Đà Nẵng cuối tuần

Trăm năm Văn Cao

17:15, 19/08/2023 (GMT+7)

Thời gian “Vô thủy vô chung”. Thời gian - chiều thứ tư không gian. Thời gian thật lạ lùng. Chậm như ngừng trôi mà lại nhanh như chớp mắt. Mới như rất gần, vậy mà đã trăm năm Văn Cao (1923-2023). Thực sự là ông đã rời xa dương thế 28 năm qua (10-7-1995) nhưng hình như trong tâm trí dân tộc Việt Nam, Văn Cao vẫn bên ta hằng ngày. Vẫn như hơi thở trong mỗi sớm chào cờ vang lên “Quốc ca”. Giai điệu khiến ta luôn rưng rưng tự hào khi nó vang lên trên các đấu trường quốc tế. Gần đây “Quốc ca” vang lên tại giải vô địch bóng đá nữ thế giới World Cup 2023 khi lần đầu tiên Việt Nam tham dự. Dường như tình cờ, sự kiện ấy chính là mở đầu cho năm kỷ niệm trăm năm Văn Cao.

Những bài hát của Văn Cao được quảng đại quần chúng ưa thích.
Những bài hát của Văn Cao được quảng đại quần chúng ưa thích.

Trong cuộc chạy marathon của một đời người, có lẽ ai cũng có điểm xuất phát như nhau. Những ai được nhìn bức ảnh Văn Cao cởi trần quần đùi chụp cùng các bạn đồng môn tiểu học Trường Bonnal - Hải Phòng, thật khó đoán ra, có một người trong đó trở thành tác giả “Quốc ca Việt Nam”. Họ hòa vào nhau trong nụ cười, trong những cuộc chơi lội dọc hoàng hôn sông Cấm. Vậy mà dần dà số phận đã chia tách họ ra từng mẫu bí mật. Sau những nghịch ngợm ấu thơ. Sau những tờ báo in thạch của lớp học, họ đã bước qua tiểu học khi rời Trường Bonnal sang học Trường Dòng Saint Joseph ngay bên cạnh, có lẽ đấy là bước ngoặt quan trọng trong đời Văn Cao từ ngày khai sinh (15-11-1930).

Ở đấy, bản năng trời cho của ông đã gặp âm nhạc, thi ca và hội họa để cùng thăng hoa trong cùng một thế hệ chín sớm “những năm 30 thế kỷ XX”. Người ta sẽ còn mãi mãi lạ lùng, không thể lý giải vì sao mới 16 tuổi đời, hình như trong mùa thu thương nhớ nhà tiểu thuyết tài danh Vũ Trọng Phụng yểu mệnh (1912-1939), Văn Cao đã cất cao một giai điệu đầu sự nghiệp tràn ngập âm hưởng ca trù mang tên “Buồn tàn thu”. Còn ngạc nhiên hơn khi 18 tuổi Văn Cao đã bay lên “Thiên Thai” cùng thể loại âm nhạc trường ca khiến cho tân nhạc thuở bình minh làm ta xao xuyến mãi đến tận bây giờ.

Cũng con người ấy, trong con người ấy tưởng chừng toàn phần là lãng mạn, là nghệ sĩ thì lại có thêm một con người hiệp sĩ so với tài phi đao, bắn súng ngoạn mục. Cũng con người ấy với “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”, “Suối Mơ”, “Bến Xuân” bảng lảng khói sương thì lại chợt bùng cháy trong nhịp đập hành khúc rắn rỏi, sử thi như “Thăng Long hành khúc ca”, “Đống Đa”... Nhìn lại mới thấy tác động quan trọng của thời cuộc, thời mà những chiến sĩ cách mạng bí mật hoạt động làm “Quốc sự” đã tạo ra một hình tượng hiệp sĩ mới với tâm hồn tràn đầy lý tưởng. Hình tượng ấy đã cuốn hút, đã chinh phục Văn Cao dám vứt bỏ những hào quang mình đang có để “Một giã gia đình một dửng dưng” như câu thơ Thâm Tâm trong “Tống biệt hành” độc sáng.

