Đà Nẵng cuối tuần

Ngược gió sông Thu

22:45, 03/12/2023 (GMT+7)

Mặt trời thấp dần sau đỉnh Cà Tang. Gió thổi ngược từ dưới lòng Thu Bồn lên làm những thân tre kẽo kẹt, ngả nghiêng. Từng lọn tóc tre hững hờ buông theo chiều gió. Lũ gà chạy quanh nhà lục tục đòi ăn cữ tối để lên chuồng. Bà Liên vốc từng nắm lúa vãi ra sân, lũ gà xúm lại, mổ liên hồi trên cái nền sân cũ mấp mô. Bà đưa tay lên đếm, 5 con gà mái mẹ, chục con gà giò với đàn gà con líu ríu chân tăm. Bà đếm đi đếm lại thêm 2 lần nữa. Con gà trống choai lại ham chơi lờn vờn sang nhà hàng xóm rồi ở lại luôn với đàn gà bên ấy. Bao nhiêu bận bà phải sang hàng xóm lùa về. Đã nhốt lại mấy lần mà hễ cứ thả ra là chàng ta lại quen chân.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bà vào nhà bắc nồi nước chè tươi trên bếp xuống lấy chỗ nấu cơm. Bà cời mớ tro hãy còn âm ấm, bẻ từng que củi nhỏ bỏ vào trước, kế đến là mớ củi to hơn bên ngoài. Bà tìm cái bật lửa, nhóm bếp. Khói từ căn bếp tỏa ra, chờn vờn loang trên mái nhà. Chiều êm ả như ru lướt qua ngôi nhà nằm gần bờ sông. Bà vo gạo, bắc cái nồi mà đế đã đen bóng vì bếp củi lên bếp. Mấy bà hàng xóm bảo bà Liên mua lấy cái bếp ga, bật cái tách là có lửa cần gì phải lọ mọ nhen nhóm củi lửa.

Bà Liên lắc đầu, nấu cơm kho cá bằng bếp củi mới ngon. Cá sông mà kho liu riu trên bếp củi nhỏ lửa, rắc thêm vài lá nghệ là thơm điếc mũi. Bà nói thằng Tâm con bà ghiền cơm nấu bằng bếp củi có lớp cơm cháy xém dưới đáy nồi. Bởi vậy, nhà có nồi cơm điện để dành cho lúc bận bịu, còn có thời gian bà vẫn nấu cơm canh trên cái bếp củi được kê sơ sài bằng ba cục gạch.

Cơm cạn, bà dụi mớ củi đang cháy xuống tro, ủ cơm bằng mớ than hồng. Rồi bà cầm cái rổ, ra vườn ngắt mớ ngọn rau lang mơn mởn. Bà bấm ngón cái vào ngọn rau chừng một gang tay, nhựa rau lang ứa ra bám vào móng tay đen đúa. Đám rau này bà bảo hàng xóm ai muốn ăn thì qua ngắt ngọn. Cứ sau một đợt hái, chúng lại đâm đọt mới, xanh um. Một loáng sau, dĩa rau lang luộc xanh mướt đã bày trên cái bàn gỗ, bên cạnh là chén mắm cái giã ớt và tô nước luộc rau có vắt quả chanh. Thêm vài con cá diếc sông kho lạt với rau răm là xong bữa chiều của hai má con.

Bà Liên nhìn cái đồng hồ cũ mèm, đã sứt mất cây kim giây treo trên vách tường cũ ố vàng mà Tâm vẫn chưa thấy về. Con Trập nằm ngoài sân đợi chủ. Một lát sau, nó sủa váng lên, đuôi ngoáy tít. Tâm đẩy cái cổng sắt cũ đã hoen rỉ, mỗi lần ai đụng vào là kêu lên kin kít, rồi lái xe vào trong sân. Vừa gạt chân chống Tâm vừa nói:

- Má chờ con chi, con nói rồi thấy con về trễ má ăn trước chứ đợi con má đói.

