Đà Nẵng cuối tuần

Dòng sữa ngọt lành

20:07, 12/08/2023 (GMT+7)

“Sao lâu nay mày không về, định để má nhớ mày đến quay quắt à?”. Một giọng khàn đặc, hơi rưng rức trách móc của đầu bên kia điện thoại. Phương nghe như nuốt từng chữ một vào lòng, rồi khẽ trả lời:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Hè này phải ở lại thành phố, con xin được việc làm thêm rồi, má có nhớ quá thì điện thoại. À đừng lên Sài Gòn thăm con, con đi làm thêm không rảnh đâu.

Phương cắt cụp cái máy tức thì, vì nếu nói một hồi nữa, Phương không kiềm được mà khóc mất. Khóc vì đời sinh viên cực quá! Không. Khóc vì nhớ má, nhớ quê da diết. Giờ có muốn về cũng chẳng được, bỏ con lại cho ai giờ. Mà có bồng con về, má sẽ chịu không được cú sốc này, sao dám ra đường nhìn mặt bà con chòm xóm.

Tía mất từ ngày Phương còn cuộn tròn trong bụng mang dạ chửa của má, hôm đó mùa nước nổi, tía lên mái tranh để gia cố lại nhà, mưa lạnh run cầm cập khi trời chạng vạng tối, tía lại bị chứng huyết áp cao, không may tía lên huyết áp rồi ngã từ mái nhà xuống. Ngã xuống sân nhà, bà con chống xuồng bung biêng đưa tía lên bệnh viện huyện, nằm hai ngày rồi cũng đưa về nhà, bác sĩ lắc đầu. Từ đó má ở vậy mà nuôi Phương. Ở quê nghèo, nhà lại nằm lọt thỏm sâu trong miệt, nên ăn uống cũng nhà quê lắm.

Bữa tô canh bông điên điển má chống xuồng đi hái khi con nước ròng nước lớn, bữa lại dĩa ngó lục bình má tuốt từ mấy dề lục bình tấp vô sau nhà mùa nước nổi. Cứ bữa cơm bưng biền đơn sơ vậy mà qua ngày, qua tháng.

Phương là đứa con gái độc nhất trong nhà, là kết tinh duy nhất của tình yêu tía má khi tía còn sinh thời. Má ở vậy vừa làm cha, vừa làm mẹ. Nhà nghèo thiệt, nhưng con bé mồ côi tía từ sớm, nên má thương và cưng nó lắm. Chốn U Minh này khỉ ho cò gáy, má đặn bụng cho Phương lên Sài Gòn học đại học. Phương mất tía từ nhỏ, thương má phận đàn bà với hai vai trò, nên nó chăm ngoan, học giỏi nức tiếng khắp cái xứ miệt nhỏ này. Chân ướt chân ráo con bé nhà quê dáng người nhỏ nhắn, da trắng muốt vì ở quê má có cho đụng việc gì đâu, tóc đen dài đến ngang lưng lên thành phố học.

Lên Sài Gòn, Phương ở trọ ghép với Linh. Linh thuộc dạng ăn chơi, học cũng vì gia đình ép buộc. Linh nhiều lần dẫn bạn về trọ chơi, ăn nhậu xả láng, mấy bận như thế Phương đều hậm hực tức, cau mày ra ngoài né mặt. Chẳng thèm nhìn. Nhiều lần muốn chuyển trọ, nhưng lại nghĩ giờ chuyển trọ bao nhiêu thứ phát sinh, rồi kiếm đâu ra người ở ghép chia tiền. Nghĩ lại má cực khổ ở quê nai lưng với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, hai mùa mưa nắng với đồng bãi để kiếm tiền gửi lên thành phố, má chưa than cực mà mình than thở gì. Rồi cũng đặn bụng ấm ức mà qua chuyện.

Hôm đó, trời chập choạng tối, Sài Gòn vào mùa mưa nên chiều nào cũng xối xả trút nước. Phố xá ngưng lại một nhịp, thành thị như được thở trong ngột ngạt của đất chật người đông. Như một thói quen thường lệ, chiều tối Chủ nhật Linh lại dẫn đám bạn báo đời dân chơi về trọ, bia mồi lên mâm, tiếng dô.ô.ô... đánh động cả dãy trọ vốn yên tĩnh trong cơn mưa giông. Phương sẽ ra ngoài trong hoàn cảnh như thế, nhưng hôm nay mưa lớn quá không đi được. Phương cầm quyển sách lên gác xép, cầm cho đỡ trống tay, chứ đọc sao được giữa vô vàn thanh âm hỗn tạp, đôi câu tục văng ra từ miệng mấy người bạn hầm hố của Linh.

