Đà Nẵng cuối tuần
Âm nhạc chữa lành
Những ngày cuối tuần, bên trong góc sân Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) lại rộn rã tiếng cười nói xen lẫn những âm thanh tí tách phát ra cùng lúc của nhiều chiếc đàn ukulele. Ở đó, một lớp học nhạc miễn phí dành cho trẻ khiếm thị được tổ chức từ tâm nguyện, khát vọng của những người yêu âm nhạc, muốn dùng âm nhạc để chữa lành những vết thương.
Anh Trương Lương Hy đang dạy đàn cho các em khiếm thị. Ảnh: P.C |
“Triết lý” dạy đàn ở nơi đây không cao siêu, trừu tượng mà chỉ đơn thuần là tiếp cận nhạc cụ trong một tâm thế vui vẻ, thoải mái. Người học đàn không chỉ rèn luyện được tính kiên nhẫn, bền bỉ trong từng động tác, bài học mà hơn hết là tìm được những âm thanh trong trẻo, thảnh thơi của cuộc đời...
Âm thanh đẹp nhất
Người khởi xướng và trực tiếp dạy đàn ukulele cho các em khiếm thị tại trung tâm là anh Trương Lương Hy, chủ cơ sở dạy đàn Mi-Fa-Do (tổ 53, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê). Anh cho rằng, thế giới của các em chỉ còn âm thanh và âm thanh đẹp nhất chính là âm nhạc. Chỉ khi những đôi tay non nớt mò mẫm theo từng nốt nhạc rồi cất lên thành tiếng mới có thể giúp các em mường tượng về một thế giới tươi đẹp, khác với một thế giới bóng đêm trong đôi mắt.
Mân mê từng đường nét của cây đàn ukulele trên tay, rồi bất chợt đưa cây đàn lên mũi để hít hà mùi gỗ mới, em Nguyễn Tuấn Hậu (quê ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không giấu nổi niềm vui, thích thú khi tiếp cận nhạc cụ này. Ở tuổi 19, Hậu đã có 13 năm sinh sống, học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Bị suy giảm thị lực hơn 80% từ lúc lọt lòng, Hậu chỉ nhìn thấy mọi vật xung quanh ở một khoảng cách rất gần. Nhưng bấy nhiêu đó cũng là điều may mắn nhất của Hậu so với các bạn ở cùng trung tâm.
Hằng ngày, Hậu làm “người dẫn đường” cho các bạn trong các hoạt động, sinh hoạt tại đây và tham gia học tập hòa nhập cộng đồng tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền gần đó. Khi nghe có lớp dạy nhạc ukulele được tổ chức vào cuối tuần tại trung tâm, Hậu háo hức đăng ký. “Em cũng đã được học qua một số nhạc cụ, nhưng nếu được học thêm cách chơi đàn ukulele thì em vẫn rất muốn. Bởi đây là cách tốt nhất thể hiện cảm xúc của mình cũng như gần gũi với mọi người hơn”, Hậu cho biết.
Chia sẻ về cơ duyên dạy đàn ukulele cho các em khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, anh Hy cho biết, dự định này đã được anh ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Tốt nghiệp Học viện âm nhạc Huế từ năm 2011, anh Hy lựa chọn con đường riêng của mình, đó là mở lớp dạy đàn guitar, piano, organ cho các học viên, đặc biệt là các em nhỏ. Ngoài thời gian đứng lớp, anh tham gia cùng các hội nhóm tổ chức các hoạt động thiện nguyện hướng về các đối tượng như người khuyết tật, các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số.
