Đưa tiễn Long Chu

.

Gắn với những mảng màu rêu phong cổ kính của thời gian, từ lâu đời, Hội An là vùng đất của xứ Quảng đã sản sinh nhiều câu chuyện dân gian, truyền thuyết, ngợi ca đạo lý làm người, phê phán những thói hư, tật xấu và những điều phi nghĩa. Không ít lễ hội đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa tín ngưỡng tâm linh bước ra từ các câu chuyện về những khát vọng chân chính của con người phố Hội được lưu truyền cho đến ngày nay.

Đưa tiễn Long Chu (ảnh trái) và Tụy Tiên Đường, một trong những nơi diễn ra lễ hội Long Chu ở Hội An. Ảnh: THÁI MỸ
Đưa tiễn Long Chu (ảnh trái) và Tụy Tiên Đường, một trong những nơi diễn ra lễ hội Long Chu ở Hội An. Ảnh: THÁI MỸ

Chuyện kể rằng, ngày xưa Hội An là một doi đất lấn biển do nguồn phù sa từ sông mẹ Thu Bồn bồi đắp. Nơi đây cây trái tốt tươi, cuộc sống dân làng tuy khá hơn nhiều nơi khác, song lòng dân luôn ám ảnh, bất an mỗi khi đất trời giao mùa. Cứ vào độ cuối tháng Ba, tháng Bảy âm lịch hằng năm là ôn hoàng dịch lệ xảy ra tràn lan, nhiều người ốm đau, xanh xao, tàn tạ. Họ cho rằng có một thế lực vô hình ma quái nào đó gây ra bệnh tật, ám hại con người nên phải tìm cách trừ khử để dân chúng được yên. Các thầy cúng “cao tay ấn” hội họp liên miên và cuối cùng đã nghĩ ra được cách diệt trừ nạn ôn hoàng, tẩy rửa xú uế, đẩy đuổi tà ma. Lễ cúng Long Chu ra đời từ đó...

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, lễ hội Long Chu xuất hiện rất lâu đời ở hầu hết các làng mạc, xóm thôn tại phố cổ Hội An. Thể theo hàm ý chữ nghĩa, long là rồng, chu là thuyền, tức thuyền rồng. Rồng có sức mạnh và uy lực phi thường, sẵn sàng đánh bại bất cứ thế lực nào, thiên biến vạn hóa, có tài phun lửa làm ấm nóng đất trời, phun nước tưới tắm cho cây cối tốt tươi trong những tháng ngày hạn hán. Và rồng cũng là loài vật mang những điềm lành, sự may mắn, an khang, thịnh vượng cho chúng sinh.

Từ lâu, thuyền là phương tiện giao thông trên sông, biển, có sức chở lớn. Vì thế, thuyền rồng sẽ chở được tất cả tà ma, bệnh tật và các tai họa đe dọa cuộc sống yên bình của người dân, đem đổ hết ra biển khơi làm vật tế cho muôn loài ở đáy đại dương. Ngày xưa, thuyền rồng cũng chính là phương tiện chủ yếu chở vua chúa đi ngự lãm và tuần du các miền sông nước.

Để chuẩn bị cho lễ hội Long Chu vào đúng Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm, những ngày trước đó, cộng đồng dân làng Hội An xúm lại chặt tre, vót nan làm thuyền rồng chuyên chở thần, tướng để áp tải tống ôn, tống quái. Khi bộ khung tre chiếc thuyền rồng hình thành, người ta bắt đầu dán giấy, phết phẩm ngũ sắc để cho thuyền rồng nổi bật sự uy nghi, hùng dũng. Phía sau thuyền được buộc một chiếc dầm lái, phía trước một chiếc dầm mũi. Mỗi bên ở khoảng giữa thuyền có bốn hình nhân lính hộ, quần áo, mũ mão nghiêm trang, tay cầm chèo; một vị quan ngồi phía sau cùng điều khiển, chỉ huy, có lọng che trên đầu. Bên trong thuyền được chuẩn bị chu đáo các lễ vật cúng tiễn.

Lễ hội Long Chu được tổ chức theo đơn vị hành chính làng, xóm. Khi long chu đã hoàn thành thì những nơi diễn ra lễ cúng như các đình làng, miếu mạo, các địa điểm dân làng thường tụ tập, hội họp được dọn dẹp, sửa soạn sạch sẽ, khang trang. Tờ mờ sáng 14 tháng Bảy, 7 thầy phù thủy cao tay ấn nhất được dân làng lựa chọn cho mỗi lễ cúng do ông thầy cả dẫn đi “trấn đạo lộ”, tức trấn yểm theo lộ trình đưa tiễn Long Chu ra tới bờ sông. Bắt đầu từ giờ Tý (từ 0-2 giờ) ngày rằm tháng Bảy, lễ cáo thần, còn gọi lễ túc yết với mâm cúng hương hoa, trà quả đơn giản. Đến giờ Mão (từ 6-8 giờ), thầy cả đọc văn tế thần, phát khai nhạc lễ, đến giờ Thìn (từ 8-10 giờ) bắt đầu lễ cúng chính thức Long Chu. Xong đâu đó, thầy cả sẽ cho người quay đầu thuyền rồng ra phía cổng ngõ, đọc các câu thần chú, gõ lệnh bài vào hương án, 6 thầy còn lại (thầy con) đọc chú đuổi theo thầy cả và dâng các lễ vật cho thầy cả theo thứ tự  trước, sau của lễ cúng.

Có một chi tiết quan trọng không thể thiếu là trong văn chú của thầy cả phải có đoạn đọc triệu hồi 32 vị tướng chỉ huy khuất mặt lên thuyền để áp tải, dẫn độ tống khứ tà ma, bệnh tật ra khỏi xóm làng. Sau khi nghi lễ xong xuôi thì phần cuối cùng là đưa tiễn Long Chu. Thuyền rồng sẽ được các chàng trai khỏe mạnh khiêng từ nơi cúng ra cổng ngõ rồi đi theo thầy cả. Sau đuôi thuyền rồng là các thầy con và dân làng chầm chậm bước theo. Thuyền rồng di chuyển đúng với lộ trình đã được trấn yểm. Các thầy con thu lại những chiếc khăn trắng đã trấn yểm ngày hôm trước. Ngoài những người đi đưa tiễn Long Chu, dân làng còn đứng sẵn hai bên vệ đường, cầm roi, cầm gậy quất tới tấp vào các bụi cây ven đường rồi chờ long chu đi tới vứt roi, gậy lên thuyền rồng và lấy các lá bùa giấy cúng trên thuyền mang về dán trước cửa nhà mình để trừ tà, xua đuổi  ma quái.

Ra đến bờ sông, Long Chu được nhẹ nhàng thả nổi trên mặt nước, các ngọn đèn dầu tây trên thuyền được thắp lên. Chiếc thuyền được đẩy từ từ ra xa, theo dòng chảy xuôi về phía biển trong sự hò reo, náo nức vang dậy cả khúc sông của dân làng.

Ngày nay, lễ tế Long Chu có sự kết hợp hài hòa giữa cổ xưa với hiện đại. Bên cạnh chương trình nghi lễ còn có phần hội là những cuộc vui chơi bổ ích nhằm khuyến khích nếp sống, sinh hoạt nhằm gắn kết cộng đồng, tạo hưng phấn trong lao động, chăm lo cuộc sống. Lễ hội dân gian Long Chu đã khắc họa nét đẹp văn hóa tâm linh và những hoài bão về cuộc sống yên ả, thanh bình từ thuở xa xưa được bảo tồn cho đến bây giờ.

THÁI MỸ

;
;
.
.
.
.
.