Chính “Tiến quân ca” mà sau này trở thành “Quốc ca Việt Nam” được viết vào mùa đông 1944 đã là cái mốc chuyển đổi quan trọng trong tư duy sáng tạo âm nhạc Văn Cao. Đấy là lời đoạn tuyệt với âm nhạc lãng mạn bước sang địa hạt âm nhạc Cách mạng, một hành trình vụt lớn như Phù Đổng trong sáu mùa thu. Một hành trình từ “Buồn tàn thu” đến “Tiến quân ca” như một quả bom ném vào dinh lũy thực dân mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Không chỉ từng thăng hoa trong lãng mạn, Văn Cao đã thăng hoa thật phi thường, thật chất ngất khi viết “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân” như một ước mơ lớn mạnh của lực lượng vũ trang lúc ấy còn vô cùng non trẻ cùng “Chiến sĩ Việt Nam” có bóng dáng bộ binh và kỵ binh “Bắc Sơn” in hằn hình ảnh người dân quân du kích. Nhiều người không biết sự biến chuyển trong tư tưởng thẩm mỹ Văn Cao trước và sau Cách mạng rõ rệt nhất khi ông viết lại trường ca “Trương Chi”. Bên cạnh đóng góp về một chèo thuyền nhát gừng miền trung du Bắc Bộ, mà còn đóng góp một cách nhìn về sự cao đẹp độc nhất của Chủ nghĩa Cộng sản đích thực, qua câu “Ngồi đây ta gõ ván thuyền - Ta ca trái đất còn riêng ta”,  ông lấy giai điệu “Bến Xuân” viết lời tặng cho đoàn quân Nam tiến vào Nam Bộ kháng chiến và đặt tên là “Đàn chim Việt”. Lời “Bến Xuân” thì lãng mạn thôi rồi, nhưng kỳ diệu thay lời “Đàn chim Việt” thì lại trầm lắng anh hùng ca đến hết mức. Đấy chính là tài năng lớn riêng ở Văn Cao.

Thật khiếm khuyết nếu chỉ nhắc riêng tới âm nhạc Văn Cao. Ngay từ khi bước vào văn nghệ, Văn Cao đã tam tấu cả nhạc - thi - họa. Cái tâm trạng khiến Văn Cao kiên định khước từ tư tưởng thẩm mỹ lãng mạn là tâm trong của một người muốn dứt tung xiềng xích nô lệ để được hít thở bằng lá phổi của người tự do. Cái tâm trong ấy biểu hiện trong bức tranh “Những người tự tử” ở triển lãm “Duy nhất” năm 1944, ngột ngạt trong câu thơ “Cái gì cũng thấy chơi vơi”... Ở bài lục bát “Đêm ngàn” và đẩy tới tận cùng trong “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” - một lưu giữ duy nhất bằng chữ về nạn đói năm 1945, quý giá như những bức ảnh cùng đề tài của Võ An Ninh. Văn Cao là như thế, thậm chí có lúc cực đoan muốn xóa bỏ con người nghệ sĩ trong mình để con người hiệp sĩ độc nhất ngự trị.

Không ai là không nể phục đội viên đội ám sát, có tên gọi Đội danh dự Việt Minh, Văn Cao đã hạ sát tên Việt gian thân Nhật Đỗ Đức Phin ở Hải Phòng, bắn sượt tên tay sai Võ Văn Cầm, lùng sục Cung Đình Vân ở làng Lủ, Hà Nội... Nhưng đến khi ý thức được sức mạnh của văn nghệ “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” như đồng chí Sóng Hồng (Trường Chinh) đã đúc kết, Văn Cao lại trở về văn nghệ để ghép thêm sức mạnh đó.

Chính cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp đã khiến cho tài năng Văn Cao đạt đến độ sáng rực rỡ. Mở đầu cho thời kỳ này lại chính là bài thơ dài “Ngoại ô mùa đông 1946”, Văn Cao như mải mê khai phá thêm mọi năng lực sáng tạo trong mình. Ở khu Ba nghe tiếng chuông nhà thờ rung hoàng hôn, Văn Cao có “Làng tôi” với câu “Chiều khi quân ác qua” mà người ta hay hát cụ thể là “Chiều khi quân Pháp qua”. Gặp ngày mùa Văn Cao có “Ngày mùa” đẹp như một bức tranh mùa nước. Cả hai ca khúc xinh xắn này đều “Việt hóa” nhịp valse cung đình châu Âu thành nhịp làng quê Việt Nam. Một bản trường ca vạm vỡ với rất nhiều đoạn chuyển điệu gần xa và có cả khúc chèo thuyền mới rất Việt sau “Trương Chi” đã được Văn Cao vẽ bằng âm thanh như một bức tranh sơn dầu khổ rộng. Cũng ở khu Ba, Văn Cao vẽ và triển lãm bức tranh “Cây Đàn đỏ” và đặc biệt là dự báo ngày chiến thắng bằng hành khúc “Tiến về Hà Nội” trước ngày sự thật diễn ra 6 năm sau.

