Đà Nẵng cuối tuần
'Ngôn từ sẽ chiến thắng'
Tuần qua, xuất hiện trở lại trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Bồ Đào Nha lần đầu tiên kể từ sau vụ việc bị tấn công tàn bạo năm ngoái đã khiến ông bị mù một mắt và liệt một bàn tay, nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie đã có những chia sẻ thật thấm thía về sứ mệnh cũng như sự dũng cảm của người cầm bút.
Nhà văn Salman Rushdie nhận Huân chương Đồng hành Danh dự (Order of the Companions of Honour) của Hoàng gia Anh hôm 23-5 vừa qua tại lâu đài Windsor, bên ngoài thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP |
“Nhà văn có thể trường tồn hơn thứ đối đầu với họ”, nhà văn từng được trao giải Booker năm 1981 với cuốn tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm và từng nhiều lần được dự đoán nằm trong danh sách các tác giả có thể đoạt giải Nobel văn chương đã nói như thế trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền kênh truyền hình RTP (Bồ Đào Nha) tuần qua. Cuộc trò chuyện giữa nhà văn với nhà báo Ana Daniela Soares giúp độc giả hiểu hơn về lập trường kiên định của ông trong hành trình sáng tạo ngay cả khi đối mặt với những căm ghét và thù hận.
Sức mạnh bất diệt của ngôn từ
Một trong những chủ đề chính của cuộc phỏng vấn là sức mạnh trường tồn của ngôn từ cũng như sự ảnh hưởng sâu sắc mà người cầm bút có thể tạo ra. Nhà văn Rushdie từng truyền tải thông điệp này một cách hùng hồn bằng những lời “chốt lại” trong cuốn tiểu thuyết của ông trước đây: “ngôn từ sẽ chiến thắng” (“Words are the winner”).
Chiêm nghiệm về lịch sử, ông lưu ý, các nhân vật nắm quyền lực như vua chúa, tướng lĩnh và các tỉ phú vẫn “áp đảo” các trang sách sử, nhưng chính những câu chuyện được viết ra về họ mới thực sự trường tồn. “Điều mà tôi đang muốn đề cập là lịch sử nói về những con người quyền lực, lịch sử nói về các vị vua và các tỉ phú... Nhưng khi tất cả họ đã chết, điều còn lại sẽ là những câu chuyện kể về họ. Và đó là những gì tồn tại. Thế nên thực sự ngay cả khi các nhà văn không có quân đội trong tay, họ cũng không có hàng tỉ đô la - ngoại trừ bà J.K. Rowling (nhà văn Anh, tác giả series tiểu thuyết nổi tiếng gồm 7 tập Harry Potter - PV) - họ vẫn có quyền lực đó, nó chính là cái định nghĩa nên thời đại”, trang Euronews dẫn lời nhà văn Salman Rushdie chia sẻ.
Ông cũng lấy ví dụ để chứng minh cho hiện tượng này khi dẫn trường thiên tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Leo Tolstoy đã kể lại xuất sắc cuộc xâm lược nước Nga của đoàn quân do Napoleon dẫn đầu, hay các tác phẩm của Marcel Proust đã biểu đạt tuyệt vời ra sao về giai đoạn Beaux-Arts (trường phái mỹ thuật hay nghệ thuật đẹp) ở Paris, Pháp trước đây. “Đó là điều tuyệt vời khác nữa khi các nhà văn, những người vốn có rất ít quyền lực trong đời thực, lại có được thứ quyền lực đó sau khi đã về thế giới bên kia”, nhà văn đã 75 tuổi nói thêm.
Trở về
Cuốn tiểu thuyết mới nhất có tựa đề “Victory City” (tạm dịch: Thành phố chiến thắng) của nhà văn Rushdie ra mắt ngày 9-2 năm nay đánh dấu sự trở về bằng văn chương của ông với nguồn cội Ấn Độ. Sinh trưởng trong một gia đình Hồi giáo tại Mumbai - thành phố đóng vai trò như cửa ngõ về văn hóa và địa lý giữa hai miền bắc và nam Ấn Độ, nhưng gốc gác gia đình ông là ở miền bắc nước này.
Trong khi sự gắn bó thuộc về gia đình là ở miền bắc, Rushdie thừa nhận những tiếp xúc của ông với miền nam Ấn Độ có những giới hạn.
Tuy nhiên trong suốt những năm tháng định hình bản thân cũng như sự nghiệp ở tuổi 20, ông đã có hành trình xuyên miền nam đất nước, khám phá những dấu tích đáng ngưỡng mộ của Đế chế Vijayanagara (hay còn gọi là Karnata Kingdom, được thành lập vào năm 1336 và nổi lên như một đỉnh cao trong những nỗ lực của các cường quốc phía nam Ấn Độ nhằm ngăn chặn các cuộc xâm lược của người Hồi giáo vào cuối thế kỷ 13).
Nhóm di tích này ngày nay được biết tới với tên Hampi ở Ballari, Karrnataka, Ấn Độ và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1986. Quá ấn tượng với vẻ đẹp cũng như ý nghĩa lịch sử của vùng di tích, trong ông đã thôi thúc muốn khám phá thêm những câu chuyện khác về nó, và cuối cùng dẫn tới sự ra đời của tiểu thuyết Victory City.
Cũng ở cuộc trò chuyện với kênh RTP, nhà văn đã nói về sức mạnh có thể mang lại sự thay đổi tích cực lớn lao của sự tha thứ, chủ đề gắn với ông sau vụ tấn công tàn độc năm ngoái. Tháng 8-2022, khi đang phát biểu tại một trung tâm nghệ thuật ở thành phố New York, ông đã bị một kẻ dùng dao đâm liên tiếp ngay tại diễn đàn. Kẻ tấn công bị bắt tại chỗ. Vụ tấn công làm ông bị mù một mắt và liệt một bên tay nhưng không thể cắt đứt sự nghiệp văn chương cũng như lòng dũng cảm dám nói lên sự thật trong các tác phẩm của ông.
Chia sẻ về chiêm nghiệm của bản thân trong cuộc trò chuyện đã nêu, ông bảo rằng, khi một người tha thứ cho ai đó đã rất tàn bạo, thường thì họ đã tước bỏ khí giới của kẻ thủ ác, khiến kẻ đó trở nên lúng túng, không biết phản ứng thế nào.
TRẦN ĐẮC LUÂN