Đà Nẵng cuối tuần
Ngoài ô cửa màu xanh
Má dặn Loan lên thành phố đừng dễ tin người. Người trên phố không thật thà như người dưới quê, lừa đảo đủ kiểu. Học xong thì về phòng trọ, đừng la cà phố xá đêm khuya. Loan bảo má yên tâm, sinh viên năm nhất đại học rồi chứ đâu còn bé bỏng gì nữa. Vậy mà tối nào má cũng điện lên nhắc chừng Loan cẩn thận.
Hai dãy phòng trọ được xây đối điện, cửa chênh chếch. Cái cửa sổ màu xanh bé tí, Loan ngồi học bài nhìn ra những bóng nắng xiên qua những lớp quần áo phơi kín lối đi. Khi đi tìm phòng trọ, Loan và Thúy hơi sợ vì dãy trọ xa trường quá. Nhưng rồi Loan gật đầu đồng ý thuê phòng khi thấy đường vào phòng trọ có hàng bàng mát rượi. Chẳng hiểu sao, Loan luôn có cảm giác gần gũi mỗi khi nhìn những tán bàng già tỏa bóng. Chỉ có phòng Loan và phòng đầu dãy là sinh viên, còn lại toàn người lao động tứ xứ.
Phòng trọ ban ngày vắng hoe, đa phần đóng cửa. Để rồi mỗi buổi chiều lại vang lên tiếng con nít đùa giỡn, tiếng lạch cạch chén bát, tiếng gạo vo dưới vòi nước chảy. Mấy chị công nhân cũng hay lót dép ngồi trước cửa phòng vừa lặt rau vừa nói chuyện. Những người đàn ông trầm ngâm ngồi hút thuốc nhìn tụi con nít loi choi chơi đùa. Tiếng xào nấu, mùi thơm bốc ra từ những căn phòng làm Loan nhớ những món ăn má nấu quá chừng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Người trong dãy trọ vui vẻ, hiền lành. Thỉnh thoảng, mấy chị gõ cửa dúi vào tay Loan mấy trái ổi, trái mận bảo là vừa ở quê lên cho hai đứa ăn lấy thảo. Thân với phòng Loan nhất là hai mẹ con chị Thảo, ở sát bên. Bé Bống lên năm tuổi, suốt ngày bi bô cười nói, còn chị Thảo lúc nào gương mặt cũng buồn buồn. Chiều chiều, chị Thảo sẽ đẩy một chiếc xe ra bán gỏi cuốn, trứng lộn ngay dưới hàng bàng. Có khi chị bán khuya lơ, bé Bống đợi mẹ ngồi ngủ gục trên chiếc ghế nhựa. Nhiều lần xót con, chị nhờ người trông xe hàng hộ rồi tất tả dắt con về gửi cho phòng Loan. Chị bảo còn trứng nhiều quá, sợ con bé ngồi lâu muỗi cắn, chị dắt về ngủ ké phòng Loan. Những buổi chiều mưa, đi ngang qua thấy chị mặc áo mưa ngồi co ro đợi khách mà thương. Một lần Loan buột miệng hỏi sao chỉ có hai mẹ con, chị Thảo chỉ thở dài im lặng.
Người đàn ông sống một mình ở căn phòng cuối làm Loan hơi sợ. Có lẽ do những hình xăm chằng chịt trên hai cánh tay của ông ta. Có lần ông rồ xe máy ngang cửa phòng, Loan đọc nhanh trên cánh tay có chữ “hận đời”. Người đàn ông hơn bốn mươi, đầu húi cua, lúc nào cũng mặc những chiếc áo đã ngả màu cháo lòng. Ông ta hay ngồi hút thuốc trước cửa phòng, có khi học bài khuya Loan đi ra hành lang cho đầu óc tỉnh táo vô tình Loan nhìn thấy đốm lửa vẫn cứ lập lòe. Ông ngước lên, chạm mắt Loan làm Loan lập cập chạy ngay vào phòng. Ông ít khi trò chuyện cùng ai, cũng chẳng to tiếng hay sinh sự với ai nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần nhìn thấy Loan đều dè chừng.