Bà Liên cười hiền, bảo nhà có hai má con, ăn trước mất ngon. Bà giục con tắm rửa rồi ăn cơm kẻo đói. Tâm qua tuổi 30 đã vài năm mà vẫn chưa chịu cưới vợ khiến bà Liên sốt ruột. Mỗi lần giục Tâm coi đứa nào được thì rước về cho má hủ hỉ vui buồn thì Tâm gãi đầu bảo mình còn bận tính chuyện làm ăn. Mà Tâm bận thiệt, đi tối ngày với mớ dự án trồng cây nuôi cá làm kinh tế nông nghiệp.

Tâm có nói về những dự án của mình nhiều lần, bà Liên nghe xong chỉ gật đầu chứ thực tình chẳng hiểu gì mấy. Một má một con, bà trầy trật cõng mưa cõng nắng nuôi con ăn học. Hồi Tâm đem về nhà tờ giấy báo đậu đại học bà len lén ra sau nhà ngồi khóc. Mừng cho con mà chẳng hiểu sao nước mắt cứ chảy dài trên má. Tâm học ở thành phố 4 năm rồi quay về với mớ dự án trồng cây nuôi cá.

Tâm đưa tay vuốt mái tóc còn ướt vừa ngồi xuống ghế giở lồng bàn. Bà Liên bới chén cơm đưa cho con.

- Bữa ni có dĩa rau lang luộc ngon quá má. Con ăn hoài mà không ngán.

Thấy con ăn ngon miệng bà Liên mỉm cười. Bà gắp con cá diếc bỏ vào chén con. Mùa này cá diếc sông béo ngậy, kho lạt với rau răm ngọt lừ. Con Trập nghếch cái mõm lên hóng. Tâm cảm thấy vui khi cho nó cái đầu cá.

Cơm nước xong Tâm ra nằm trên cái võng mắc vào cây ổi sau nhà. Gió từ sông thổi lên mát rượi. Lẫn trong gió, Tâm nghe có cả mùi thơm của mấy đám bắp đang trổ cờ, mùa bông bưởi hàng xóm, mùi của trái ổi chín lấp ló trong kẽ lá…

Trước kia thỉnh thoảng Tâm có hỏi má về ba. Bà Liên nghe con hỏi lặng im nhìn ra dòng Thu Bồn xanh ngắt. Tâm biết má không muốn nhắc, hẳn chuyện cũ khiến má đau lòng nên dần dà anh cũng không hỏi nữa. Dòng sông bên lở bên bồi y như cuộc đời buồn thiu một mình nuôi con của má.

Một bữa bà Liên đang cúi đầu thổi lửa nấu cơm chợt có người đàn ông bước vào sân hỏi có phải đây là nhà bà Liên? Con Trập trông lanh chanh nhưng cũng chỉ đứng từ xa mà sủa váng lên. Bà Liên vừa la con chó vừa lật đật chạy ra trên tay còn cầm cây đũa xới cơm. Chợt cây đũa rơi xuống đất. Người đàn ông đứng trong sân, dẫu lưng còng tóc bạc nhưng từng đường nét gương mặt ấy bà làm sao mà quên được…

Hơn ba mươi năm trước, Liên là cô gái chèo đò đưa khách sang sông. Tinh mơ, các bà các chị kĩu kịt gánh rau sang bến chợ bên kia sông. Thu Bồn hiền hòa hai bên xanh mướt nào là dâu, bắp, đậu… Những bãi bồi phù sa tưới tắm cho những vạt rau lang, rau cải mơn mởn. Bến đò sớm lao xao tiếng cười, tiếng nói. Thời đó, không đường không sá, đò là phương tiện duy nhất để người làng sang bên kia sông. Miền sơn cước nằm lọt thỏm giữa núi non, sông Thu Bồn như dải lụa nằm giữa lưng chừng trời.

