Trong lòng phố đêm An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có một khu phố tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống, người dân vẫn quen gọi là “phố Tây An Thượng”. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Có người gắn bó lâu dài, cũng có người chỉ lưu trú vài ngày trong hành trình du lịch. Sự có mặt của họ tạo nên một cộng đồng dân cư khác biệt nhưng lại là điểm giao thoa rõ nét giữa những nền văn hóa các nước với cư dân bản địa.
Khác với vẻ yên tĩnh vào ban ngày, ban đêm, cả khu phố Tây náo nhiệt với những tốp khách du lịch đến tham quan, mua sắm, ăn uống... Ảnh: NVCC |
“Ngôi nhà chung” của những con người xa xứ
Phố Tây An Thượng tập trung chủ yếu ở các tuyến đường Ngô Thì Sĩ - Hoàng Kế Viêm - Lê Quang Đạo… với bề nổi là những quán bar, pub, nhà hàng nằm san sát nhau, được trang trí đủ màu sắc, quan sát kỹ sẽ thấy nét văn hóa ngoại lai mà người chủ “cố tình” sắp đặt để thu hút khách. Những hàng quán ở đây đón khách từ 19 giờ hằng ngày và có thể kéo dài thời gian phục vụ đến khi bình minh ngày mới dần lên từ phía biển Phạm Văn Đồng.
Thời điểm phố Tây An Thượng đẹp và nhộn nhịp nhất là khi mặt trời khuất dần phía chân trời, ánh đèn đường được bật sáng; những hàng, quán cũng tranh thủ “khoe mình” bằng những dàn đèn nháy đủ sắc. Trời càng về khuya, lượng người (chủ yếu là khách du lịch) đến càng đông, cả con phố trở nên nháo nhiệt. Kiên nhẫn đi hết từng tuyến đường Ngô Thì Sĩ - Hoàng Kế Viêm - Lê Quang Đạo… sẽ cảm nhận thật rõ sự chuyển mình của cả con phố, giống như cách mà nó đã vươn lên từ một khu dân cư nghèo ven biển để bắt nhịp với cuộc sống sôi động và không ngừng phát triển của đô thị mới, hiện đại và đa sắc văn hóa.
Anh Ammy (đến từ Singapore) chủ quán bar Tom’s nằm trên đường Ngô Thì Sĩ đón tiếp tôi bằng nụ cười nồng nhiệt. Với chất giọng lơ lớ của một người chưa thành thạo tiếng Việt, anh Ammy cho biết, quán bar đầu tiên do anh làm chủ đặt ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhưng ảnh hưởng từ các đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài khiến việc kinh doanh không hiệu quả nên anh quyết định đóng cửa. Khu phố Tây An Thượng là điểm dừng chân được anh Ammy lựa chọn do tiền thuê mặt bằng chỉ xấp xỉ ½ so với ở Hội An cũng như những tiềm năng phát triển trong tương lai gần. Để thu hút khách, anh trang trí dãy các lá cờ của nhiều quốc gia trên thế giới ở mặt tiền quán và tuân thủ phương châm phục vụ theo slogan “Đến đây các bạn là nhà”.
Sau dịch, hoạt động kinh doanh dần khởi sắc, anh Ammy nhiều lần đón người thân trong gia đình từ Singapore đến Đà Nẵng tham quan, du lịch. Em gái của anh cũng thuê mặt bằng và mở thêm shop bán đồ bơi ngay bên cạnh. Việc đi lại dễ dàng cộng với chỗ an cư ổn định khiến khoảng cách giữa những con người ở hai quốc gia, nền văn hóa khác nhau như được rút ngắn.
Tạm biệt anh Ammy, một cư dân đến từ quốc đảo sư tử với những chia sẻ thú vị về văn hóa, ẩm thực, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá khu phố Tây An Thượng để hiểu thêm về cộng đồng đặc biệt nằm giữa lòng thành phố này. Điểm dừng chân tiếp theo là một cơ sở kinh doanh bar/sport (quán bar kết hợp thể thao) trên đường Ngô Thì Sĩ.
