Đà Nẵng cuối tuần

Búp bê truyền thống Nhật Bản

19:49, 10/06/2023 (GMT+7)

Nhằm giúp mọi người cảm nhận rõ nét tinh hoa văn hóa cũng như câu chuyện gắn với lịch sử thông qua hình tượng búp bê từ xứ sở hoa anh đào. Ngày 30-5, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng khai mạc triển lãm “Búp bê Nhật Bản” với bộ sưu tập gồm 69 búp bê hình người và búp bê gỗ Kokeshi được chế tác trực tiếp tại Nhật Bản.

Triển lãm “Búp bê hình người” mô phỏng trò chơi rồng rắn lên mây. Ảnh: H.T.V
Triển lãm “Búp bê hình người” mô phỏng trò chơi rồng rắn lên mây. Ảnh: H.T.V

Đang ngắm nhìn say mê búp bê gỗ Kokeshi trong buổi triển lãm “Búp bê Nhật Bản” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chị Phan Thúy Hà (29 tuổi, quận Liên Chiểu) vui vẻ nói: “Sau khi học đại học xong, tôi rẽ hướng sang học tiếng Nhật và được sang Nhật Bản làm việc. Tôi may mắn khi từng đến làng Naruko Onsen, nơi chế tác búp bê gỗ Kokeshi nổi tiếng của nước Nhật. Vì thế, tôi biết rằng búp bê gỗ Kokeshi không tay, chân, có ba màu chủ đạo là đỏ, đen và xanh. Vật liệu chính để tạo ra búp bê Kokeshi là gỗ và để hoàn thành một búp bê gỗ Kokeshi đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng điêu luyện và sự tỉ mỉ. Trong ký ức của tôi, người Nhật rất coi trọng búp bê gỗ Kokeshi, vì nó biểu tượng cho sự an lành, may mắn. Đặc biệt, những đứa trẻ khi chơi búp bê gỗ Kokeshi sẽ được khỏe mạnh, thông minh. Vì thế, thông qua mạng xã hội tôi biết Bảo tàng Mỹ thuật đang trưng bày búp bê Nhật Bản, tôi liền đến thưởng lãm để nhớ về nước Nhật xinh đẹp thông qua hình ảnh búp bê”.

Còn anh Shin KyoSig (36 tuổi, người Hàn Quốc) đi cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hà (29 tuổi, quận Sơn Trà) hào hứng cho biết: “Hai chúng tôi rất yêu thích nước Nhật và đi du lịch khá nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi hiểu văn hóa Nhật Bản khá rõ, cũng như nghiên cứu về các loại búp bê Nhật Bản. Người dân đất nước mặt trời mọc mong muốn một cuộc sống tốt đẹp nên làm ra búp bê có hình dáng như con người từ hàng trăm thế kỷ trước. Chúng tôi được xem triển lãm búp bê với đa dạng hình thù trong trang phục bắt mắt và nhiểu biểu cảm sinh động. Đồng thời, mỗi búp bê được chú thích rõ ràng thông tin để mọi người hiểu rõ hơn về từng loại búp bê. Ngoài tham quan, chúng tôi thích thú khi trải nghiệm mặc trang phục Yukata, là trang phục mà người Nhật mặc trong mùa hè và các dịp lễ hội truyền thống”.

Triển lãm “Búp bê Nhật Bản” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng kéo dài đến hết tháng 6, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Triển lãm chia thành 2 khu vực là búp bê hình người và búp bê gỗ Kokeshi. Ở khu vực trưng bày búp bê hình người, khán giả sẽ đắm mình vào hình tượng 32 búp bê trong trang phục lộng lẫy mô phỏng các nhân vật từ trẻ em đến người lớn, với bối cảnh từ cuộc sống thường ngày đến kịch nghệ. Tất cả mẫu búp bê được chế tác tinh xảo dưới đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân, mỗi nghệ nhân sẽ đảm nhiệm một công đoạn riêng biệt. Còn khu vực giới thiệu búp bê gỗ Kokeshi, mọi người sẽ chiêm ngưỡng mẫu búp bê do Bảo tàng Kokeshi Tsugaru cung cấp. Búp bê gỗ Kokeshi ra đời tại vùng Tohoku (Đông Bắc) Nhật Bản vào thế kỷ XIX và thường được bán làm quà lưu niệm cho trẻ em. Mỗi thị trấn sẽ chế tác một dòng Kokeshi với các hoa văn và kỹ thuật rất riêng, mang vẻ đẹp giản dị và thuần khiết. 12 dòng búp bê gỗ Kokeshi trưng bày trong sự đối sánh chi tiết, đa dạng kích cỡ, kèm với các mẫu Kokeshi hiện đại, trong đó có 5 mẫu lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam.

Ông Osuka Shoya, Trợ lý Giám đốc Phụ trách Văn hóa - Nghệ thuật, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hàng trăm năm qua, búp bê Nhật Bản đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người Nhật. Búp bê Nhật Bản thể hiện tập quán văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Búp bê được chia thành nhiều dòng khác nhau tùy theo trình độ tay nghề và chất liệu, cũng như chủ đề và hình dáng. Hơn hết, những búp bê cũng là thành tựu của nghệ thuật thủ công nói chung và hiện đại nói riêng. “Chúng tôi hy vọng thông qua tác phẩm búp bê Nhật Bản, mọi người hiểu sâu hơn về sự đa dạng loại hình búp bê cũng như ý nghĩa của từng loại, để có cái nhìn rõ nét sự đa dạng của văn hóa, con người và đất nước Nhật Bản”, ông Osuka Shoya bày tỏ. 

Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, triển lãm là hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2023), góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa Nhật Bản đến với người dân Việt Nam. Thông qua đó, nhiều hoạt động trải nghiệm nghệ thuật hấp dẫn dành cho khách tham quan và các bạn thiếu nhi như: trải nghiệm mặc trang phục Yukata, trải nghiệm gấp giấy nghệ thuật Origami Nhật Bản: gấp hình con vật, đồ chơi, hoa lá…

Từ chiều 30-5 đến hết ngày 20-6, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức triển lãm “Búp bê Nhật Bản” cùng nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm hấp dẫn.

HUỲNH TƯỜNG VY

.