Vài ba bữa, đò dưới xuôi lại ngược dòng chở theo nào cá biển, mắm nước, mắm cái, cá thính, cá khô cập bến đò dưới chân chợ… Họ là dân buôn nghe đâu ở tút dưới Hội An, Duy Xuyên ngược dòng. Đò cập bến, những thùng cá mắm ấy nhanh chân được mấy bà buôn mắm trong chợ mua lấy rồi bán lại. Xứ này đâu đâu cũng toàn là núi, thứ đồ tươi dưới biển đem lên tới đây đôi khi chẳng còn tươi nhưng là mặt hàng luôn đắt ở chợ. Thuyền chở cá dưới xuôi lên rồi thuyền lại ăm ắp những sản vật miền núi như mít non, khoai sắn xuôi dòng… Hồi đó, mấy bà hàng xóm thường ầu ơ ru con: “Ai về nhắn với nậu nguồn / Chứ mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên…”.

Trong đám ghe thuyền của dân buôn ngược dòng ấy có chàng trai trẻ măng vẫn hay ngồi thắt thẻo nơi đầu ghe chờ tới xế chiều để xuôi dòng. Đám đàn ông dân buôn mỗi bận ghé bến đò thường khề khà ngồi uống rượu. Họ ngoắc chàng trai lên bến làm vài ly nhưng anh ta lắc đầu. Cái dáng ngồi một mình giữa mênh mông sông nước khiến Liên mỗi bận chèo đò qua lại vẫn hay liếc nhìn. Dáng ngồi sao mà buồn, mà cô đơn đến thế! Rồi một bữa anh ta quay lại nhìn, đụng ánh mắt cô gái chèo đò đang nhìn trộm mình bỗng cả hai nóng ran khuôn mặt. Liên bối rối quay đi, dòng sông loang loáng không soi được gương mặt cô đỏ lựng trong ánh nắng chiều.

Rồi vài tháng sau, người ta tủm tỉm cười khi thấy chàng trai ngồi cùng cô gái chèo đò trong lúc đợi khách sang sông. Chàng trai tên Thanh, người dưới Cửa Đại. Thanh nói Cửa Đại là nơi con sông Thu Bồn chảy vào biển. Còn quê Liên là thượng nguồn của dòng sông. Từ chỗ Thanh ở, đi đò ngược mấy ngày là tới quê Liên. Ba má Thanh là dân biển, ủ cá làm mắm, phơi khô. Thanh nghỉ học sớm, theo ghe thuyền ngược dòng kiếm ít tiền phụ ba má nuôi em.

Từ đó Liên hay trông ngóng những chuyến đò ngược. Trong mớ ghe thuyền của dân buôn ấy có bóng dáng người đàn ông Liên thương. Thanh bảo đợi chừng chục chuyến ghe ngược nữa là xin ba má đem sính lễ cưới Liên làm vợ. Liên thẹn thùng bảo nào ai đồng ý đâu mà đã làm đám cưới…

Năm ấy lũ về sớm. Dòng Thu Bồn thường ngày hiền lành trong xanh là thế mà nay trở nên đục ngầu, hung hãn. Thượng nguồn tuôn xối xả, tức tưởi cuốn theo bao nhiêu là cây cối, nhà cửa. Lúa bắp ngã rạp, những ngôi nhà chới với trong làn nước. Lũ rút để lại một lớp bùn non nhão nhoét trên đường làng, xác trâu bò, động vật ngổn ngang. Liên đứng bên bờ sông nhìn dòng nước đục ngầu cuồn cuộn về xuôi.

Sau cơn lũ lớn ấy không thấy Thanh quay trở lại bến đò. Rất nhiều ghe thuyền của dân buôn ghé bến nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng Thanh đâu. Khi cái bụng của Liên lấp ló dưới vạt áo, mẹ Liên đã vừa khóc vừa bảo Liên khờ dại quá. Liên vẫn thường ra sông mà khóc. Sau cơn lũ dòng sông lại hiền hòa, những bãi bồi lại ăm ắp màu xanh của bắp, của khoai. Mặt trời vẫn hằng ngày mọc rồi lặn sau đỉnh Cà Tang mà chỉ có lòng Thanh thay đổi. Liên định bụng một bữa ngồi nhờ thuyền dân buôn xuôi dòng tìm Thanh nhưng ba má cản. Người như bóng chim tăm cá biết nơi nào mà tìm. Hơn nữa, dưới Cửa Đại xa xôi, biết bao nhiêu người tên Thanh mà kiếm?

