Đà Nẵng cuối tuần

Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nông sản

12:48, 20/08/2023 (GMT+7)

Bốn hộ sản xuất, kinh doanh tại huyện Hòa Vang vừa được nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) hỗ trợ thiết kế logo, bao bì nhận diện thương hiệu nhằm hoàn thiện các quy trình công nhận sản phẩm OCOP tại địa phương.

Ông Phan Văn Hùng (ngoài cùng, bên trái) đang được nhóm sinh viên chia sẻ thông tin về bao bì nhận diện thương hiệu rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm. Ảnh: H.L
Ông Phan Văn Hùng (ngoài cùng, bên trái) đang được nhóm sinh viên chia sẻ thông tin về bao bì nhận diện thương hiệu rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm. Ảnh: H.L

Được hỗ trợ bộ nhận diện thương hiệu rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm, ông Phan Văn Hùng, Chủ cơ sở Nấm đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong) cho biết, cơ sở vừa sản xuất thành công sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo sau thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. Theo ông Hùng, 17 loại axit amin trong đông trùng khi ngâm ủ trong môi trường rượu nếp sẽ giúp cơ thể kháng viêm tốt, tăng sức đề kháng cho con người…

“So với mẫu bao bì hiện có của cơ sở, bộ nhận diện sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm do sinh viên Trường Đại học Kinh tế thiết kế sang trọng và cuốn hút hơn. Tôi thích gam màu xanh và những đường nét bay bổng, phá cách trong thiết kế của các em. Với bộ nhận diện thương hiệu này, tôi hy vọng sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo sẽ được thị trường đón nhận và sớm trở thành sản phẩm OCOP tại địa phương”, ông Hùng chia sẻ.

Là một trong những cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chí sản phẩm nông nghiệp sạch tại huyện Hòa Vang, cơ sở Quỳnh Tâm chuyên sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm đông trùng hạ thảo, nấm ăn và nấm dược liệu… Theo ông Hùng, hiện nay, mỗi tháng cơ sở thu hoạch khoảng 300-500kg nấm linh chi, 10-15kg nấm đông trùng hạ thảo và hơn 1,5 tấn nấm sò. Khi khối lượng tăng lên, nhu cầu mở rộng thị trường càng trở nên cấp bách. Không chỉ hỗ trợ thiết kế bao bì, bộ nhận diện thương hiệu bao gồm thông tin sản phẩm sẽ giúp cơ sở tự tin giới thiệu sản phẩm trong các hội chợ nông sản sắp tới. 

Tương tự, sau thời gian trồng sản phẩm ổi hữu cơ tại khu vực Khe Răm, xã Hòa Bắc, ông Nguyễn Văn Minh vui mừng nhận bộ nhận diện thương hiệu từ nhóm sinh viên. Ông cho biết, lâu nay ổi thu hoạch được gia đình bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn, với mức giá 10.000-20.000 đồng. Tuy nhiên, qua tư vấn của nhóm sinh viên, gia đình nhận thấy, nếu xây dựng được thương hiệu ổi hữu cơ Khe Răm, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn so với bán buôn nhỏ lẻ như hiện nay.

Ông Minh kỳ vọng: “Khi xây dựng được thương hiệu ổi hữu cơ Khe Răm, tôi có thêm cơ hội đưa sản phẩm vào phục vụ tại các khu du lịch sinh thái các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Liên… với giá tốt hơn, đầu ra ổn định hơn”.

Để có cơ sở xây dựng bộ nhận diện sản phẩm nông nghiệp sạch ở Hòa Vang, nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế đến tận xưởng sản xuất, vườn trồng các hộ gia đình để tìm hiểu sản phẩm và nhu cầu cụ thể của người dân. Đặng Thị Thùy Linh, sinh viên năm 2, chuyên ngành marketing, thành viên Đội chuyên môn nhận diện thương hiệu cho biết, đội tình nguyện gồm 8 thành viên đã dành nhiều ngày đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân về kiểu dáng, nhãn mác, màu sắc logo, các loại tem, nhãn, bao bì đi kèm. Quá trình lên ý tưởng và hoàn thiện thiết kế, nhóm thường xuyên trao đổi với các hộ nông dân để chỉnh sửa phù hợp.

“Mục đích của nhóm là giúp người nông dân xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, bao gồm logo, nhãn mác, bao bì…, qua đó nâng tầm sản phẩm, hướng đến thương mại hóa và trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng”, Thùy Linh cho hay.

Được biết, hoạt động giúp người nông dân Hòa Vang bộ nhận diện thương hiệu nông sản sạch nằm trong chương trình tình nguyện Mùa hè xanh năm 2023 của Đoàn trường, Hội Sinh viên Trường Đại học Kinh tế. Sau thời gian ngắn, nhóm sinh viên đã hoàn thiện 4 bộ nhận diện, bao gồm ổi hữu cơ Hòa Bắc, rượu đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm, bánh khô mè Bà Nghĩ và nấm bào ngư AC Food.

Chị Trần Thị Thanh Thảo, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế cho biết, Đoàn trường luôn khuyến khích sinh viên xây dựng các chương trình tình nguyện dựa trên kiến thức chuyên môn đã học, giúp người nông dân phát triển kinh tế. “Việc xây dựng chương trình tình nguyện hỗ trợ người dân thiết kế bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm nông nghiệp là hướng đi mới, tạo sự hào hứng cho tất cả thành viên tham gia. Vui hơn nữa là những sản phẩm thiết kế đã được hộ sản xuất, kinh doanh đón nhận, tạo nền tảng quan trọng giúp sinh viên mạnh dạn xây dựng những mô hình tình nguyện mới, phù hợp nhu cầu xã hội hiện nay”, chị Thảo cho hay.

HUỲNH LÊ

.