Đà Nẵng cuối tuần
Sách tranh minh họa sinh động về giới
“Thấy giới: Minh họa bản dạng giới và thể hiện giới” là quyển sách mới nhất trong tủ sách Phụ nữ tùng thư của NXB Phụ nữ Việt Nam (phát hành tháng 4-2023), mang đến một cách “đọc” khác về giới đầy thú vị, đó là vừa đọc vừa xem tranh.
Để chọn một quan điểm nói về cuốn sách “Thấy giới: Minh họa bản dạng giới và thể hiện giới” của tác giả Iris Gottlieb (Nguyễn Bảo Thanh Nghi/Thục My dịch), có thể bắt đầu với câu ở trang 44: “Nhiều người tin rằng giới tính (khác với giới) là bất biến, quan điểm này không đúng. Các nhà khoa học đang bắt đầu tin rằng giới tính không phải là nhị phân, mà là một dải phổ”. Không phải ai cũng nhận thức rằng giới tính là một dải phổ, và điều này thường gây khó cho những người không thuộc về số đông (tức nhóm dị tính) - cộng đồng LGBTQ+. Để nói thêm cho rõ về vấn đề này, các TS, dịch giả Nguyễn Bảo Thanh Nghi (Trường Đại học Văn Lang), TS Hồ Khánh Vân (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và ThS Phù Khải Hùng (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) cùng bàn bạc, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống để cung cấp thêm thông tin, cách hiểu đúng cho độc giả trong sự kiện Thấy giới - Seeing Gender: Minh họa bản dạng giới và thể hiện giới tổ chức gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuốn sách đã làm một công việc, tuy nhọc nhằn nhưng rất đáng trân quý, đó là tập hợp và sắp xếp các kiến thức về giới, bản dạng giới, thể hiện giới, xu hướng tính dục… một cách lớp lang, phổ thông nhất. Sách có 3 phần chính, xuyên suốt các phần, Iris Gottlieb trình bày hàng loạt các thuật ngữ về giới, dẫn những câu chuyện đa dạng từ khắp nơi trên thế giới, những quan niệm về giới từng tồn tại và đang tồn tại, và dũng cảm hơn hết, nữ tác giả kể câu chuyện chuyển giới của chính mình như một cách “xác quyết” về bản dạng giới của cô: nhận thức mình không còn phù hợp trong cơ thể nữ giới và khao khát mang hình hài nam giới. Iris Gottlieb cố gắng truyền tải thông điệp tích cực đến độc giả: dù bạn là ai, thuộc giới nào, có cảm xúc với đồng giới hay khác giới hay gì đi chăng nữa, bạn nên tin vào bản thân, tự tin sống để có một đời sống giới khiến bạn hạnh phúc, có ích.
Dịch giả Thục My, trong quá trình giảng dạy, chia sẻ cô gặp rất nhiều câu hỏi của sinh viên về giới cũng như bản dạng giới. Chính điều này đã thôi thúc cô dịch Thấy giới, nhằm cung cấp một công cụ được kiểm chứng, xác thực để làm cẩm nang về giới cho sinh viên. Còn diễn giả Hồ Khánh Vân bộc bạch, cô có rất nhiều sinh viên chưa từng biết cách tránh thai, cũng không có kiến thức về tình dục nên điều đó luôn khiến cô trăn trở. Các dịch giả đều xem Thấy giới là cuốn sách rất phổ thông, hầu như mọi lứa tuổi đều có thể đọc được. Dịch giả Thục My trăn trở với từ “see”, cô lục trong tiếng Việt những từ phù hợp nhất để chuyển ngữ từ này, và cô chọn “thấy”. Nghĩa là nhìn cái biểu hiện bên ngoài để thấy cái bên trong; đọc để thấy rằng giới là một dải phổ rất rộng - phức tạp, luôn thay đổi, nghĩa là hôm nay bạn thấy mình như thế này nhưng trong tương lai, biết đâu được bạn nghiêng sang một giới khác, “hoặc lệch hẳn hoàn toàn sang phía khác đó”, dịch giả Thục My tâm sự. Qua tựa đề “Thấy giới”, Thục My mời gọi mọi người cùng tham gia dịch với mình nếu tìm được từ nào trong tiếng Việt hay và phù hợp hơn từ “thấy” mà cô chọn.
Là một họa sĩ, Iris Gottlieb tự vẽ minh họa cho cuốn Thấy giới của mình, giúp cho quyển sách trở nên trực quan, sinh động, việc đọc sách từ đó trở nên thú vị. Xuyên suốt quyển sách là những hình ảnh đầy màu sắc, cho thấy giới vô cùng đa dạng; Iris Gottlieb vẽ từ những thứ gần gũi như quần áo, giày dép cho đến cơ thể con người, các vật dụng, các động vật lưỡng tính… để thấy được trong hàng trăm năm qua, giới - một cấu trúc xã hội bền vững - tự thân nó đã thay đổi đến chóng mặt như thế nào. Đơn cử, cô vẽ bộ vest màu hồng ở trang 85, đề cập câu chuyện màu hồng trong lịch sử từng được xem là màu nam tính, vì nó gần với màu máu. Thế chiến thứ hai đã làm thay đổi quan niệm về màu sắc, khi đàn ông từ chiến trận về, họ lấy lại các công việc tay chân, thương gia, phụ nữ bị đẩy ra khỏi chỗ làm và mang theo màu hồng về nhà. Màu xanh dương (nhạt) chính thức trở thành màu đại diện cho nam tính, vì nó gắn với máy móc, lao động và (đáng buồn thay) cả bạo lực.
Xuyên suốt hàng trăm trang sách Thấy giới là những câu chuyện đa sắc màu về giới trên khắp thế giới. Những trang cuối sách là nguồn tài liệu tham khảo cùng phần chỉ mục để độc giả tiện tra cứu nguồn nếu muốn đọc thêm. Có thể nói, “Thấy giới: Minh họa bản dạng giới và thể hiện giới” là cuốn sách bổ trợ kiến thức về giới rất thiết thực, có thể xem, đọc bất kỳ đâu vì tính tiện lợi trong cách sắp xếp nội dung cũng như hình ảnh minh họa đẹp trong sách.
“Nhiều người tin rằng giới tính (khác với giới) là bất biến, quan điểm này không đúng. Các nhà khoa học đang bắt đầu tin rằng giới tính không phải là nhị phân, mà là một dải phổ”, Iris Gottlieb khẳng định. |
THẾ SANG