Đà Nẵng cuối tuần

Không ngại khó, ngại khổ

05:57, 06/08/2023 (GMT+7)

Việc tuân thủ các nguyên tắc, kỷ luật là yếu tố quan trọng đối với một vận động viên thể thao. Bởi lẽ, tính kỷ luật, tinh thần tự giác giúp họ giữ vững mục tiêu, tập trung nâng cao thể lực cũng như kỹ năng, thành tích thi đấu.

Vận động viên Lê Thị Tuyết (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) đi thả lỏng phục hồi thể lực trong một buổi tập cùng đồng đội tại sân Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Vận động viên Lê Thị Tuyết (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) đi thả lỏng phục hồi thể lực trong một buổi tập cùng đồng đội tại sân Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Kết hợp kỷ luật và động lực

Một chiều cuối tháng 7, trên sân vận động thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, vận động viên Lê Thị Tuyết (SN 2004, quê Phú Yên), thành viên Đội tuyển điền kinh Việt Nam cùng đồng đội miệt mài tập luyện. Những bước chạy mạnh mẽ, dứt khoát trên sân tập hòa lẫn những giọt mồ hôi thấm ướt lưng áo. Nhìn sự nghiêm túc của cô, tôi tin rằng, dáng người nhỏ nhắn cùng chiều cao khiêm tốn chưa bao giờ là rào cản của Tuyết trên con đường chinh phục bảng thành tích cá nhân.

Trong đó, phải kể đến chiếc huy chương Vàng nội dung marathon 42,195 km nữ, phá kỷ lục Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022  khi mới 18 tuổi và huy chương Bạc marathon 42,195 km, SEA Games 32, năm 2023. Chưa kể, Tuyết cũng là vận động viên điền kinh đầu tiên của tỉnh Phú Yên giành huy chương Vàng marathon tại một kỳ đại hội thể thao toàn quốc.

Trước đó, việc trở thành vận động viên Đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia sau khi vô địch nội dung 3.000m tại Giải điền kinh vô địch các lứa tuổi trẻ năm 2019 là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp thể thao của Tuyết. Em cho hay, điều đó đến như một giấc mơ và Tuyết phải nỗ lực 200% để xứng đáng với sự tin tưởng của ban huấn luyện. Tuy nhiên, phải mất một thời gian, cô bé 15 tuổi đến từ vùng quê nghèo của tỉnh Phú Yên mới có thể thích nghi với lịch tập dày đặc, cộng kỹ thuật di chuyển ngày càng khó. Mỗi ngày, em ra sân tập trong 2 khung giờ, từ 5 giờ đến 8 giờ và 15 giờ 30 đến 17 giờ. Thời gian còn lại, Tuyết nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và theo học văn hóa tại Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng.

Ngoài tập trung luyện tập theo chương trình do huấn luyện viên đưa ra, Tuyết hiểu rằng việc tuân thủ quy định, kỷ luật là điều cực kỳ quan trọng nhằm duy trì phong độ và tạo ra những cơ hội thành công. Theo Tuyết, tính kỷ luật trong luyện tập thể thao thể hiện qua việc tuân thủ mọi lịch trình luyện tập, dinh dưỡng, giấc ngủ để bảo đảm cơ thể và tinh thần luôn trong trạng thái tốt nhất. Hơn nữa, tính kỷ luật giúp em vượt qua khó khăn, thất bại và những rào cản trong quá trình tập luyện, thi đấu. “Để nâng cao thể lực và hiệu quả thi đấu, tôi luôn phải vượt qua những giới hạn của cơ thể và đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe. Tuy nhiên, thay vì nản lòng và từ bỏ, tôi học cách đối mặt, rút kinh nghiệm và tiếp tục cố gắng”, Tuyết nói.

Trực tiếp đào tạo Lê Thị Tuyết, huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Tuấn Anh, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng khẳng định, tính kỷ luật, tinh thần không ngại khó, ngại khổ, ý chí sắt đá và nghị lực phi thường có thể giúp vận động viên thể thao tiến xa trong sự nghiệp. Và, ông nhìn thấy tố chất này ở Lê Thị Tuyết trong lần đầu tiên quan sát em thi đấu tại giải Điền kinh vô địch các lứa tuổi trẻ năm 2019 tại tỉnh An Giang. Đây cũng là lý do quan trọng thôi thúc HLV Nguyễn Tuấn Anh đưa Tuyết về Đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia. Khi phát hiện Tuyết, ông có kế hoạch đào tạo em trở thành vận động viên chuyên nghiệp ở nội dung marathon. Bởi lẽ, Tuyết có sức bền, rắn rỏi, luôn tập trung vào đường chạy mà không quan tâm đối thủ mình là ai. Ẩn sâu trong tính cách hiền lành, giản dị là nỗ lực vươn lên của Tuyết. Theo HLV Tuấn Anh, bên cạnh tố chất của một vận động viên, thì kỷ luật chính là người thầy nghiêm khắc buộc vận động viên phải thực hiện theo những lộ trình vạch sẵn.

Tinh thần thượng võ

Có thể nói, ngoài tố chất tự nhiên, thành công trong thể thao phụ thuộc khá nhiều vào sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi vận động viên. Trong quá trình luyện tập, thi đấu, họ luôn phải dung hòa các yếu tố thể lực, kỹ năng, tinh thần cạnh tranh cộng khả năng tư duy, đồng đội để đưa ra chiến thuật phù hợp.