Chủ quán, ông Byrne Darrer Wade, 56 tuổi, đến từ Úc - là một người đàn ông độc thân, có nụ cười đôn hậu. Byrne bén duyên với khu phố An Thượng trong chuyến du lịch cùng những người bạn vào năm 2019 để rồi quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này bởi yêu thích không khí trong lành, bãi biển sạch đẹp có bờ cát mịn. Byrne nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở đây mà không gặp trở ngại nào. Quán bar/pub của ông là điểm đến thường xuyên của nhiều người nước ngoài lớn tuổi, đang sinh sống ở khu vực An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Có người là chuyên gia đang làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, cũng có người là khách du lịch, tìm đến quán qua những trang mạng xã hội hoặc giới thiệu của bạn bè.
Sự hình thành khu phố Tây trong lòng phố đêm An Thượng là minh chứng rõ nét cho quá trình di cư vẫn diễn ra suốt tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Những quốc gia đang phát triển, có ngành du lịch - dịch vụ và công nghiệp - công nghệ thông tin trên đà định hình chỗ đứng trong khu vực cũng như trên thế giới như Việt Nam có sức hút khó cưỡng đối với người nước ngoài. Chính sách mở cửa để hội nhập quốc tế của đất nước trong những thập kỷ qua đã góp phần đưa hình ảnh một đất nước Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đầy năng động và sẵn sàng đón chào đến bạn bè khắp năm châu. Đồng thời, tạo ra cơ hội việc làm, nâng cao dân trí của người dân thông qua việc tiếp cận, tiếp nhận những ưu thế của quá trình di cư và trong suốt thời gian chung sống, giao lưu văn hóa.
Lê Thị Quỳnh, sinh viên năm 3 Khoa Quản trị khách sạn (Trường Cao đẳng Đông Á) tìm được công việc nhân viên đứng quầy tại quán bar Tom’s với mức lương 7 triệu đồng/tháng từ lời giới thiệu của một người bạn. Quỳnh cho biết, ngoài việc đỡ đần gánh nặng học phí cho gia đình, công việc làm thêm còn cho Quỳnh cơ hội để hoàn thiện hơn vốn tiếng Anh cũng như các kỹ năng giao tiếp - những điều thật sự cần thiết cho một sinh viên theo học ngành quản lý khách sạn.
Từng ngày của mỗi cư dân ở khu phố Tây An Thượng là một trải nghiệm thú vị và phong phú bởi họ vừa có thêm hiểu biết về văn hóa - đời sống của người dân bản địa, vừa có thể tìm thấy những điều thân thuộc của quê hương ngay trong việc chăm chút cho nơi ở, nơi mình kinh doanh hoặc bất chợt bắt gặp một người đồng hương mới vừa chuyển đến. Cũng như ông Byrne, anh Michel (33 tuổi, đến từ bang Brandenburg, phía đông bắc nước Đức) quyết định gắn bó với Đà Nẵng sau một chuyến du lịch chữa lành bệnh trầm cảm. Sau gần 6 năm định cư tại phường Mỹ An, ngoài công việc chính tại một công ty phần mềm, Michael kết hợp cùng một người bạn Việt Nam là anh Nguyễn Thanh Khiết (26 tuổi) mở quán kinh doanh.
Bất chấp những khác biệt về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, Michael và Nguyễn Thanh Khiết đã vun vén nên một tình bạn đẹp. Họ kết hợp ăn ý để điều hành và duy trì khá thành công hoạt động kinh doanh của quán bar/pub Corner. “Mình quen Micheal ở một sự kiện chào năm mới tổ chức cho người nước ngoài. Sau nhiều lần trò chuyện, cảm nhận được điểm chung là niềm yêu thích kinh doanh nên quyết định mở quán. Làm việc nhóm vốn không hề dễ, nhất là khi người đồng hành là một người nước ngoài, với nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… Nhưng với sự cầu thị và thường xuyên tương tác, tụi mình đã tìm được tiếng nói chung”, Khiết chia sẻ.