Một buổi tối, Loan giật bắn mình khi thấy người đàn ông đứng trước cửa phòng mình. Loan và Thúy lấm lét nhìn nhau chưa biết nói gì thì ông ta đã treo cái bịch ni lông trước cửa phòng, nói câu gọn lỏn “ăn đi” rồi đi về phòng. Chỉ khi nghe tiếng chốt cửa của phòng cuối Loan và Thúy mới dám xem trong cái bọc có gì. Bốn quả trứng lộn, bốn cái gỏi cuốn cùng nước chấm, rau răm. Học bài khuya làm hai đứa đói bụng, nhìn cái bọc có mớ đồ ăn càng làm bụng cồn cào nhưng không dám ăn. Thúy lắc đầu bảo sợ trong đó bỏ thuốc mê hay gì đó thì sao. Loan gật đầu, bao nhiêu tin tức trên báo về những vụ tẩm thuốc mê lấy hết tiền bạc rồi có khi còn hiếp dâm, giết người chứ chẳng chơi. Loan nhớ lời má dặn, thành phố lọc lừa đâu hiền lành như dưới quê. Hai đứa thống nhất sẽ không ăn, cái bọc ni lông ấy được vứt vào sọt rác.
Loan và Thúy cũng quên mất buổi tối hôm đó cho đến một buổi tối trời mưa tầm tã. Nghe tiếng gõ cửa lộc cộc, Loan mở chốt cửa thì lại thấy người đàn ông. Người vẫn mặc áo mưa, từng dòng nước mưa chảy ròng ròng trên má chìa cho Loan bọc đồ ăn, lại bảo ăn đi rồi về phòng. Loan tần ngần đứng nhìn theo, định nói câu cảm ơn cho lịch sự nhưng không hiểu sao cổ họng cứng đờ. Người đàn ông còn gõ cửa thêm vài phòng nữa, cũng dúi cho họ cái bọc ni lông giống của Loan rồi vội vã về phòng. Loan nói với Thúy, chắc không có thuốc mê đâu, ai lại công khai đưa đồ ăn có bỏ thuốc mê cho cả dãy trọ bao giờ. Thúy gật đầu. Hai đứa ngồi ăn gỏi cuốn, trứng lộn ngon lành. Sáng hôm sau, cả hai cười toe toét vì sự đa nghi của mình khi chẳng có việc gì xảy ra cả. Rồi thỉnh thoảng, trước cửa phòng hai đứa lại có thêm bịch hủ tiếu, vài cái trứng lộn được treo khuya khoắt…
Một bữa qua phòng ngồi chơi, Loan nói với chị Thảo người đàn ông phòng cuối khó hiểu quá. Loan kể cho chị nghe những bịch đồ ăn ông cho hai đứa giữa khuya. Chị Thảo cười hiền, anh ấy mua gỏi cuốn với trứng lộn của chị đó. Hai đứa nghe xong trố mắt ngạc nhiên. Chị nói dạo này những buổi chiều hay có mưa nên xe hàng của chị ế quá. Mưa mà, ai cũng muốn ở nhà chứ chẳng ai muốn ra đường mưa gió làm gì. Có khi đến nửa đêm, đường vắng teo mà thùng trứng lộn của chị còn một nửa. Người đàn ông cuối dãy tên Nhân, anh làm công nhân, lúc nào tan ca về cũng khuya khoắt. Đi ngang chỗ chị, thấy chị còn đứng bán anh tấp xe vào ngồi ăn mấy cái trứng, mấy cái gỏi phụ chị. Có khi còn bảo chị gói mấy cái đem về. Chị hỏi anh Nhân mua về ăn khuya hả vì anh một mình chẳng phải mua về cho ai ở nhà. Anh chỉ ậm ờ. Mưa càng nhiều trứng lộn của chị càng ế nhưng đâu thể nghỉ bán. Tiền ăn, tiền phòng của hai mẹ con trông cả vào đấy. Bữa nào anh Nhân đi ngang cũng ghé, rồi bảo chị gói vài ba bọc đem về. Anh còn mua hủ tiếu của ông già bán gần đó nữa. Nghe hai đứa kể chị mới biết anh đem về cho mấy người trong xóm trọ.
Nhìn anh Nhân vậy mà cuộc đời buồn tênh. Một bữa anh ghé, tự nhiên ngồi kể chuyện đời mình cho chị nghe. Cách đây mười năm, anh cũng có vợ, có một gia đình hạnh phúc. Hai vợ chồng làm công nhân may, đời cực nhưng vui. Hai vợ chồng bàn tính đi làm ít năm, tích cóp ít vốn rồi về quê làm ăn. Dự định chưa đến đâu thì một bữa anh đi làm về thấy phòng trọ trống trơn, vợ anh bỏ đi đâu mất. Anh bỏ công chuyện đi tìm kiếm khắp nơi, đau đớn khi biết cô ấy bỏ đi theo một người đàn ông khác. Anh hỏi tại sao, vợ anh trả lời ráo hoảnh “tại anh nghèo”. Câu trả lời nhẹ hều vô tình ấy như muối xát vào lòng anh. Anh buồn uống rượu, ngập ngụa men say. Anh bỏ việc, xăm lên người mấy chữ “hận đời” để khắc cốt ghi tâm mối tình bạc bẽo đó. Rồi anh chuyển trọ, sống lặng lẽ ở một góc thành phố, đi về lầm lũi một mình.
