Chữ 'Hàn' bằng 'Hán tự'

.

Thành phố Đà Nẵng một thời có tên là “HÀN”, Phố Hàn là tên gọi tắt của thành phố Hàn, rồi chợ Hàn, sông Hàn. Vậy dùng chữ Hàn nào trong các chữ Hàn của Từ điển chữ Hán? Đó là câu hỏi mà cuối năm 2015 chưa có lời giải. Khi đó, mỗi người viết chữ Hàn để chỉ sông Hàn theo một cách riêng.

Mong rằng, những nhà làm từ điển sớm bổ sung chữ “Hàn” 瀚 với nghĩa  là “tên một con sông ở miền Trung Việt Nam” vào bộ “Từ điển Hán Việt”.  Ảnh: NGUYỄN TRÌNH
Mong rằng, những nhà làm từ điển sớm bổ sung chữ “Hàn” 瀚 với nghĩa là “tên một con sông ở miền Trung Việt Nam” vào bộ “Từ điển Hán Việt”. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Trong chữ Nho có nhiều chữ Hàn,  như 寒 (lạnh), 韓 (tên nước), 翰 (bút lông), 汗 (mồ hôi)… Có một lần tôi viết một bài có liên quan đến cây cầu Sông Hàn, tôi không biết chọn chữ Hàn nào. Đem vướng mắc này trao đổi với một số anh chị em đồng môn, cũng không ai biết chắc phải dùng chữ Hàn nào cho đúng. Có người bảo dùng chữ Hàn tên nước Hàn Quốc 韓, tôi thấy không ổn, vì tôi nghĩ sông Hàn, phố Hàn của mình chẳng có liên quan gì đến Hàn Quốc và con sông Hàn của họ; có người bảo dùng chữ 汗, nhưng chữ này âm chính là Hãn, nghĩa là “mồ hôi”, còn âm Hàn là chỉ rợ Đột Quyết bên Tàu ngày xưa; có người bảo dùng chữ 寒, nhưng lại có ý kiến cho rằng Đà Nẵng đâu có lạnh mà dùng chữ Hàn 寒 này, nó là tên một con sông bên Trung Quốc, quanh năm đóng băng nên mới gọi là “sông Hàn” 寒江; có người bảo dùng chữ Ham 蚶, con Sò, vì xưa kia, người Pháp đi tàu thủy vào cửa sông, thấy ở đây rất nhiều sò, hến, nên gọi là sông Ham 蚶 (sò), sau đọc trại thành Hàn! Nghĩ cũng có lý nên tôi đã chọn chữ này trong bài viết.

May mắn, trong Tạp chí Hán Nôm Xuân 2017, tác giả Lê Văn Tất có bài nghiên cứu, trao đổi với tựa đề “Cái tên Đà Nẵng”, ông đã dẫn chứng xuất xứ của tên “Hàn” và chữ Hàn, như Hàn Giang 瀚江 sông Hàn, Hàn thị 瀚市 chợ Hàn. Theo đó, chữ Hàn bộ thủy 瀚 xuất hiện lần đầu tiên vào thời vua Lê Thánh Tông. Vào năm Hồng Đức thứ 21(1490), vua cho vẽ lại bản đồ 13 xứ Thừa tuyên. Trong Thừa tuyên Thuận Hóa có 10 cửa biển, bắt đầu là Di Luân Môn 瀰淪門 ở phía Bắc, cuối cùng là Hàn Môn 瀚門 ở phía Nam, giáp với Thừa tuyên Quảng Nam, tức là “Cửa Hàn” chúng ta ngày nay. Đây chính là chữ Hàn 瀚 cổ nhất chúng ta biết được cho đến lúc này, do tác giả Lê Văn Tất cung cấp. Nhờ đó, Ban Biên tập đã sửa lại chữ Hàn 瀚 mới này trong bài của tôi.

Tuy nhiên, sau này, khi viết một bài có chữ Sông Hàn, tra Từ điển tôi không tìm được chữ Hàn 瀚 này (do bộ gõ cũ không có). Loay hoay mãi, tôi chợt nhớ tới công cụ “điện thoại thông minh”. Vào “Từ điển chữ Hán”, chọn mục “nhận dạng viết tay”, tôi viết chữ Hàn này 瀚 , máy hiện ra đúng chữ cần tìm. Nhưng than ôi, chữ này 瀚 lại là âm Hãn! Trong từ điển, chữ này 瀚 chỉ duy nhất một âm “Hãn”, chỉ có một tính từ nghĩa là “rộng bao la” và một danh từ “Hãn Hải, là sa mạc lớn ở Mông Cổ”!

Như vậy, từ thời Nhà Lê, với phương pháp chuyển chú, ông cha ta đã mượn chữ Hãn (rộng bao la…) và đọc là Hàn để đặt tên cho con sông Hàn này của ta. Cửa sông Hàn đọc là “Hàn Môn” 瀚門, ngôi chợ bên bờ sông Hàn gọi là “Hàn thị” 瀚市(chợ Hàn), và có một thời đô thị (Đà Nẵng) này được gọi là HÀN, từ vùng quê đi đến phố thị này, gọi là “đi Hàn”, cũng như ngày nay: “đi Đà Nẵng” vậy. Là người Quảng Nam - Đà Nẵng, chắc chắn nhiều người đã ít nhất một lần nghe hai câu: “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”…

Nhưng không hiểu sao các nhà làm từ điển chữ Hán sau này lại không đưa thêm âm Hàn và nghĩa của chữ Hàn (瀚) này vào Từ điển nhỉ? Là người Quảng Nam nhưng tôi đã gắn bó với Đà Nẵng từ thuở ấu thơ và đã sống ở đây gần 50 năm nay. Cũng như bao người dân Đà Nẵng, tôi yêu Đà Nẵng, yêu con sông Hàn thơ mộng. Là người yêu chữ Nho, tôi càng yêu sông Hàn sâu đậm hơn khi biết được chữ Hàn gốc được ông cha ta viết ra từ hơn 500 năm trước. Chúng tôi mong rằng, những nhà làm từ điển sớm bổ sung chữ “Hàn” 瀚 với nghĩa  là “tên một con sông ở miền Trung Việt Nam” vào bộ “Từ điển Hán Việt”.

HOÀNG NGỌC LAI

;
;
.
.
.
.
.