Giấc mơ “công dân toàn cầu”
Khác với những khu vực có dân cư thuần chất bản địa, phố Tây An Thượng chỉ nằm gói gọn trong vài tuyến đường nhưng là điểm lưu trú của đông người nước ngoài, đến từ gần 20 quốc gia trên thế giới (theo thống kê từ UBND phường Mỹ An). Đa phần trong số họ sinh sống bằng hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán bar/pub, điểm vui chơi giải trí, số còn lại là những chuyên gia, người lao động làm việc ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên khắp địa bàn thành phố. Cũng có không ít người kết hôn, lập gia đình với người Việt Nam và sinh ra thế hệ những đứa trẻ mang dòng máu khác nhau, sống trong môi trường đa văn hóa và có sự hòa nhập gần gũi với cư dân gốc.
Trong những buổi lang thang ở phố Tây An Thượng để thực hiện bài viết, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người trẻ đang sinh sống hoặc làm việc tại đây và được họ chia sẻ rằng, cơ hội có được việc làm tăng lên cùng với quá trình hình thành và phát triển của phố đêm An Thượng. Những trải nghiệm giao tiếp, hợp tác, làm việc với người ngoại quốc càng thực chất hơn khi phố Tây An Thượng được định hình với một môi trường “đa văn hóa.
Trâm Anh, cô gái 19 tuổi (trú đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) là nhân viên phục vụ tại quán Corner pub bộc bạch, ngoài mức lương 6 triệu đồng/tháng, Trâm Anh khá hài lòng với công việc khi có cơ hội để rèn luyện tiếng Anh, kết nối với những người bạn đến từ nhiều quốc gia mà không gặp cách trở về địa lý cũng như ngôn ngữ. “Làm việc ở đây em học được tính lịch sự và tôn trọng sự riêng tư, ít ồn ào, gây chú ý từ những bạn khách đến từ Nhật Bản, Úc; hay sự hào phóng và thích giao tiếp của người Nga… Qua gần 3 tháng làm việc tại quán, kỹ năng nói tiếng Anh của em nâng cao thấy rõ. Em sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức”.
Ở chiều ngược lại, những công dân nước ngoài sinh sống, làm việc tại phố Tây An Thượng bày tỏ sự hài lòng về môi trường an ninh, trật tự ổn định, khí hậu trong lành, mức sống phù hợp. Và hơn cả, mong mỏi về một cộng đồng cũng có nhiều người từ các quốc gia khác giống mình đang dần trở thành hiện thực. “Tôi đã đi qua nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và quyết định lựa chọn Đà Nẵng làm nơi dừng chân. Thời điểm 6 năm về trước, không nhiều người Đức sinh sống và làm việc tại khu vực này, nhưng bây giờ đã khác, nhiều người Đức hay một số quốc gia ở châu Âu sang đây và định cư lâu dài. Tôi đã nghĩ đến việc cưới vợ, sinh con và sống phần đời còn lại ở đây. Tôi rất hài lòng. Tôi yêu Đà Nẵng!”, Micheal - chủ quán Corner - hào hứng chia sẻ.
Bằng những nỗ lực trong thời gian dài để định hình một khu phố đêm đúng nghĩa, thời gian qua, với sự đồng thuận của người dân, các cấp, ngành thành phố đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường, trồng thêm nhiều cây xanh, quy hoạch từng khu vực ngành hàng kinh doanh cũng như tích cực tổ chức các lễ hội, sự kiện đậm bản sắc văn hóa từ nhiều quốc gia… nhằm từng bước hoàn thiện cảnh sắc, tạo bầu không khí sống động với những trải nghiệm quốc tế chân thực tại khu phố đêm An Thượng. Ông Huỳnh Đức Thọ, Chánh văn phòng UBND phường Mỹ An cho biết, UBND phường đã thành lập Ban bảo vệ dân phố, dân phòng kiểu mẫu cũng như tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh, trật tự và môi trường sống chung; không để xảy ra những sự vụ gây mất an ninh, an toàn do đây là khu vực khá phức tạp khi đông người dân, du khách đến tham quan và sinh sống.
Hơn cả một không gian sống, phố Tây An Thượng mang trong mình những tiềm năng đặc trưng để hình thành nên một “khu phố quốc tế” với những công dân toàn cầu, đang trở thành điểm nhấn hội tụ những giá trị văn hóa phong phú và đa dạng; mang hơi thở thời đại, góp phần giúp thế hệ trẻ được mở rộng tầm nhìn, cởi mở lối tư duy và hội nhập cùng thế giới.
KHÁNH HÒA