Chị nói gương mặt anh Nhân lúc đó như sắp khóc. Chưa bao giờ chị nghĩ, đằng sau người đàn ông có vẻ giang hồ đó lại có một cuộc đời buồn đến vậy. Chị lại thở dài, buồn giống y cuộc đời của chị. Chị mang tiếng chửa hoang khi người đàn ông của chị phũ phàng từ chối mầm sống chị đang mang. Mắt anh ta vằn lên giận dữ, bảo chị sao không uống thuốc, không biết cách phòng tránh. Cay đắng hơn, anh ta ném cho chị vài trăm bạc bảo chị bỏ con. Anh ta còn tương lai, còn nhiều dự định trước mắt. Khi chị cương quyết giữ lại con, thế là anh ta lật bài ngửa, bảo chắc gì con mình, chị muốn làm gì thì làm anh ta không liên can. Chỉ hai ngày sau, chị thấy anh chở một cô gái khác. Cô ta còn vòng tay ôm eo anh thân mật. Cha chị xưa nay nổi tiếng gia trưởng chửi bới chị suốt ngày, nói chị bôi tro trát trấu vào mặt ông.
Hàng xóm láng giềng chê cười, chị buồn tủi bỏ đi trong đêm. Một mình sinh con rồi nuôi con.
Loan nghe xong thấy nắng chiều buồn xao xác. Cái xóm trọ bé xíu này, nếu chịu khó ngồi nghe thì sẽ có biết bao nhiêu chuyện buồn hiu hắt. Từ bữa đó, Loan không còn thấy sợ anh Nhân nữa. Mấy hình xăm chằng chịt trên tay, cái đầu cạo gần trọc chẳng ôm trọn được chân dung một con người. Loan thấy thương cái dáng anh buồn hiu ngồi đốt thuốc giữa đêm. Phòng trọ đã chìm sâu vào giấc ngủ mà đốm lửa vẫn cứ lập lòe hết điếu này đến điếu khác.
Một buổi chiều, Loan bất ngờ khi thấy anh Nhân đang lúi húi lắp cái bóng điện trong phòng chị Thảo. Thấy Loan, chị đỏ mặt bảo cái bóng đèn tù mù lâu quá mà chị không biết thay. Anh Nhân mồ hôi nhễ nhại, cười bẽn lẽn. Lúc này Loan mới thấy anh thật hiền. Loan lí nhí cảm ơn bọc đồ ăn anh cho hôm bữa. Anh lại cười, bảo mua cho chị Thảo về nhà sớm với con, thấy con bé ngủ gà gật mà thương. Anh bảo phòng hai đứa có điện nước gì hư cứ hú anh, anh biết sửa hết.
Một bữa cuối tuần, chị Thảo đi chợ mua con cá lóc thật to về nấu canh chua. Chị gõ cửa phòng anh Nhân bảo lát trưa sang phòng chị ăn cơm, trời oi quá húp miếng canh chua cho khỏe người. Anh Nhân gãi đầu bảo mình ăn cơm bụi cho nhanh chứ phiền Thảo quá. Chị lắc đầu có phiền gì đâu, thêm cái chén đôi đũa. Đàn ông hiếm ai biết nấu ăn, cứ mì tôm, cơm bụi suốt chịu sao nổi. Anh nói mình nấu ăn ngon lắm, hồi xưa một tay anh đi chợ nấu cơm. Nhưng mà bây giờ nấu mà ăn một mình thì còn gì ngon nữa, nên thôi. Mắt anh buồn hiu, cái ngày xưa như bóng nắng chạy vụt qua trước mắt. Chị Thảo giọng chắc nịch, không nói nhiều xíu anh qua ăn cơm với mẹ con em!
Loan ngồi học bài, nhìn ra thấy bé Bống cười nói bi bô, anh Nhân ngồi bên cạnh phụ họa. Rồi con bé tinh nghịch bắt anh đứng dậy bế lên, với tay bắt con thằn lằn trên tường. Chị Thảo đang nấu nướng trong phòng, chạy ra mắng yêu con nhưng đôi mắt nhìn anh Nhân lấp lánh. Qua ô cửa màu xanh, Loan thấy họ y một gia đình hạnh phúc...
NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN