SÁCH MỚI, SÁCH HAY

.

1. Tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” (NXB Văn học, vừa tái bản sau lần xuất bản đầu tiên năm 2021) tập hợp những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh viết từ thời là sinh viên Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Bên cạnh những bài thơ viết về kỷ niệm, những mối tình thuở sinh viên với giọng thơ đầy ắp cảm xúc trữ tình và thi điệu trong sáng, ngọt ngào, tập thơ còn ghi dấu sự chuyển đổi của dòng thơ trữ tình ký ức sang trữ tình thế sự.

Mỗi bài thơ gắn một câu chuyện hoặc giai thoại được lưu truyền trong giới sinh viên Văn khoa. Thơ Tiến Thanh có nhiều câu xuất thần mang chất bụi đời, lãng tử: Anh mất ngủ ngàn đêm phiêu bạt/ Uống cô miên, khất thực, mưa phùn/ Quên, nhớ, tiếc, vỗ đàn và hát/ May mà còn gặp được quỳnh hương…/ Đêm phố xá nhớ về đêm cư xá/ Anh bụi đời đi nhớ một người dưng/ Nghe lá vỡ dưới chân mình hun hút/ Ngỡ tóc ai dài hơn cả con đường.

Bên cạnh những bài thơ tình (mà có lẽ chủ yếu là thất tình), tập thơ thời sinh viên này cũng có những bài thơ mang cảm hứng xã hội, những suy tư về thời cuộc, số phận con người. Chẳng hạn bài Lời buồn cho em (tặng những em bé Khâm Thiên 12-1972): Một mình anh năm tháng vẫn đi tìm/ Dẫu cỏ mọc xanh mộ phần của mẹ/ Dẫu phố dựng trên gạch vôi tàn phế/ Hạnh phúc nào là hạnh phúc lãng quên/ Rồi mai này bao em bé lớn lên/ Sẽ biết ở nơi đây máy bay thù đã cháy/ Anh đâu dám nói mình từng trải/ Bởi chưa từng đi hết nỗi đau…

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh là Tổng Biên tập tạp chí Đời sống & Pháp luật. Ông sinh năm 1968, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

2. Cuốn sách “Chân, thiện, mỹ trong tầm nhìn đương đại” (NXB Tri thức, 2023) của tác giả Howard Gardner thu hút sự chú ý bởi đề cập đến chủ đề muôn thuở, dường như quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng ít sách viết về nó. Trong “Chân, thiện, mỹ trong tầm nhìn đương đại”, Howard Gardner cho rằng, quan tâm đến chân - thiện - mỹ là nền tảng làm người của chúng ta trong cả ngàn năm. Từ đó, tác phẩm nói lên mối lo âu của ông về nguy cơ xói mòn, lung lay cái nền tảng ấy. Nỗi lo lắng của ông bàng bạc khắp các trang sách.

Trong cuốn sách, tác giả đặt ba phẩm tính chân - thiện - mỹ trong tầm nhìn của người đương thời, và ông nhìn thấy, trong xã hội, đặc biệt những xã hội tiên tiến, hiện lên sừng sững hai lực lượng hùng mạnh, dường như không chỉ ảnh hưởng mà còn có khả năng chi phối mọi ngóc ngách của tâm thức con người thời nay. Một là tâm thức hậu - hiện đại hay như ông gọi phê bình hậu - hiện đại, và hai là truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là không gian mạng. Ông để nhiều tâm sức vạch ra những mối nguy tiềm tàng trong hai lực lượng mới này, chúng có những nguồn gốc và động lực khác nhau nhưng cùng mạnh, cùng hiệu quả và đáng ngại như nhau. Ông hoan nghênh những công nghệ truyền thông mới bằng cách trình bày nội dung quen thuộc của phương tiện cũ dưới hình thức của phương tiện truyền thông mới. Đó là một quan niệm đúng đắn. Dù truyền thông có tối tân đến đâu thì nó cũng chỉ là phương tiện. Lợi hay hại là ở cách sử dụng nó. Và đấy chính là nhiệm vụ đề ra cho giáo dục…

Là nhà tâm lý học giáo dục hàng đầu thế giới, Howard Gardner có cái nhìn cẩn trọng và cân bằng cũng như mong muốn truyền nguồn cảm hứng của ông về bộ ba phẩm tính ấy cho lớp trẻ, cũng như gợi ra những biện pháp để giữ lại và nâng cao những giá trị ấy, trong xã hội và trong giáo dục.

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.
.