“Trong một lần đến thăm cơ sở massage của người khiếm thị tại quận Thanh Khê, mình như lặng người khi chứng kiến một nhân viên khiếm thị tại đây chơi đàn guitar. Tiếng đàn gợi lên nhiều suy nghĩ và thần thái của người chơi đàn vừa đăm chiêu lại vừa rạng rỡ, nó cho mình thật nhiều cảm xúc thật khó tả. Dự định về việc mở một lớp dạy đàn cho người khiếm thị như được tiếp thêm sức mạnh khi mới đây người thầy của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện dự án trao tặng 100 chiếc đàn ukulele do thầy trực tiếp làm cho các em nhỏ khuyết tật, khó khăn tại các cơ sở, trung tâm bảo trợ trên khắp cả nước và tổ chức dạy cho các em biết chơi nhạc cụ này. Nghĩ là cơ duyên đã đến, mình mạnh dạn xin thầy 15 cây đàn để tặng cho các em tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, đồng thời tổ chức đứng lớp, dạy miễn phí cho các em vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần”, anh Hy chia sẻ.
“Triết lý” dạy đàn của anh Hy không cao siêu, trừu tượng mà chỉ đơn thuần là tiếp cận nhạc cụ trong một tâm thế vui vẻ, thoải mái. Người học đàn không chỉ rèn luyện được tính kiên nhẫn, bền bỉ trong từng động tác, bài học mà hơn hết là tìm được những âm thanh trong trẻo, thảnh thơi của cuộc đời. Học đàn đối với người bình thường đã khó, với người khiếm thị càng gian nan bội phần, khi con đường tiếp cận giáo trình của thầy chỉ là một màu đen trong đôi mắt. Vì thế, đằng sau những thanh âm tí tách được cất lên chính là sự nhẫn nại, tập trung, phát huy cao độ thính giác để lĩnh hội những bài học, từ đơn giản đến phức tạp.
“Song song với việc trực tiếp cầm tay chỉ việc, uốn nắn từng động tác ngón tay, nhịp, phách là phải giải thích kỹ lưỡng cho các em. Mỗi động tác mình làm mẫu thực hiện nhiều lần bởi các em chỉ cảm thụ qua thính giác, rồi mới hình dung được. Cách tiếp cận, nhận thức của mỗi em khác nhau nên kết quả cũng khác nhau. Nếu sai thì mình hướng dẫn lại. Điều cảm thấy an ủi nhất chính là sự háo hức, vui sướng của các em khi thực hiện thành công một động tác. Và đằng sau đó là ánh mắt chờ đợi hạnh phúc của người nhà khi chứng kiến”, anh Hy tâm tình.
Ước mơ cất thành tiếng
Nép mình một góc khuất để quan sát con học, đôi mắt anh Nguyễn Văn Quảng (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) thỉnh thoảng lại ánh lên sự rạng rỡ. Nguyễn Tú Anh, cô con gái lên 7 bé bỏng của anh khi chào đời đã bị khiếm thị. Là lao động phổ thông, cuộc sống đắp đổi qua ngày nhưng anh Quảng đã dành nhiều công sức, tiền bạc để chữa chạy, giúp con đi tìm ánh sáng của cuộc đời. Khi đã chấp nhận sự thật, anh càng dành nhiều thời gian hơn để đưa đón con tham gia các lớp học, hoạt động hòa nhập cộng đồng.
“Cháu vẫn còn quá nhỏ để hiểu, biết hết những khó khăn, thiệt thòi ở phía trước. Điều mà tôi muốn cho cháu học lớp đàn này là để trang bị thêm năng khiếu âm nhạc, trước hết là để cháu giải tỏa tâm hồn và sau nữa nếu được, là một công cụ để cháu cảm thấy tự tin hơn khi bước ra đời sau này”, anh Quảng cho biết.
Anh Hy cho rằng, khi những đôi tay non nớt mò mẫm theo từng nốt nhạc rồi cất lên thành tiếng có thể giúp các em mường tượng về một thế giới tươi đẹp. Ảnh: P.C |
Tranh thủ giờ giải lao, em Võ Thành Nhân (trú xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hát tặng mọi người loạt ca khúc về Hà Nội. Trong trí tưởng tượng của Nhân, Hà Nội là một nơi đẹp, mê hoặc, ở đó có Lăng Bác, Hồ Gươm, có mùa thu với hương sắc xao xuyến… Nhân bị mù hoàn toàn từ lúc lọt lòng, là anh trai đầu trong một gia đình có 4 anh em, ba mẹ là nông dân lam lũ ở vùng cát trắng. Thấu hiểu nỗi vất vả của ba mẹ và con đường gập gềnh phía trước, em xin bố mẹ ra đăng ký học tại trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Hằng ngày, Nhân vịn vai, nắm tay áo để bạn dắt đến học kiến thức hòa nhập tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Thời gian còn lại em tham gia các lớp học năng khiếu được tổ chức tại Trung tâm.
Ở tuổi 17, Nhân cảm nhận sâu sắc được những nỗi buồn tủi của bản thân, những thiệt thòi mình đối mặt và cả những dè bỉu, cười chê của những người bạn không hiểu chuyện. Nhưng có lẽ động lực để Nhân bước tiếp, chính là khuôn mặt khắc khổ của ba mẹ trong trí tưởng tượng của em hay cảnh sắc đất trời Việt Nam trong từng lời ca, tiếng hát mà em đã được nghe nhưng chưa một lần đặt chân đến. Những dịp cuối tuần, các bạn ở xa đều được ba mẹ đón về nhà. Nhân chọn cách ở lại, để ba mẹ khỏi phải tốn một khoản tiền đưa đón, em gác nỗi nhớ vào trong, tập trung rèn luyện các môn âm nhạc.
“Khi biết có lớp học của thầy Hy tổ chức dạy đàn ukulele tại đây, em chủ động đăng ký tham gia. Là người khuyết tật, em không thể tham gia cùng các bạn chạy nhảy, đá bóng, nhưng khi học được cách chơi đàn, em có thể cùng các bạn tham gia giao lưu, hát cho các bạn nghe, biểu diễn cho mọi người thưởng thức. Hơn nữa, ba mẹ đã khổ khi sinh ra em nên sau này em muốn mình có thể tự nuôi sống được bản thân bằng cách chơi các nhạc cụ và may mắn hơn là có thể phụ ba mẹ nuôi, lo cho các em”, Nhân tâm sự.
Khởi đầu bằng khát khao chữa lành tâm hồn cho các em, anh Hy đang có những ấp ủ, dự định dài hơi cho dự án của mình. Sự háo hức, chăm chú và hơn hết là hiểu được ý nghĩa, mục đích tham gia lớp học của từng học viên là động lực để lớp học duy trì, mở rộng.
“Các em hoàn toàn có thể làm chủ được các nhạc cụ và tự tin biểu diễn, thể hiện cảm xúc của mình qua những lời ca, nhạc điệu. Hiện tại mình đang tìm cách soạn thảo, chuyển thể một số ca khúc bằng chữ viết thông thường sang chữ nổi Braille để phục vụ các bạn. Về lâu dài, những em học viên có năng khiếu vượt trội mình sẽ đào tạo chuyên sâu để có thể làm chủ các kỹ thuật, phương pháp sư phạm. Chính các bạn sẽ là trợ giảng, thậm chí là những người thầy, người cô hỗ trợ mình cùng viết tiếp ước mơ, dự án này. Bởi lợi thế của các học viên xuất sắc này chính là sự đồng cảm, thấu hiểu và ưu thế vượt trội trong khả năng diễn đạt. Khi có sự đồng cảm, sẻ chia, mình nghĩ điều đọng lại chỉ còn là hạnh phúc ấm lòng”, anh Hy cho biết thêm.
Âm nhạc chính là một trong những món quà kỳ diệu của cuộc sống. Đối với các em khiếm thị tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng, điều kỳ diệu ấy đang được nhen nhóm, thắp lên bằng những hành động, cử chỉ yêu thương. Những âm thanh trong trẻo ấy là hiện thực hóa, là sự tưởng tượng của những ước mơ bé mọn, những tâm hồn khát khao được nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp bằng cảm nhận của riêng mình…
PHAN CHUNG