Sự hy sinh dâng hiến lớn lao của dân tộc trong kháng chiến khiến cho Văn Cao đi tới một đỉnh cao nữa trong âm nhạc đấy là sử dụng thể loại ca khúc nghệ thuật ngợi ca lãnh tụ của cách mạng qua nhạc phẩm “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”. Ở đấy, ông dựng hình tượng Bác Hồ là “tay công nhân của thế giới mới lên” sau khi “ánh dương ngời trong ngục trong tù”.

Tư tưởng luôn luôn vươn tới sự mới mẻ trong nghệ thuật, luôn làm thúc giục Văn Cao tìm tòi trong cảm thụ và cảm xúc ở mọi loại hình nghệ thuật. Nhiều năm ông không viết ca khúc mà viết tiểu phẩm piano “Sống tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa” hướng về khát vọng thống nhất, làm thơ trong im lặng sau khi trong công bố trường ca “Những người trên cửa biển” ở tập thơ in chung với Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt và vẽ bìa minh họa để kiếm sống cực nhọc qua ngày. Nhưng kỳ lạ giữa âm thầm ấy, Văn Cao lại lấp lánh lên những thi phẩm mới mẻ như “Năm buổi sáng không có trong sự thật”, “Đêm quán”, “Phố Phái”, “Đôi bạn”… Và chính trong những ngày chống Mỹ ác liệt, ông chợt lắng lại trong một giai điệu tràn đầy âm hưởng dân tộc thông qua ca khúc “Đường dây qua bản Mèo” bên cạnh công trình nghiên cứu về sự dịch chuyển Bắc Nam của bài quan họ “Con sáo sang sông” rất độc đáo và thuyết phục.

Hơn hết, ông đã viết một tổ khúc giao hưởng về người lính mang tên “Anh bộ đội cụ Hồ” cho bộ phim tài liệu của xưởng phim Quân đội. Sau Hiệp định Paris, ông viết hợp xướng “Hải Phòng mở ra biển lớn” và đặc biệt sau ngày thống nhất, trong mùa xuân 1976 là khúc khải hoàn “Mùa Xuân đầu tiên”. Theo thời gian,“Mùa Xuân đầu tiên” mới được khai sinh và lớn nhanh trong lòng người bởi sự ký thác mang tầm nhân loại của nhạc phẩm này “Từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”. Văn Cao đã đưa người lính ra đi ở “Tiến quân ca” và đưa người lính trở về ở “Mùa Xuân đầu tiên”.

Trong biến chuyển của lịch sử, số phận Văn Cao cũng dần già biến chuyển theo. Ở đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ Ba, mùa thu 1983, Văn Cao đã trở lại vị trí Ủy viên Ban chấp hành. Năm ấy Văn Cao vào “lục tuần”. Một chương trình âm nhạc Văn Cao mang chất thính phòng để mừng thọ ông đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức rất ấm áp tại số 51 Trần Hưng Đạo, ở phòng hòa nhạc. Trong chương trình ấy sau rất nhiều năm chìm khuất, nữ ca sĩ Kim Ngọc đã hát lại “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Suối Mơ”…