Gần 20 năm theo đuổi sự nghiệp thi đấu, Nguyễn Thị Thanh Phúc (SN 1990), Đội tuyển điền kinh Việt Nam - người đang nắm giữ 5 huy chương vàng SEA Games, 15 lần vô địch quốc gia nội dung đi bộ cho biết, cô luôn đặt ra những mục tiêu phấn đấu. Nhìn bảng thành tích đáng ngưỡng mộ ấy, ít ai biết, Thanh Phúc đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí là những chấn thương tưởng chừng phải giã từ sự nghiệp thi đấu. Chưa kể, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, năm 2016, Thanh Phúc lập gia đình và sinh con.

Thời điểm ấy, không ai nghĩ Phúc sẽ quay trở lại đường đua, nhất là khi cân nặng sau sinh trở thành rào cản lớn. “Lúc chưa sinh con, tôi chỉ nặng 47kg nhưng khi mang bầu đã cán mốc 82kg. Thời điểm quyết định trở lại đội tuyển, trở ngại lớn nhất của tôi là cân nặng. Để giảm cân và lấy lại phong độ, tôi luyện tập bất kể ngày đêm, mưa nắng. Với vận động viên bộ môn đi bộ, việc tuân thủ những quy định về kỹ thuật, lịch tập lẫn thói quen sinh hoạt rất quan trọng. Bởi lẽ, chỉ cần di chuyển sai động tác hay thiếu sự tập trung, vận động viên dễ gặp chấn thương phần hông, xương, chân và khó cải thiện thành tích”, Thanh Phúc chia sẻ.

Thành quả của nỗ lực luyện tập không ngừng là chỉ sau một năm sinh con, Thanh Phúc thi đấu trở lại, giành HCV Đại hội thể thao toàn quốc năm 2018 và sau đó là 2 HCV liên tiếp trong hai kỳ SEA Games 31 và SEA Games 32 nội dung đi bộ 20km. Phúc cho hay: “Trước tôi, Việt Nam chưa có vận động viên điền kinh nữ nào vừa sinh xong đã đi tập, theo đuổi sự nghiệp thi đấu, điều này càng khiến bản thân quyết tâm quay trở lại và chinh phục những mục tiêu cao hơn. Có con rồi, quỹ thời gian của bản thân khá eo hẹp, cộng việc đi lại, luyện tập vất vả hơn nhưng nếu nỗ lực vượt qua thì thành quả mang lại càng xứng đáng”.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thi đấu thể thao, không có thành tích nào là cao nhất hoặc không thể vượt qua. Điều này góp phần tạo ra những yếu tố bất ngờ trong các kỳ thi đấu. Bởi lẽ, thành tích cao nhất chỉ là tạm thời, điều quan trọng là mỗi vận động viên không ngừng phấn đấu để vượt qua chính mình. “Mục đích của thể thao thành tích là chinh phục những kỷ lục của bản thân, chứ không đơn thuần dừng lại ở những tấm huy chương. Chưa kể, vận động viên phải luôn trong trạng thái thắng không kiêu, bại không nản. Thua phải hiểu mình thua ở đâu để có biện pháp khắc phục. Thắng không được huênh hoang và dừng nỗ lực. Để góp phần tạo nên tố chất đó, chúng tôi luôn giáo dục các em động cơ luyện tập, tính quyết thắng, từ đó gia tăng sự tự giác, nỗ lực và kiên trì trong suốt quá trình theo đuổi sự nghiệp”, HLV Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.

Chung quan điểm này, võ sư Trần Duy Linh, CLB Vovinam Trần Phú, cho rằng để theo đuổi bất kỳ môn thể thao nào, vận động viên đều cần đức tính kiên trì và đặt ra những mục tiêu thôi thúc bản thân hướng tới. Theo anh, tinh thần thượng võ là triết lý trong thể thao, khuyến khích vận động viên hướng tới điều tốt đẹp hơn, những thành tựu cao hơn và tiếp tục hoàn thiện của bản thân. Tinh thần này đòi hỏi vận động viên không ngừng cố gắng vượt qua giới hạn, phấn đấu để đạt được thành tựu lớn nhất có thể, bất kể thành tích cá nhân hay thành tích đội nhóm.

“Tinh thần thượng võ tạo động lực và định hướng cho các vận động viên phát triển bản thân một cách toàn diện. Thay vì chỉ tập trung vào việc chiến thắng và thất bại, họ tập trung vào việc trở thành người chơi xuất sắc hơn mỗi ngày. Ví như, với võ thuật, mỗi vận động viên cần hội đủ 3 yếu tố: mạnh, nhanh, chính xác. Sự kiên trì của người luyện võ thể hiện ở việc họ không ngừng rèn luyện, đối mặt khó khăn cũng như vượt qua sự nhàm chán khi lặp đi lặp lại các kỹ thuật cho đến khi chúng trở thành phản xạ tự nhiên. Điều này cũng lý giải vì sao cứ 1.000 người theo học Vovinam Việt Võ Đạo thì chỉ khoảng 10 người trụ lại tới cấp trung đẳng (đai vàng). Tôi khá tâm đắc với câu nói của Lý Tiểu Long, đại ý ông không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà sợ người thực hành một cú đá 10.000 lần. Điều đó cho thấy, sự kiên trì và tinh thần kỷ luật, nỗ lực vượt qua chính mình là những yếu tố quan trọng làm nên thành công không chỉ của vận động viên thể thao hay vận động viên võ thuật, mà còn giúp con người thành công hơn trong sự nghiệp và cuộc sống”, võ sư Trần Duy Linh đúc kết.

TIỂU YẾN

.