Ấn Độ tranh cãi về tên gọi Bharat

.

Một lời mời chính thức của Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi vào cuối tuần này làm dấy lên đồn đoán về khả năng quốc gia Nam Á này thay đổi tên gọi.

Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi ngày 9 và 10-9. Ảnh: Getty Images
Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi ngày 9 và 10-9. Ảnh: Getty Images

Ấn Độ giữ chức Chủ tịch luân phiên nhóm 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (G20) từ ngày 1-12-2022 đến 30-11-2023, chịu trách nhiệm đăng cai hội nghị thượng đỉnh năm 2023 với chủ đề “Vasudhaiva Kutumbakam” (tiếng Phạn có nghĩa “Trái đất này là một gia đình”). G20 được xem là diễn đàn hợp tác quốc tế quan trọng trong một thế giới ngày càng gắn kết.

“India” hay “Bharat”?

Những bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy lời mời dành cho các quan chức nước ngoài đến New Delhi trong tuần này in dòng chữ “President of Bharat” (Tổng thống Bharat) thay vì “President of India” (Tổng thống Ấn Độ). “Tổng thống Bharat rất hân hạnh được đồng hành cùng… (tên các quan chức) vào bữa tối lúc 20 giờ thứ Bảy”, lời mời viết.

Ngay lập tức, cựu Bộ trưởng - một trong những nhà chiến lược kinh tế chủ chốt của đảng Quốc đại đối lập (INC) Jairam Ramesh đăng trên mạng xã hội X (tên gọi mới của Twitter): “Thông tin này là thật”. “Rashtrapati Bhawan (Phủ Tổng thống) đã gửi lời mời dự bữa tối G20 vào ngày 9-9 với danh nghĩa “Tổng thống Bharat” thay vì “Tổng thống Ấn Độ” như thường lệ”, ông Ramesh viết thêm.

“Bharat” có nguồn gốc từ tiếng Phạn cổ, được sử dụng để mô tả Ấn Độ bằng tiếng Hindi. Cuộc tranh luận về việc sử dụng chính thức từ “Bharat” chỉ gia tăng kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014 và có những thông tin đồn đoán gần đây rằng ông Modi có thể thúc đẩy việc chính thức đổi tên đất nước.

Trong khi đó, “India” được sử dụng kể từ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947. Các bộ của chính phủ, các trường học, bệnh viện, sân bay hàng đầu của quốc gia Nam Á này đều sử dụng tên gọi “India” khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về một “phiên họp đặc biệt” của Quốc hội Ấn Độ, cùng với bức ảnh giấy mời, làm dấy lên tin đồn đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi đang có ý định sử dụng phiên họp này (dự kiến diễn ra từ ngày 18-9 đến 22-9) để công bố ý định chính thức đổi tên đất nước.

Tên kép được ghi trong hiến pháp

Nhà sử học về Ấn Độ đương đại Ravinder Kaur cho biết, cách đây 2 tháng, liên minh các đảng đối lập đã tự xưng là “INDIA” trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào mùa xuân năm 2024. Có thể đó là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ thúc đẩy việc đổi tên thành “Bharat”. “Đảng cầm quyền đang cố gắng tìm một cái tên khác. Nhưng điều thú vị là Ấn Độ đã có tên kép được ghi trong Hiến pháp”, nhà sử học này nói. Điều 1, Hiến pháp Ấn Độ bắt đầu bằng dòng chữ: “Ấn Độ, tức Bharat, sẽ là liên minh các bang”.

Dĩ nhiên việc Ấn Độ dùng tên gọi “Bharat” vấp phải sự ủng hộ cũng như phản đối. Các quan chức BJP của Thủ tướng Modi ủng hộ thay đổi này. Ông Mohan Bhagwat - người đứng đầu tổ chức Dân tộc chủ nghĩa Hindu Rashtriya Swayamsevak Sangh, cố vấn tư tưởng của đảng cầm quyền, cho rằng nên sử dụng từ “Bharat” thay vì “India”. “Tên của đất nước Bharat sẽ vẫn là Bharat dù bạn đi đâu trên thế giới”, ông Bhagwat nói.

Song, trên X, ông Shashi Tharoor thuộc đảng INC bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ không ngớ ngẩn đến mức loại bỏ hoàn toàn tên gọi “India”. Theo ông, quốc gia này nên tiếp tục sử dụng cả hai từ thay vì từ bỏ một cái tên đã được cả thế giới công nhận.

Một cái tên phổ biến khác của Ấn Độ là “Hindustan”, nghĩa là “vùng đất của sông Ấn” trong tiếng Ba Tư. Tên gọi này chỉ đất nước trong thời kỳ Mughal và thường được những người chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu sử dụng. Tuy nhiên, tên gọi “Hindustan” không được chính thức công nhận là tên hợp pháp của Ấn Độ trong Hiến pháp.

Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ngoài việc đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 thường niên vào ngày 9-9 và 10-9-2023, quốc gia này còn hoàn thành chuyến đổ bộ lên Mặt trăng hồi tháng 8-2023. Thành công của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đánh dấu việc Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu đáp xuống Mặt trăng, sau Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ.

KHÁNH LINH (theo Independent, Reuters)

;
;
.
.
.
.
.