Đà Nẵng cuối tuần

Góc nhìn mới về những tác phẩm kinh điển

18:31, 22/10/2023 (GMT+7)

Với giọng văn lôi cuốn và cách thể hiện đầy sáng tạo, các nhân vật kinh điển trong các tác phẩm văn học Việt Nam một lần nữa được tái hiện dưới diện mạo mới, góc nhìn mới cùng những suy tư mới. Tập truyện kể “Những khán giả ngồi trong bóng tối” của Hiền Trang (NXB Kim Đồng, 2-2023) là một trải nghiệm thích thú đối với độc giả yêu văn học.

Trải qua nhiều thế hệ, những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam như: Chí Phèo của Nam Cao, Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Người ngựa ngựa người của Nguyễn Công Hoan, Sống mòn của Nam Cao, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng... gắn liền với đời sống của người dân một cách gần gũi và thân thuộc.

Đầu làng có ông thầy vẽ chữ đẹp như rồng bay phượng múa, ắt sẽ được gọi là Huấn Cao; cuối xóm có tên bợm be bét rượu chè và gàn dở, chán đời, bất trị, ắt chết danh Chí Phèo. Tuy nhiên, sức sống của văn học không chỉ dừng lại đó, mà qua mỗi cá nhân với những góc nhìn khác nhau, mỗi nhân vật của tác phẩm sẽ có đời sống đa chiều khác nữa.

Ở thời đại 4.0, cách xa điểm nhìn của các tác phẩm kinh điển ấy một đoạn dài, tuy nhiên tập truyện “Những khán giả ngồi trong bóng tối” cho ta thấy, dường như sự thay đổi của xã hội và khoảng cách thời gian không làm các nhân vật kinh điển mờ nhạt đi, họ luôn đồng hành mọi thời đại.

Trong “Những khán giả ngồi trong bóng tối”, các câu chuyện văn học dường như chưa có hồi kết, chuyện lại được kể thêm những chi tiết khác mà bạn đọc chưa hề biết, qua góc nhìn của một nhân vật trung gian. Đó là đứa cháu trai của Chí Phèo, Diêm Vương trong đời của Xuân Tóc Đỏ, một người khách đi tàu từng chứng kiến cảnh hai đứa trẻ bán hàng ở ga đêm, bóng ma mà chị Dậu hay tưởng tượng trong tâm trí hay tên đao phủ từng thi hành án tử Huấn Cao...

Đọc “Những khán giả ngồi trong bóng tối”, chúng ta chợt nhận ra rằng, dường như có vô số những nhân vật khác nữa trong mỗi tác phẩm, họ tồn tại, quan sát, chứng kiến và lặng im trong suốt chiều dài tác phẩm. Tuy nhiên, ở tập truyện này, họ là những người lên tiếng. Cách lên tiếng của các nhân vật “lặng im” ấy cũng chứa đựng nhiều thú vị. Đó là một thanh âm trong bản hòa âm tổng thể của các tiếng nói nhân vật trong tác phẩm, thanh âm của sự im lặng lần đầu được khai phóng.

Nếu ở nguyên tác Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài chỉ cho biết rằng Mị đã trốn thoát khỏi nhà Thống lí Pá Tra và đuổi theo A Phủ, họ gặp được nhau, trở thành vợ chồng và cùng nhau chiến đấu bảo vệ quê hương. Thì ở tập truyện này, chúng ta sẽ thấy được trong hành trình Mị trốn khỏi nhà Thống lí Pá Tra ấy, còn có một nhân vật ẩn mờ sau lớp chữ, đó là tên thuộc hạ của Pá Tra được sai đuổi theo bắt Mị. Và lần xuất hiện này trong “Những khán giả ngồi trong bóng tối”, hắn sẽ lên tiếng thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Vẫn mang thông điệp của nguyên tác về sự giải phóng con người, nhưng Hiền Trang thêm một câu chuyện khác, một không gian văn học mới để tác phẩm đến gần hơn độc giả.

Hay ở truyện “Xuân Tóc Đỏ chơi xỏ Diêm Vương” được nối tiếp ý tưởng từ nguyên tác Số Đỏ. Nhân vật kể lần này là ngôi thứ 3, kể lại việc sau khi mất, bị đày xuống địa ngục rồi nhưng Xuân Tóc Đỏ vẫn không bỏ thói khôn lõi của mình, liên tục kháng án bằng những luận điệu rất ba hoa. Không những thế, hắn còn thách đánh quần vợt với Diêm Vương - quán quân quần vợt cõi thánh, và cuối cùng bởi một cú ăn may hắn đã thắng Diêm Vương. Đến Diêm Vương cũng phải thốt lên “xuống đến mười tám tầng địa ngục rồi mà số mầy vẫn đỏ”.

Nhờ vào sự tưởng tượng phong phú, mở ra nhiều chiều kích cho tác phẩm, ở mỗi câu chuyện đều mang đến cho độc giả sự tò mò thích thú về phía sau của tác phẩm/nhân vật mà mình đã, đang đọc. Đồng thời với những mẩu chuyện giàu màu sắc siêu thực và tân hình thức, tập truyện vừa tạo ra một sự kết nối độc giả với tác phẩm, vừa nhen nhóm vào độc giả một sự đồng sáng tạo mới, như tác giả bộc bạch: “Khi cuốn sách này ra đời, điều tôi mong muốn nhất đơn giản là sau nó, lại có người khác tiến lên, vẽ tiếp vào chân dung những nhân vật bất tử ở đây”.

Hiền Trang sinh năm 1993, hiện sống và viết tại Hà Nội và đã có 7 đầu sách được xuất bản, tác giả từng đoạt một số giải thưởng uy tín như Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VI và VII. Tập truyện kể “Những khán giả ngồi trong bóng tối” của cô còn chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, triết học hấp dẫn, bằng những góc nhìn rất điện ảnh. Tác giải chắp thêm đôi cánh từ trí tưởng tượng sắc sảo bằng ngôn ngữ hoạt bát, chuyển điệu, mới mẻ thích hợp cho bạn đọc nhiều lứa tuổi. Hình ảnh của truyện kể thấm đẫm yếu tố huyền thoại truyền thống xen lẫn những nét độc đáo của hiện thực huyền ảo thế giới. Sự chuyển động liên tục, bất ngờ và đa dạng của các câu chuyện giúp người đọc cảm giác như đang xem một chiếc đèn kéo quân thân quen và lung linh rực rỡ.

Bản chất của văn học là sự sáng tạo phái sinh, việc phát huy tối đa sự tưởng tượng của độc giả thông qua các văn bản “căn bản” là vô cùng quan trọng. Tập truyện “Những khán giả ngồi trong bóng tối” thực sự mở ra cho chúng ta những góc nhìn mới, thôi thúc độc giả mạnh dạn tư duy, biết đâu sau trang sách của Hiền Trang sẽ là những tác phẩm của các bạn, nối tiếp vô cùng tận!

PHƯƠNG ANH

.