Đà Nẵng cuối tuần

Làm mới du lịch

08:25, 22/10/2023 (GMT+7)

Vừa qua, tại hội nghị đánh giá hoạt động du lịch thành phố 9 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm và năm 2024, lãnh đạo thành phố ghi nhận, biểu dương những đóng góp quan trọng của ngành du lịch vào tăng trưởng chung của thành phố. Du lịch Đà Nẵng tiếp tục là điểm sáng nhất trong các lĩnh vực kinh tế, là động lực cần quan tâm thúc đẩy trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề nghị ngành du lịch cần quan tâm hơn nữa đến xu hướng, hành vi, thói quen du lịch của du khách, việc khai thác xúc tiến tại thị trường mới, làm mới sản phẩm du lịch cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.

Du khách Hàn Quốc tham quan khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ
Du khách Hàn Quốc tham quan khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Trong bối cảnh chung về tình trạng nền kinh tế chưa phục hồi bình thường sau đại dịch, kết quả của ngành công nghiệp không khói là điểm đáng hoan nghênh. Hoạt động của ngành du lịch thành phố thời gian qua là điểm sáng thuyết phục, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có nhiều tín hiệu vui cả về lượng du khách, doanh thu và đóng góp vào ngân sách.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách lưu trú ước đạt 5,8 triệu lượt, tăng 134,8% so với cùng kỳ (trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 269,6% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 105,6% so với cùng kỳ). Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 21.123 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ (trong đó, doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 11.351 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ).

Vẫn còn những con số đặt ra ở đây cho ngành du lịch thành phố, khi lượng khách du lịch đi lẻ đang chiếm tỷ lệ rất cao với khoảng 80% tổng lượt khách lưu trú. Khách du lịch đi theo đoàn do lữ hành khai thác chỉ chiếm 15-20%. Top đầu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng là Hàn Quốc đạt 770.211 lượt khách (48,1%), Thái Lan đạt 147.724 lượt khách (9,2%), Đài Loan (Trung Quốc) đạt 123.936 lượt khách (7,7%), Mỹ đạt 74.503 lượt khách (4,7%), Ấn Độ đạt 67.456 lượt khách (4,2%).

Như vậy, việc đặt mục tiêu năm 2024 khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt; 2025 đạt 2,8 triệu lượt là thách thức đối với ngành du lịch thành phố, cần có nhiều việc cần phải làm cụ thể hơn để có thể hoàn thành các chỉ tiêu này.

Thành phố đã ban hành và chỉ đạo triển khai đề án định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng nhiều giải pháp mang tính đột phá về du lịch, cũng như triển khai nhiều đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang, với mong muốn hình thành hình thức du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn. Đi liền với đó là đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến các thị trường du lịch Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore…

Bản chất của du lịch là đi chơi, được ăn ngon, được ngủ với chất lượng cao… nhưng trên tất cả, sản phẩm du lịch phải tạo ra sự ngạc nhiên. Nếu không tạo ra và duy trì sự ngạc nhiên với du khách thì khó thu hút bền lâu. Các công trình và di tích không thể “làm mới” theo kiểu giả cổ, điều này không khéo lại phản tác dụng. Một lâu đài, một kỳ quan sông núi, một quần thể di sản… tự nó có sức hút to lớn. Vấn đề “mới” là cung cách phục vụ, nội dung thuyết minh và xây dựng kịch bản mới trong các lễ hội. Người hướng dẫn theo các tour không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn có kiến thức vững chắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc…

Việc nâng cao chất lượng thuyết minh cho đội ngũ làm chức năng cầu nối này cần được lưu ý đúng mức, tránh tình trạng “nghe kể” vốn tam sao rồi kể lại với du khách một cách thất bản. Tạo ra môi trường thân thiện trong hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc thu hút du khách. Thật thú vị và hài lòng khi được đến những điểm với nhiều điều để trải nghiệm một cách thân thiện, tin cậy. Từ chuyện ứng xử nơi công cộng đến việc mua bán văn minh tại các chợ, từ chất lượng dịch vụ và trình độ của các nhân viên khách sạn, tất cả đều trực tiếp tác động đến hoạt động du lịch.

Việc xây dựng đẳng cấp thành phố du lịch là hết sức khó, giữ được thương hiệu này của “thành phố đáng sống” càng khó hơn. Môi trường thân thiện, đường sá phong quang sạch sẽ, từ lâu là tiêu chí phổ biến. Có rất nhiều ví dụ gần xa nói lên sự quản lý chuyên nghiệp ngành đi chơi này.

Vì sao thời gian gần đây du khách quay lưng với điểm đến du lịch của một thành phố đảo phía Nam, vốn được nhiều du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ? Giá cả không được kiểm soát hợp lý và nhất là chất lượng dịch vụ chậm đổi mới là nguyên nhân chính. Có những điểm đến và những món ăn du khách chỉ “thử” một lần, bởi nó nhàm chán, thiếu sinh khí và nhất là không có chi lạ cả. Việc ổ bánh mì có thương hiệu quốc tế ở thành phố Hội An gần chúng ta không còn là chuyện bánh mì, mà là sự kiểm soát vệ sinh thực phẩm vốn xưa nay rất nhạy cảm. Lấy lại danh tiếng khó hơn vạn lần.

Đà Nẵng có những thứ không nơi nào có được, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bãi biển trải dài với bờ cát trắng mịn, đường lên tiên cảnh Bà Nà… từ lâu được du khách trong và ngoài nước ấn tượng. Làm sao để có thêm các sản phẩm du lịch mới, độc đáo đang là đòi hỏi không chỉ của ngành chức năng. Để trở thành thiên đường mua sắm, ẩm thực đường phố hàng đầu… đòi hỏi sự tập trung đầu tư lớn và chắc không thể sớm chiều, nhưng xây dựng một chất lượng phục vụ tốt nhất, thân thiện nhất là điều cần đầu tư một cách cụ thể hơn nữa.

Trên thế giới, hiếm có thành phố nào có được một dòng sông chảy ngang qua một cách đẹp đẽ và cuốn hút như dòng sông Hàn, tuy nhiên vẫn chưa có những sản phẩm du lịch sông nước ngang tầm. Người ta gọi Venice là thủ đô cà phê của thế giới, nhiều người nói rằng cà phê ở Đà Nẵng vào loại ngon nhất nước, vấn đề là cần có định hướng và lưu ý trong việc hỗ trợ và quảng bá phù hợp.

Thời gian qua, từ trận mưa ngập lịch sử vào giữa tháng 10-2022, các giải pháp mà thành phố đang đặt ra để Đà Nẵng hết ngập khi phải hứng chịu những trận mưa lớn, nhất là khu vực trung tâm cũng là những công việc cụ thể để duy trì tiếng thơm thành phố đáng đến trong lòng du khách.

NHÃ ĐAN

.