Cuối cùng cũng bãi, đồng hồ điểm 8 giờ tối. Đứa nào đứa nấy say mèm nằm vật ra sàn, lạ thật, mọi hôm chỉ ngà ngà là nghỉ, mạnh đứa nào đứa nấy rú xe bạt mạng về nhà, sao hôm nay tới bến luôn vậy. Bụng Phương đói meo, dạ dày đánh trống thúc giục. Phương leo xuống nhà để ăn cơm. Chân vừa bước xuống dưới nhà, một bàn tay thô ráp vỗ vào đùi Phương. Phương nhảy phóc lên định chạy ra khỏi phòng, không kịp nữa rồi... Phương vùng vẫy điên cuồng, nhưng sức lực của đứa con gái thì làm sao chống chọi được với thằng con trai đang có hơi men. Mấy câu thô tục sỗ sàng văng ra, ghê tởm như cứa vào tim gan Phương, và có lẽ về sau muốn quên cũng chẳng được. Chống trả, không, không thể. Phương không đủ sức, cơ thể cạn kiệt sức sống, tiều tụy ứa nước mắt chịu đựng. Gọi Linh, nó ngủ như chết, hay chỉ giả vờ không nghe. Chẳng ai biết được.

Căn phòng lẻ loi, thâm trầm trong ánh đèn hiu hắt. Không gian u uất đến phát sợ, không có một tiếng khóc, vì Phương khóc trong thinh lặng, khóc không thành tiếng. Mưa Sài Gòn hôm nay lạ thật, cứ dai dẳng, suồng sã chẳng ngớt, dường như mưa chẳng muốn tạnh. Mưa ướt mềm cả con hẻm nhỏ vào dãy trọ, mưa làm lạnh lẽo một trái tim thoi thóp trong góc trọ tồi tàn tình người.

Oái ăm thật, có bầu rồi, nhưng cha cái bầu trong bụng Phương là của ai, ngu dại hay thông minh, mà Phương không hề nhắc đến một lần nào nữa đêm tối hôm đó. Phương biết người đó, nhà nó giàu, giàu lắm. Nhưng Phương cứ tự giả vờ lừa chính bản thân mình là không biết, vì Phương hiểu, nếu làm lớn chuyện, thì sợ má biết, má đau lịm chẳng thể chịu được. Phương đau một, má đau mười. Nghĩ lại, cũng chẳng cần biết và tìm vì Phương hận, hận đến suốt đời. Phương nghỉ học ở trường cũng đã hai tháng nay. Linh cũng đã chuyển trọ rời đi. Phương không hề có ý định bỏ con khi còn trong bụng, chắc sẽ sinh nó ra, rồi đem cho, nghĩ bụng như thế.

-  Trở dạ rồi, vỡ nước ối rồi, qua nhanh!

Giọng Phương thất thanh nói không đầu không cuối qua điện thoại, cổ họng khô khát, nếu có nói thêm một từ nào cũng không thể. Đầu bên kia điện thoại là Tâm, bạn thân quen từ hồi cuối năm nhất đại học.

Tâm phóng xe chạy vèo qua trọ, trọ Tâm cách có vài phút đi xe máy. Đưa vào viện, Phương dúi vào tay Tâm sáu tờ 500.000 nghìn, ướt nhẹp mồ hôi. Bác sĩ bảo vào phòng ngay, mở tám phân rồi, người nhà qua quầy làm thủ tục đóng trước viện phí, nhanh lên.

Rồi đứa bé được sinh ra, là con trai, ơn trời, nó giống mẹ như đúc. Tiếng khóc oe oe như đánh thức trái tim đã bao lâu nay cằn cỗi, vốn chỉ có hận thù, căm phẫn của Phương, tình mẫu tử dâng trào. Nghe tiếng khóc chào đời, dường như bao đắng cay, hờn tủi, bao nỗi đau thể xác và tâm hồn được xoa dịu. Lòng

Phương dịu vợi bởi tiếng khóc đầy sức sống. Bác sĩ đặt đứa bé trên bụng mẹ, cơ thể nóng ran và đỏ rực của Phương sau cuộc thập tử nhất sinh được dịu lại. Phương nhẹ nhàng đưa đôi bàn tay vuốt lưng con, dòng nước mắt trào ngược lăn trên gò má thiếu nữ tuổi đôi mươi, khóc vì hạnh phúc, khóc vì tủi, nhưng môi lại nở nụ cười. Lâu lắm rồi mới thấy nụ cười trở lại trên gương mặt của Phương, nụ cười hiền từ vẫn như ngày nào.

