Đà Nẵng cuối tuần

Bún Chợ Chùa và nước mắm Nam Ô

09:38, 30/07/2023 (GMT+7)

* Sinh viên tụi em mỗi khi bàn về ẩm thực lại nhắc câu thơ “Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô”. Nam Ô thì nhiều người đã rõ rồi, nhưng Chợ Chùa thì ít ai được biết. Rất mong quý báo giải thích. (Nguyễn Thị Bích Trâm, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng).

Ở thị trấn Nam Phước, giao lộ Hùng Vương - Chu Văn An dân gian gọi là “ngã ba Chợ Chùa”. Ảnh: V.T.L
Ở thị trấn Nam Phước, giao lộ Hùng Vương - Chu Văn An dân gian gọi là “ngã ba Chợ Chùa”. Ảnh: V.T.L

- Đây là câu thơ trích từ bài Hai miền thương (Nhớ hai miền Huế - Quảng) của nhà thơ Tường Linh (1931- 2021) quê làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam. Ông viết bài thơ vào năm 1958, trong mùa măng cụt ở Tiền Giang. Cả khổ thơ này là: “Ngũ Hành Sơn năm cụm ngóng sông Hàn/ Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện/ Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển/ Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô”.

Các địa danh này nằm trên địa bàn Đà Nẵng, trừ... Chợ Chùa!

Có nhiều địa danh trùng tên trên cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi có thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành. Tỉnh Bến Tre có Chợ Chùa ở phường Phú Khương, thành phố Bến Tre. Tỉnh Nam Định có Chợ Chùa ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực. Thành phố Hải Phòng có Chợ Chùa ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên... Thế nhưng, Chợ Chùa trong câu thơ của Tường Linh không xa đến vậy, mà ở ngay tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Giới thiệu về thị trấn Nam Phước, Trang thông tin điện tử xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam (quelam.gov.vn) cho biết đây là vùng đất nằm trong “Tứ giác nước”. Ngoài hai con sông Thu Bồn và Bà Rén bao bọc, ở giữa có sông Chợ Chùa nối từ sông Bà Rén đến chợ Mõ Neo, đổ vào sông Bàn Thạch (xã Duy Vinh).

Theo đó, Chợ Chùa Nam Phước được xây dựng từ thời Pháp thuộc (giữa thế kỷ XIX). Theo lời kể của các vị cao niên thì Chợ Chùa nằm sát Bến Hẹn của sông Đào ngày trước, bên cạnh chùa Hưng Phước. Hàng hóa từ các nơi về chợ thuận lợi nhờ vào hệ thống giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy. Đường bộ có quốc lộ 1A, đường 104 được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX nối từ ngã ba Nam Phước lên đến Nông Sơn (nay là đường Hùng Vương); đường thủy có Bến Hẹn của sông Đào nối với sông Bà Rén. Chợ Chùa một thời là trung tâm mua bán của cả huyện với nhiều loại hàng hóa. Người mua, kẻ bán tấp nập, trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp càng làm cho Chợ Chùa thêm đông vui.

Ông Tư Hòa - người tộc Trịnh, một nhà nho thời bấy giờ, đã mô tả: “... Đất Chợ Chùa là đất văn minh/ Gái, trai ăn mặc thậm tình/ Thuyền qua lại không thua chi phường phố/ Lều thị lập làm gần đường quan lộ/ Ngựa xe đà chê chán mắt người thương...”

Tháng 6-1947, quân Pháp tấn công và chiếm đóng khu vực Chợ Chùa, ngăn cấm dân vào chợ, đốn ngã cây đa giữa chợ, đồng thời tiến hành một số vụ thảm sát dã man như giết người, chặt đầu rồi bêu giữa chợ, bắt đánh đập và cướp bóc các hàng hóa trong chợ nên dân chúng không dám đến khu vực chợ. Chợ Chùa tan từ đó…

Ông Đoàn Phước Ân, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Sào Nam, huyện Duy Xuyên, cho biết ở thị trấn Nam Phước, giao lộ Hùng Vương - Chu Văn An dân gian gọi là “ngã ba Chợ Chùa”. Cách đường Chu Văn An tầm 100m về phía Đông là chùa Hưng Phước, vì thế ngôi chợ xưa mang tên là Chợ Chùa.

Trở lại với câu thơ của Tường Linh. Không ít người thắc mắc rằng, sao cái sợi bún tít tắp tận trung tâm mua bán của cả huyện Duy Xuyên kia lại có duyên nợ với giọt nước mắm làng Nam Ô gần sát chân đèo Hải Vân? Có người lý giải, bún Chợ Chùa trắng dẻo, nhỏ sợi; nếu thiếu nước mắm Nam Ô thì nhạt nhẽo biết chừng nào! Mà thật vậy, bún Chợ Chùa chan với nước mắm Nam Ô dầm ớt chín đỏ, chỉ vậy đã đủ gợi lên một hương vị mà ta có thể gọi là văn hóa ẩm thực!

ĐNCT

.