Liên bỏ mái chèo, lên bờ sống rồi sinh con, nuôi con một mình. Ba má mất, Liên sống cùng Tâm ở ngôi nhà dựng bên bến sông. Bao nhiêu năm rồi, vết thương ngỡ lành da lành thịt mà ngờ đâu bóng dáng ông Thanh lại trở về, đứng ngay trong sân nhà Liên…

Ông Thanh run run lấy mấy nén nhang, đốt rồi cắm lên bàn thờ. Ông nói có lỗi với ba má Liên, có lỗi với Liên. Bà Liên ngồi trên bàn, đưa tay sờ mấy vết lõm trên mặt bàn mà lặng câm không biết nói gì.

Ông Thanh kể năm đó lũ dâng cao chưa từng có. Thượng nguồn lũ ồ ạt thì dưới ông nước dâng ngập làng, ngập xóm. Mưa to kèm gió bão tơi bời. Những ngôi nhà dựng đơn sơ không chống chọi nổi với những cơn gió giật, những mái tôn bị gió thổi bay trong gió chẳng khác gì những nhát dao chém vào trời đất. Nhà ông bị lũ cuốn, ba má chạy lũ giữa đêm thì bị nước cuốn trôi. Còn ông bị té ngã, chân ông chẳng may bị gãy ngang đùi.

Sau một cơn bão, ông ngơ ngác mất nhà cửa, mất ba má, trở thành kẻ tật nguyền. Ông cũng chẳng còn sức khỏe để theo đò ngược dòng. Ông nghĩ mình thành ra thế này đâu còn xứng với người con gái xinh đẹp ở thượng nguồn, đâu thể làm chỗ dựa cho ai được nữa. Vậy nên ông quyết định chôn chặt mối tình, để Liên đi tìm một hạnh phúc khác. Phần ông vẫn sống một mình từ ấy cho đến giờ. Bây giờ ở tuổi xế chiều, ông muốn gặp bà một lần chứ đến lúc nhắm mắt lại không yên.

Nói xong ông Thanh ôm ngực hục hặc ho. Nơi đôi mắt nhăn nheo rịn ra dòng nước mắt. Bà Liên nhìn người thương năm cũ mà lòng xao xác như vạt cỏ may trong gió chiều. Nom ông hom hem, già hơn nhiều so với tuổi. Thà người cũ ấm êm, có hạnh phúc mới, dẫu có phụ tình thì chắc bà không đau lòng như thế này.

Tiếng con Trập sủa váng lên, cái cổng lại kêu lên ken két. Tâm mở cổng rồi lái xe thẳng vào sân. Thấy nhà có khách, Tâm khựng lại. Ông Thanh luống cuống, chào bà Liên, cầm lấy cái nón cũ mèm định rời đi. Trông bộ dạng của hai người, Tâm lờ mờ đoán ra giữa hai người chắc hẳn có nhiều sự tình.

- Ai vậy má?

Không đợi bà Liên trả lời, ông Thanh chống chế:

- Tui, bạn cũ của ba má cậu. Lâu này không gặp nên ghé thăm, chào cậu tui về.

- Ông nói chi lạ, tui xưa rày đâu có ba.

Câu nói bất ngờ của Tâm làm ông Thanh vỡ lẽ. Cơn xúc động khiến ngực ông dội lên một cơn đau, phải ngồi xuống ghế. Bà Liên vẫn đứng im một chỗ, chẳng biết phải nói với con câu gì. Tâm như hiểu hết mọi sự, nhìn xoáy vào má thay cho câu hỏi. Phải mất một lúc lâu, khó khăn lắm bà Liên mới cất lời được “ba con đó”. Mặt Tâm tái lại rồi những dòng nước mắt thay nhau chảy dài trên mặt.

Hàng xóm đi ngang, ngạc nhiên thấy Tâm đứng ôm một người đàn ông lạ huơ mà khóc. Trời đứng gió oi bức, mà lòng ba người ai cũng như có từng đợt gió dưới sông Thu thổi lên mát rượi…

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

.