cấp cho độc giả những trải nghiệm mới trong quá trình đọc.
Bên cạnh đó, các hoạt động trao đổi, giao lưu sách cũng thường xuyên diễn ra nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến sinh viên. Chỉ sau 5 ngày tổ chức, hoạt động “Đổi sách lấy sen đá năm 2023” do CLB VNUK Book Club phối hợp với thư viện Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) tổ chức đã thu về gần 300 cuốn sách các loại. Nguồn sách được CLB tặng lại cho thư viện trường nhằm làm phong phú, lấp đầy khoảng trống trên các kệ sách.
Sinh viên Đinh Thị Ngọc Ánh, Chủ nhiệm CLB VNUK Book Club cho biết, đây là lần thứ 2 CLB tổ chức sự kiện đổi sách lấy sen đá, đóng góp sách cho thư viện trường. Sự kiện nhận sự hưởng ứng, ủng hộ của nhiều sinh viên, giảng viên trong trường. Đặc biệt, nguồn sách trao đổi bảo đảm nội dung, hình thức, trong đó có nhiều cuốn còn rất mới, có giá trị. Ánh cho biết, hoạt động đổi sách lấy sen đá phần nào giúp CLB khảo sát tình hình đọc sách trong sinh viên, đồng thời giúp các bạn tiết kiệm chi phí sử dụng sách và tăng cơ hội kết nối giữa sinh viên với hoạt động thư viện trường.
HUỲNH LÊ