Cũng lần đầu tiên người ta mới nghe ba tiểu phẩm piano nói trên do Đặng Hữu Phúc trình tấu. Từ đấy Văn Cao cũng chầm chậm phục sinh, ông trở lại với giai điệu lòng mình qua “Hành khúc công nhân toa xe”, qua “Tình ca Trung du” mang hơi thở nhạc trẻ trong chuyến trở lại Phú Thọ. Sau bao năm xa nơi ông viết “Sông Lô”, năm 1985 Văn Cao có chuyến xuyên Việt từ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn vào đến tận Cần Thơ. Cần Thơ là nơi xa nhất trên đất nước mà bước chân Văn Cao đi tới trong chuyến hành phương Nam này. Văn Cao đã thực sự phục sinh khi viết ba bài thơ Quy Nhơn và được báo Văn nghệ giới thiệu trên chính tờ báo mà ông vẽ vignetted từ thuở chiến khu. Hứng khởi khiến cho năm ấy, Văn Cao vẽ được bức sơn dầu “Những người leo cột mỡ” với những đường nét rất hiện đại của họa phái tối giản bằng năng lực đồ họa của ông. Và Văn Cao cũng không phải chờ lâu hơn nữa. Ngay sau khi bắt đầu thời kỳ mở cửa, đổi mới một năm, mùa xuân 1988, “Đêm nhạc Văn Cao” đã trình diễn buổi đầu tiên tại Trung tâm văn hóa Hà Nội ở phố Hàng Buồm. Và suốt năm ấy, gần một trăm “Đêm nhạc Văn Cao” đã diễn ra ở Hà Nội. Trong chương trình, người thưởng thức được nghe lại nhiều ca khúc lãng mạn thời tiền chiến của Văn Cao, rồi được nghe một vài bài thơ Văn Cao. Cũng năm ấy, tập thơ “Lá” của ông đã được Nhà Xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà Xuất bản Hội Nhà văn), ấn hành. Nhà Xuất bản Trẻ ở Sài Gòn cũng ấn hành tập nhạc - thi - họa “Thiên Thai” của Văn Cao. Mọi cảm xúc phục sinh được Văn Cao viết trong bài thơ “Ba biến khúc ở tuổi 65”. Từ đấy dường như Văn Cao trẻ lại.

Năm Văn Cao bước vào nhân sinh thất thập là năm 1993. Ở tuổi xưa nay hiếm, Văn Cao đã được mừng thọ bằng một chương trình ca nhạc “Văn Cao - Một đồng hành với tuổi trẻ” tại Cung văn hóa thanh niên Hà Nội, ở phố Tăng Bạt Hổ. Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và rất cảm động. Hai ông Văn (người đời thường gọi Đại tướng là ông Văn và Văn Cao cũng là ông Văn) ngồi bên nhau như đôi bạn vong niên tri kỷ. Ông Giáp luôn coi trọng Văn Cao vì ông coi như “Tiến quân ca” là Văn Cao viết cho Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ông do ông chỉ huy ra đời ngày 22-12-1944.

Văn Cao quê ở Vụ Bản, Nam Định, nhưng sinh ra ở Nhà máy nước Hải Phòng, đằng sau Nhà hát Lớn, đấy là lý do ông viết câu mở đầu trường ca “Những người trên cửa biển”, “Sinh ra tôi đã có Hải Phòng”. Chính trong trường ca này, Văn Cao đã có một câu thơ định nghĩa về tính cách và sức sống của người Hải Phòng hay đến mức xuyên thời gian, “Ở đây một con cá ném lên trời cũng sống”. Vì sinh ra ở Hải Phòng nên người Hải Phòng luôn coi ông là người Hải Phòng gốc. Nhưng từ khi ông rời khỏi Hải Phòng và nổi tiếng là một tài danh, ông vẫn chỉ về Hải Phòng như một người bình thường về thăm quê.

Mùa đông năm 1994, ông được Thành ủy Hải Phòng chính thức mời về thành phố cùng chương trình nhạc Văn Cao. Một vòng tròn tương sinh đã khép lại sau 71 năm, từ Nhà máy nước Hải Phòng (sau Nhà hát Lớn) trở về Nhà hát Tháng Tám (Rạp Lido cũ) ở ngay bên kia đường đối diện Nhà máy Nước. Đấy là ngày về thành phố tuổi thơ của người ly hương đã tóc trắng, râu trắng cùng ly rượu trắng luôn không rời tay. Và đấy cũng là lần cuối cùng của ông trên cõi đời, ngày 10-7-1995, sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V chừng một tháng, Văn Cao đã bay lên cõi Thiên thai cùng giai điệu Thiên thai.

28 năm sau ngày mất và 100 năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian vô thường vô chung nhưng thời gian “Vô thủy vô chung”. Những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình.

NGUYỄN THỤY KHA

.