Đà Nẵng cuối tuần
Lo sợ AI
Đầu tháng 12-2023, các công ty công nghệ toàn cầu bắt đầu cắt giảm nhân sự một lần nữa và đổ hàng tỷ USD đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). Điều này càng làm dấy lên những lo ngại về việc AI phát triển không kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, thậm chí con người không cần việc làm nữa vì AI có thể làm mọi thứ.
Chính Công ty OpenAI vốn sáng tạo ra ChatGPT cũng lo ngại về các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dùng và sự phát triển không kiểm soát của AI. Ảnh: AP |
Ngày 30-11-2023 đánh dấu 1 năm ngày ChatGPT của Công ty OpenAI ra mắt thế giới. Sự xuất hiện của ChatGPT góp phần thay đổi ngành công nghệ và nhiều lĩnh vực của đời sống. Nhà khoa học Fei-Fei Li chuyên về AI gọi đây là “khoảnh khắc chuyển tiếp”. “Hy vọng năm 2023 được ghi nhớ vì những thay đổi sâu sắc của công nghệ cũng như sự thức tỉnh của công chúng. Nó cũng cho thấy công nghệ này lộn xộn đến mức nào”, bà Fei-Fei Li nói.
Hoảng loạn vì AI
Cơn hoảng loạn AI đầu tiên xảy ra ngay sau ngày đầu năm mới 2023, khi các lớp học mở cửa trở lại và các trường từ Seattle (Mỹ) đến Paris (Pháp) bắt đầu chặn ChatGPT. Học sinh, sinh viên đã yêu cầu chatbot này soạn bài luận và trả lời các bài kiểm tra mang về nhà.
Mối lo lắng ngày càng gia tăng khi AI không chỉ đưa ra từ ngữ mà còn cả hình ảnh mới, âm nhạc và giọng nói, từ đó đe dọa sinh kế của nhiều người. Một số nhà khoa học cảnh báo, sự phát triển không được kiểm soát của AI đang tiến tới việc công nghệ này thông minh hơn con người và có thể đe dọa sự tồn tại của con người. Thống kê từ Statista - nền tảng trực tuyến của Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu cho hay, đến năm 2024, khoảng 8,4 tỷ trợ lý giọng nói sẽ được sử dụng. Hôm 4-12, dịch vụ nhạc trực tuyến Spotify của Thụy Điển thông báo đợt cắt giảm nhân sự thứ ba trong năm đối với khoảng 1.500 nhân viên (17% nhân sự). Nokia dự kiến giảm số nhân viên từ 86.000 người xuống còn khoảng 72.000 - 77.000 người.
Điều đáng nói, deepfake (kỹ thuật sử dụng AI để tạo hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật) đã và đang len lỏi vào các chiến dịch bầu cử ở Mỹ năm 2024. AI có thể bắt chước giọng của chính khách, tạo ra những video và văn bản chân thực đến mức cử tri khó phân biệt đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm của máy tính. Dư luận Mỹ cũng ngày càng quen thuộc với cụm từ “cuộc bầu cử AI đầu tiên của nước Mỹ”.
Sự phát triển quá nhanh của AI khiến các nhà sáng tạo ra nó hoảng sợ. Ngay cả các nhà quản lý của OpenAI cũng lo ngại về việc công ty này sa đà với lợi nhuận mà bỏ quên định hướng phát triển vì lợi ích chung của loài người và giảm thiểu các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dùng cũng như ngăn ngừa sự phát triển không kiểm soát của AI.
Mới đây, Nghị viện châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về việc soạn thảo quy định quản lý sử dụng AI. Đây là nền tảng để xây dựng Luật AI của châu Âu - khuôn khổ pháp lý đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực này. Luật AI mới sẽ mất vài năm để có hiệu lực hoàn toàn và các cơ quan lập pháp khác - bao gồm cả Quốc hội Mỹ - vẫn còn một chặng đường dài mới ban hành luật của riêng họ.
Nâng cao khả năng và sự hợp tác của con người
Tỷ phú Elon Musk - ông chủ mạng xã hội X - hồi đầu tháng 11-2023 khẳng định sẽ đến lúc con người không cần việc làm nữa bởi AI có thể làm mọi thứ. Có dấu hiệu nào cho thấy dự đoán này đã trở thành sự thật?
Theo một báo cáo mới đây của ứng dụng trực tuyến ResumeBuilder, 37% trong số 750 lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng AI cho biết, công nghệ này đã thay thế công nhân trong năm 2023. Trong khi đó, 44% cho biết sẽ tiếp tục có tình trạng sa thải nhân viên vào năm 2024 do tác động của AI. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với quan điểm của Musk. Bà Julia Toothacre - nhà chiến lược tại ResumeBuilder nhận ra rằng những con số từ nghiên cứu của họ có thể không phản ánh chính xác bối cảnh kinh doanh rộng lớn. “Vẫn còn rất nhiều tổ chức truyền thống và doanh nghiệp nhỏ không nắm bắt công nghệ theo cách mà một số công ty lớn hơn đã làm”, bà Toothacre nói.
Thực tế, những dự báo, thống kê về số người bị sa thải do AI đang gây ra nỗi sợ hãi. Theo báo cáo về trạng thái AI tại nơi làm việc năm 2023 của Công ty Phần mềm cộng tác và quản lý dự án Asana, nhân viên tại đây nói rằng 29% công việc của họ có thể được thay thế bằng AI. Tuy nhiên, Asana đã đề xuất sáng kiến “AI lấy con người làm trung tâm” nhằm tìm cách nâng cao khả năng và sự hợp tác của con người chứ không thay thế hoàn toàn con người. Báo cáo cũng cho biết, mọi người càng hiểu AI lấy con người làm trung tâm thì họ càng tin rằng nó sẽ có tác động tích cực đến công việc của họ.
Tính đến năm 2022, 34% dân số toàn cầu vẫn không tiếp cập internet. Vì vậy, bất kỳ cuộc thảo luận nào xung quanh tác động của AI đến việc sa thải và khả năng tái cơ cấu công việc cũng cần phải bao gồm việc thảo luận về khoảng cách rộng hơn giữa người có tiếp cận công nghệ và người không tiếp cận. Các nhà khoa học cũng cho rằng, không có bằng chứng cho thấy những tiến bộ công nghệ sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Ông Marc Cenedella - người sáng lập Công ty Leet Resumes and Ladders có trụ sở ở Mỹ nhận định: Lực lượng lao động có lịch sử linh hoạt và năng lực công nghệ gia tăng thì có thể mang lại công việc có giá trị cao hơn.
KHÁNH LINH (theo AP, CNBC)