Phương xuất viện, về trọ với tấm thân ốm yếu, gầy gò. Bà chủ trọ biết vậy nên thương lắm, thương như con đẻ. Bà nói:

- Người khác là tao không cho ở cử trong trọ đâu, nhưng bây thì được, số chi mà cực rứa con, thằng nớ khốn nạn.

Giọng bà lanh lảnh, sang sảng trong phòng trọ của Phương. Phương nhẹ lên câu, giọng thều thào:

- Dạ thôi, dì đừng nhắc nữa.

- Vậy giờ bây tính sao. Không thì bồng con về quê, dì cho ít tiền mà về.
Phương im lặng một hồi lâu, mắt ríu lại nhìn ra cửa. Hôm nay trời Sài Gòn âm u, không một ánh nắng lọt qua khung cửa sổ. Căn phòng im bẵng không tiếng nói chuyện, chỉ vài tiếng khóc re re của đứa con mà Phương bồng trên tay đang cho bú mớm dòng sữa ngọt, tay ấp vỗ nhẹ. Phương yếu ớt gượng trả lời:

- Dạ dì để con tính.

Lòng Phương bộn bề lắm, như giăng mắc tơ trong đầu, chẳng biết làm sao. Hay là bồng về má, không được, tội nghiệp má lắm. Hay ở đây nuôi con, mà biết lấy gì để nuôi, nuôi đứa con đâu có dễ, đằng này lại không nghề không nghiệp. Phương rối bời theo từng mối suy nghĩ, đầu Phương như muốn nổ tung. Thôi, cứ đặn bụng làm như dự định ban đầu khi con còn trong bụng vậy.

Tối khuya hôm đó, Phương chuẩn bị một cái nôi tre thật đẹp, nắn nót viết ngày tháng năm sinh của con và đôi dòng nhắn nhủ vào một tờ giấy trắng. Viết đi viết lại mãi mà chưa xong, không phải vì viết sai, mà khóc nghẹn không kìm được, nước mắt cứ chảy làm nhòe nét chữ. Phương thức trắng đêm, cứ thao thức trở người, rồi ngắm con thật rõ, ngắm thật rõ nét mặt, hình hài của đứa trẻ. Trời chưa kịp sáng, phố còn say giấc nồng, mặt trời khuất mình sau mấy dãy nhà cao tầng, chập choạng mờ ảo của ánh đèn vàng vọt đường phố nhả bóng xuống đường là bóng người phụ nữ gầy guộc ôm cái nôi,  đến một khu chung cư cũ, rồi lặng lẽ đặt con ngay trước cầu thang. Chọn chung cư cũ vì Phương biết nơi đây tập trung chủ yếu là dân địa phương, đa số là người gốc Sài Gòn chứ không phải người tứ xứ. Phương vào quán cà phê bên kia đường để quan sát, gọi một ly cà phê muối, nhưng không uống một ngụm nào, mắt nháo nhiếc ngó về phía bên này, đôi lần đảo mắt để tránh ánh nhìn nghi ngờ.

Trời dần sáng, dân chung cư nháo nhào vì đâu ra xuất hiện một đứa bé bỏ rơi. Người ta đồn chắc của ông nào léng phéng, nhưng có đâu. Phương thót tim, nín thở khi nhìn con vẫn nằm trong nôi, không một ai có ý định bồng lên. Tiếng nói chuyện xì xầm làm đứa bé tỉnh giấc, khóc nấc lên, tiếng khóc xé lòng Phương thành từng trăm mảnh, dường như muốn đứt từng đoạn ruột gan. Nghe tiếng khóc như thiết tha, van xin, trái tim Phương đập thình thịch, tình mẫu tử thiêng liêng trong người Phương thức tỉnh. Phương đứng phắt dậy, chạy lao sang ôm chầm đứa bé. Nói trong mếu máo nức nở đây là con tôi, là con tôi, là con của tôi. Phương vén áo, nhét núm vú căng tức ứ sữa vào miệng đứa bé, đứa bé nín khóc ngay tức thì. Dòng sữa ngọt lành làm đứa bé bú ngon lành, Phương ôm con vào lòng, dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt, miệng vẫn lẩm nhẩm: “Là con tôi, là con của tôi”.

NGUYỄN VĂN ĐỨC ANH

.